Năm 2020, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) sẽ dành 70% nguồn lực cho nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của PVN và các đơn vị thành viên.
Năm 2019, VPI đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn về định hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí truyền thống và phi truyền thống.
Lần đầu tiên, VPI đã minh giải và xây dựng bộ bản đồ thống nhất cho khu vực bể Sông Hồng, Tư Chính - Vũng Mây và Phú Khánh; nghiên cứu áp dụng thành công các công nghệ minh giải, phân tích hiện đại để thiết lập mô hình định hướng tìm kiếm thăm dò cho khu vực Bắc bể Sông Hồng; nghiên cứu cấu trúc địa chất và các điều kiện hình thành khí hydrate ở vùng nước sâu thềm lục địa miền Trung và Đông Nam Bộ Việt Nam…
Đồng thời, VPI cũng tập trung triển khai chương trình nghiên cứu dài hạn về nâng cao hệ số thu hồi dầu; chế biến hiệu quả thành phần carbon của khí thiên nhiên giàu CO2 (Phát triển công nghệ sản xuất vật liệu carbon nanotubes từ nguồn khí thiên nhiên giàu CO2; phát triển vật liệu màng trên cơ sở zeolite có khả năng tách hiệu quả CO2 và N2 từ nguồn khí thiên nhiên giàu CO2).
Đối với chương trình phát triển tích hợp lọc - hóa dầu từ dầu, VPI tập trung nghiên cứu xác định các sản phẩm hóa dầu tiềm năng có thể phát triển từ dầu; phát triển và ứng dụng mô hình tối ưu hóa quá trình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm lọc hoá dầu của các nhà máy lọc dầu có phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Bên cạnh đó, VPI đã đề xuất PVN các chương trình nghiên cứu dài hạn gồm: Nghiên cứu và đánh giá tiềm năng dầu khí các đối tượng dầu khí phi truyền thống tại các bể trầm tích ở Việt Nam; đánh giá hiện trạng khai thác, trữ lượng và tiềm năng dầu khí còn lại, xây dựng phương án tận khai thác, thẩm lượng và thăm dò cho các lô chuẩn bị hết hợp đồng dầu khí, bể Cửu Long; nghiên cứu áp dụng công nghệ 4.0 phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí và địa chất, khoáng sản biển; chế biến hiệu quả thành phần carbon của khí thiên nhiên giàu CO2; phát triển tích hợp lọc - hóa dầu từ dầu; nghiên cứu tăng cường khả năng kiểm soát và nâng cao độ tin cậy hệ thống công nghệ tại các công trình dầu khí thông qua các giải pháp quản lý an toàn; triển khai thực hiện, cập nhật kế hoạch hành động giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2030; nâng cao năng lực quản trị trong PVN giai đoạn 2020 – 2025.
Năm 2019, VPI được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 1 bằng độc quyền sáng chế (Nhiên liệu nhũ hóa bao gồm dầu nhiệt phân sinh khối và dầu diesel), 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích (Dung dịch khoan vi bọt gốc nước dùng cho các vỉa chứa có áp suất thấp; Quy trình sản xuất xăng có trị số octan cao từ nguồn condensate); chấp nhận đơn 6 sáng chế (Quy trình sản xuất xăng vật liệu graphen từ ống carbon kích cỡ nano; Quy trình chế tạo silic oxide kích cỡ nano từ vỏ trấu; Phương pháp phân chia sản phẩm dầu cho các giếng đa tầng; Quy trình sản xuất phụ gia ZSM-5 dùng trong quá trình cracking xúc tác từ nguồn nguyên liệu tại Việt Nam; Quy trình chế tạo chế phẩm khử dầu trên cơ sở copolyme 2-pronenamit và dầu khoáng dùng để xử lý nước thải tại giàn khai thác dầu khí; Phương pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về đặc tính của dầu khí)…
VPI tiếp tục mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ ra nước ngoài cho GeoGrid, Vniineft, Rusvietptro (Nga), Amec Foster Wheeler, Technimont, GS, JGC, DNV-GL, Mudabala, LOFT Inc…
VPI cũng đẩy mạnh phát triển sản phẩm thương mại, điển hình như gạch không nung sử dụng xúc tác FCC thải; sản xuất và cung cấp anode hy sinh để bảo vệ chống ăn mòn cho công trình dầu khí ngoài biển và đường ống Nam Côn Sơn giai đoạn 2, thân bơm nước làm mát Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng…
Đánh giá cao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của VPI trong năm 2019, Tiến sĩ Phan Ngọc Trung - Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẳng định VPI đã đổi mới tư duy, chủ động triển khai công tác tái cấu trúc, tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia.
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Tiến sĩ Phan Ngọc Trung yêu cầu VPI cần lan tỏa tư duy đổi mới đến từng người lao động; tiếp tục nâng cao vai trò “cánh tay đắc lực” tư vấn cho PVN và các đơn vị thành viên của PVN về công tác khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản trị doanh nghiệp…
Đồng thời, VPI cần tiếp tục phát triển văn hóa dầu khí, văn hóa VPI, phát huy các giá trị khoa học và tinh thần dám chịu trách nhiệm.
Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức cho biết, năm 2020, VPI tiếp tục dành 70% nguồn lực để triển khai công tác nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của PVN và các đơn vị thành viên cũng như sản xuất, kinh doanh hóa chất và thiết bị dầu khí, chất anode chống ăn mòn cho chân đế giàn khoan và phát triển sản phẩm thương mại.
Đồng thời, VPI sẽ dành 20% nguồn lực để hoàn thiện mô hình hoạt động, hệ thống quản trị; thu hút chuyên gia, đào tạo chuyên sâu; tổng hợp và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu (VPInsights...
Với 10% nguồn lực còn lại, VPI ưu tiên mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ ra nước ngoài; xây dựng và vận hành thử mô hình sàn khoa học công nghệ; triển khai chương trình dài hạn về năng lượng thay thế.
Về mô hình phát triển trong thời gian tới, VPI đang chuyển từ cấu trúc từ dạng cây truyền thống sang cấu trúc phẳng, tinh gọn, trong đó lấy việc tạo ra giá trị cho PVN, các khách hàng trong và ngoài nước là trọng tâm, tổ chức tự học hỏi, tự thích nghi với thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị.
Cũng trong năm 2020, VPI sẽ tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của VPI khi Đề án thành lập Học viện Dầu khí Việt Nam được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ động triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn: Định hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí truyền thống và phi truyền thống; công nghệ khai thác dầu khí để đưa tiềm năng dầu khí vào sử dụng hiệu quả và đảm bảo an toàn môi trường; nâng cao hệ số thu hồi dầu; xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao kết hợp hóa dầu từ dầu thô; năng lượng thay thế; đẩy mạnh phát triển sản phẩm thương mại (phần mềm/giải pháp công nghệ thông tin, anode hy sinh, hóa chất, sản phẩm đại chúng), đăng ký bản quyền trong nước và thế giới.