Sau khi báo chí phản ánh về sự bất thường trong việc mở tờ khai xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo lúc 0 giờ ngày 12/04, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Liên bộ Tài chính - Công Thương báo cáo làm rõ phản ánh, nghi ngờ có khuất tất về đăng ký tờ khai hải quan...
Quyết định kịp thời nhưng cách làm khó hiểu
Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép xuất khẩu gạo trở lại trong tháng 4 với số lượng 400 nghìn tấn sau khi yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới vào cuối tháng 3 vừa qua là tin mừng đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo và rất nhiều hộ nông dân trồng lúa trên cả nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ba tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn (tăng 19,9%), giá trị đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%) so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ tăng về sản lượng mà giá gạo xuất khẩu cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Nhiều thời điểm, giá gạo 5% tấm được giao dịch ở mức 428 đến 432 USD/tấn, gạo 25% tấm cũng đạt mức 413 đến 417 USD/tấn, gạo jasmine đạt tới giá 528 đến 532 USD/tấn.
Tuy nhiên, điều đáng nói, việc xuất khẩu gạo trở lại cũng chỉ giới hạn ở mức 400 nghìn tấn trong tháng 4. Chính vì vậy, mà vào lúc 0 giờ ngày chủ nhật (12-4), Tổng cục Hải quan mở cổng đăng ký trực tuyến tờ khai hải quan xuất khẩu khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc đăng ký tờ khai đã bất ngờ được triển khai lúc 0 giờ ngày Chủ nhật (12/4) mà không có một thông tin chính thức nào trước đó từ các bên có trách nhiệm liên quan về thời gian mở hệ thống cũng như không có một nhân sự nào của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan địa phương, Chi cục Hải quan cửa khẩu tiếp nhận hay trực hệ thống ngay thời điểm nhạy cảm này khiến họ hoàn toàn bị động.
Một số tờ khai đăng ký hải quan kể từ thời điểm 0h ngày 11/4 đã có sổ tờ khai và đã phân vào luồng đỏ, nhưng đến ngày 13/4, sau khi tải kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này “tự động” bị lùi về thời điểm 10/4. Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam VFA, Hiệp hội đã ghi nhận ít nhất 3 doanh nghiệp như vậy và hiện vẫn chưa tìm được câu trả lời cho tình huống này.
Thậm chí, có cả trường hợp các tờ khai hải quan đã có sổ tự khai nhưng chưa phân luồng, đã được ghi nhận trước đó, đến thời điểm sáng 14/4 lại bị mạng hải quan xóa bỏ khi chưa đủ 15 ngày theo quy định.
Trong số những trường hợp đã truyền được tờ khai rạng sáng ngày 12/4 có không ít doanh nghiệp chưa tập kết hàng hoặc tập kết hàng chưa đủ số lượng chỉ truyền tờ khai để giữ chỗ. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp đã tập kết hàng hóa sẵn sàng (nghĩa là đảm bảo đầy đủ điều kiện để đăng ký tờ khai chờ thông quan) ở cảng chờ xếp tàu, đóng container, thậm chí có lô hàng đã đóng container trước ngày 24/3, tính đến nay đã hơn 20 ngày lưu container lưu bãi mà vẫn chưa truyền được tờ khai hải quan…
Thiệt hại nặng nề
Báo cáo của VFA cho biết, hàng hóa sẵn sàng với số lượng lớn tại bãi chờ xuất của các cảng đã khá lâu, mỗi ngày các thương nhân phải chịu phí lưu bãi, lưu container, chi phí vận chuyển container hàng hóa từ kho lên cảng; chi phí nâng hạ, đảo chuyển, sản xuất, bao bì, giám định, khử trùng, kiểm dịch; rồi lãi suất ngân hàng, bị phạt bồi thường hợp đồng, chi phí nhân công tại các cảng ngày càng đắt đỏ…
Do đó, nếu các lô hàng trên không được thông quan và XK, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại nặng nề lên đến hàng tỷ đồng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến vấn đề an sinh xã hội. Hơn nữa, đối với những lô hàng giá trị lớn đã sẵn sàng tại các cảng, doanh nghiệp không giao hàng kịp thời, dĩ nhiên sẽ phải đền bù hợp đồng cho khách hàng nước ngoài và đây là một khoản thiệt hại nặng nề.
Từ đó, các doanh nghiệp kiến nghị, trước hết, giải tỏa toàn bộ lượng gạo hàng hóa đã sẵn sàng tại các cảng. Cụ thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai tiếp những đơn hàng còn đang khai dở dang và cho thông quan hết toàn bộ số lượng gạo hàng hóa đã nằm trên cảng trong thời gian sớm nhất có thể (số lượng thực tế ước không vượt quá 300.000 tấn).
Cũng tại công văn kiến nghị, VFA đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép xuất khẩu lại gạo nếp (mã HS 1006.30) và các mặt hàng gạo hữu cơ không giới hạn sản lượng do thực tế phân khúc này hoàn toàn không ảnh hưởng đến cân đối cung cầu lương thực trong nước.
Về hạn ngạch 400 nghìn tấn, các cơ quan có thẩm quyền ngay lập tức cần áp dụng biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp đã truyền tờ khai nhưng không xuất trình đúng, đủ số lượng hàng hóa, số container và số seal của container hàng đã đóng xong như đã khai báo. Hủy toàn bộ tờ khai đã được truyền của doanh nghiệp tại hệ thống nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống số container và số seal, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa.
Tổng cục Hải quan phải công khai minh bạch về thời gian mở hệ thống cho khai hải quan, có văn bản triển khai cụ thể để Cục Hải quan địa phương, Chi cục Hải quan cửa khẩu và thương nhân biết để thực hiện.
Xem xét miễn giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn chung này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các hợp đồng bao tiêu tiêu thụ lúa gạo với nông dân.
Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ việc
Ngày 15/04, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2969/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, vừa qua trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan và việc một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nhận được đầy đủ thông tin trong việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 04/2020. Trong đó nêu cụ thể vể quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống.
Báo cáo việc mua dự trữ lương thực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 140/VPCP-KTTH ngày 03/04/2020 và văn bản số 2827 ngày 10/04/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo việc triển khai văn bản 2827 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hai Bộ này có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng các nội dung trên trước ngày 18/4./.
Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An kiến nghị khẩn cấp lần 2 đề nghị huỷ tờ khai 400 nghìn tấn gạo và cho mở tờ khai tự do chống lợi ích nhóm.
1)Huỷ toàn bộ tờ ngày từ ngày 11/04 đến nay;
2)Hải quan cho các doanh nghiệp khai tiếp những lô hàng đang dang dở và thông quan toàn bộ số lượng hàng đang nằm trên cảng (số lượng khoảng không vượt quá 250 nghìn tấn);
3)Hải quan cho khai mới với số lượng khôg hạn chế chứ không dừng ở mức 400 nghìn tấn;
4)Tờ khai nào khai trước thì xuất khẩu trước đến khi thông quan đạt 400 nghìn tấn gạo thì dừng xuất khẩu;
5) Tờ khai nào sau 15 ngày không xuất thì tờ khai đó tụt lại sau cùng theo quy định nhưng phải tụt lại sau 2 triệu tấn;
6) Tuyệt đối không được chỉ cho khai đến 400 nghìn tấn rồi đóng “cổng” dẫn đến vấn đề tờ khai “xí chỗ”… Khai tự do để chống lợi ích nhóm và rất công bằng, khi thông quan có kiểm soát đủ 400 nghìn tấn là dừng.
|