Ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương về phương án từ ngày 1/5/2020 cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Quyết định cho phép xuất khẩu gạo trở lại của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu gạo được tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc trong thời gian qua.
Những nẻo đường... xuất gạo
Đầu tháng 3, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông báo số 121/TB-VPCP chỉ đạo về việc tạm dừng xuất khẩu gạo từ 0h00 ngày 24/3/2020. Quyết định này khiến những doanh nghiệp đang có đơn hàng xuất khẩu đến hạn thực hiện gặp không ít khó khăn.
Sau khi tiếp nhận phản ánh vướng mắc của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc kiến nghị Chính phủ tạm ngừng thực hiện Thông báo số 121/TB-VPCP nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước thời điểm lệnh dừng xuất khẩu gạo có hiệu lực.
Trước kiến nghị của Bộ Công Thương, sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4-2020, có hiệu lực từ 0h00 ngày 11-4-2020. Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp & PTNT và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền khẩn trương quyết định và triển khai thực hiện phương án xuất khẩu gạo trên và các quy định hiện hành; bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn biến khó lường và tình hình dịch bệnh Covid-19, giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đang cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu theo đề xuất của Bộ Công thương, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, kịp thời cung cấp số liệu xuất khẩu gạo theo đề nghị của Bộ Công thương để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Sẵn lòng lắng nghe doanh nghiệp
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam, với mục tiêu vừa đảm bảo an ninh lương thực về lâu dài những vẫn đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, đảm bảo thu nhập và đời sống của nông dân vừa hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, hơn 1 tháng qua với sự điều tiết linh hoạt, kịp thời của Chính phủ cũng như các cấp bộ, ngành liên quan; ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương về phương án từ ngày 1/5/2020 tới, cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Để hoạt động xuất khẩu gạo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, nhu cầu tiêu dùng trong nước trong điều kiện dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu vẫn còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương. Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu gạo; bảo đảm lợi ích chính đáng cho người dân, doanh nghiệp; giữ vững thị trường xuất khẩu gạo, bảo đảm quan hệ, uy tín với quốc tế. Đồng thời theo dõi thường xuyên tình hình nguồn cung, nhu cầu gạo cho tiêu thụ trong nước, dự trữ và xuất khẩu gạo; nếu ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp xử lý. Trong quá trình điều hành cần lắng nghe ý kiến của các địa phương sản xuất lúa gạo lớn, doanh nghiệp, người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu đôn đốc, kiểm tra việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% theo đúng quy định tại Nghị định số 107; đồng thời yêu cầu 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện, Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của doanh nghiệp.
Song song với hoạt động xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo quy định; rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia, đề xuất giải pháp phù hợp, kể cả việc hoàn thiện hành lang pháp lý để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu gạo có trách nhiệm cung cấp gạo dự trữ cho Nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sâu bệnh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; bảo đảm diện tích, sản lượng, năng suất, chất lượng gạo để có đủ nguồn cung thóc gạo phục vụ yêu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi về quy trình; thực hiện các biện pháp để nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, bảo đảm thực chất, hiệu quả; nghiên cứu việc giảm lãi suất, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 150/TB-VPCP ngày 09/4/2020.
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro) chia sẻ: "Với vai trò là một trong những đơn vị đã tham gia hoạt động xuất khẩu gạo nhiều năm, Hapro bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí cao với công tác điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt cùng những giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời của Bộ Công thương cũng như các Bộ, ngành liên quan thời gian qua để vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo đời sống cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo như chúng tôi trước dịch bệnh Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn”.
Lắng nghe ý kiến doanh nghiệp và người dân để hoạt động điều hành bám sát thực tiễn chính là một trong những yếu tố làm nên Chính phủ kiến tạo. Quyết định cho phép xuất khẩu gạo trở lại của Chính phủ thể hiện quyết tâm thực hiện tốt “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch thành công, vừa ổn định kinh tế - xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển khi dịch bệnh kết thúc nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo đà thúc đẩy xuất khẩu, thu về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước sau khi đẩy lùi dịch Covid-19.