Trước tình hình diễn biến dịch bệnh Covid 19 tại Hải Dương phức tạp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid 19 Hà Nội cần có ngay các biện pháp phòng dịch kịp thời, theo đó, Ban Chỉ đạo Covid 19 Hà Nội đã có thông báo: Đối với những người đi từ vùng dịch Hải Dương đến Hà Nội phải chủ động khai báo y tế bắt buộc với tổ y tế cộng đồng tại nơi cư trú, khuyến cáo người dân tự cách ly tại nhà, không di chuyển ra ngoài cộng đồng khi không cần thiết.
Riêng đối với người dân từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) khi đến Hà Nội phải chủ động khai báo và lấy mẫu xét nghiệm Covid 19, cách ly y tế bắt buộc, không được đi ra ngoài cộng đồng, trên tinh thần ai ở yên đó.
Hà Nội vẫn chủ động, kiểm soát được tình hình
Chiều 15/2, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TP Hà Nôi tiếp tục triển khai các biện pháp phòng dịch.đảm bảo an toàn khi người dân trở về TP sau Tết.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, Thủ tướng vừa chủ trì họp với các bộ ngành và địa phương để chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Với Hà Nội, cả hệ thống chính trị đã kịp thời, khẩn trương, quyết liệt trong tất cả các khâu từ chỉ đạo đến tổ chức thực hiện, có giải pháp cụ thể và Thủ tướng có biểu dương Hà Nội đã chủ động, có nhiều sáng tạo trong công tác phòng chống dịch.
“Chúng ta đã đảm bảo lời hứa trước Đảng bộ và nhân dân Thủ đô là: kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo sản xuất kinh doanh, giao thương buôn bán an toàn”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Trước diễn biến mới liên quan đến bệnh nhân Nhật Bản, ông Chu Ngọc Anh cho biết, TP đã vào cuộc kịp thời lấy mẫu, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu. “Chúng ta vẫn chủ động, kiểm soát được tình hình. Từ trường hợp BN Nhật Bản đặt ra yêu cầu các đơn vị phải tầm soát, khống chế dịch bệnh nhanh hơn nữa”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhắc nhở, Bí thư, Chủ tịch UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác chống dịch ở địa bàn.
Từ ngày mai, người dân các tỉnh sẽ trở về TP làm việc, trong đó sẽ có người về từ vùng dịch như Quảng Ninh, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh…, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đặt vấn đề: “Người trở về thì khai báo y tế ra sao, kiểm soát thế nào. Cần tăng cường hơn việc khai báo y tế. Từ xã phường, thị trấn cần triển khai ngay lực lượng, phối hợp các tổ giám sát cộng đồng với lực lượng công an, các đoàn thể làm sao nắm rõ toàn bộ di biến động trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ từ các nhà trọ sinh viên, công nhân, khu cụm công nghiệp. Các đồng chí sẽ vất vả hơn nhưng phải nỗ lực làm tốt nhất, không để bỏ sót trường hợp nào”.
Ông Chu Ngọc Anh đặc biệt nhấn mạnh, vài ngày tới là giai đoạn quan trọng trong công tác phòng chống dịch và nêu: “Nơi khác thì lập chốt để kiểm soát người ra vào TP, nhưng Hà Nội cần tính toán cụ thể phương án làm sao không để ùn tắc; gắn trách nhiệm với chủ phương tiện vận tải để nắm chắc thông tin y tế từng người về Thủ đô”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý việc TP đã yêu cầu nhà máy, xí nghiệp phải có kích bản chống dịch đảm bảo mới được tổ chức sản xuất nên các đơn vị phải tăng cường kiểm tra. “Các đơn vị phải làm tốt nhất mọi nhiệm vụ để kiểm soát tốt tình hình, đón bà con trở lại TP sau tết đảm bảo an toàn. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong những ngày tới”.
Đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cafe từ 0h ngày 16/2
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đồng ý với đề xuất, đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cafe từ 0h ngày 16/2; Tạm thời đóng cửa các di tích để ngăn chặn sớm dịch bệnh. Quả thực hàng quán, đình chùa hiện nay người dân đến rất đông.
Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý Hà Nội đã có những bệnh nhân Covid-19 mới nhưng chưa rõ nguồn gốc lây lan, có lịch trình di chuyển phức tạp, truy vết khó khăn vì vậy TP đã tổ chức họp sớm hơn 1 ngày để có những giải pháp kịp thời.
"Các quận huyện thị xã, lực lượng y tế phải tập trung cao độ, thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2, F3 liên quan đến các ca bệnh mới phải theo dõi y tế chặt chẽ bởi: “Nếu không nhanh chóng bắt kịp sẽ rất nguy hiểm. 10 ngày qua rất có thể đã có mầm bệnh trong cộng đồng”, Phó Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND TP giao CDC Hà Nội lên phương án xét nghiệm mẫu ngẫu nhiên ở các khu công nghiệp (nhất là các điểm có người đi từ 12 tỉnh thành có dịch trở về, những nơi có chuyên gia nước ngoài làm việc” để có sàng lọc sớm, tránh rủi ro.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị nâng cao hơn nữa mức an toàn ở các bệnh viện, phòng khám, khách sạn nơi có người cách ly; xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang; các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, khẩn trương với các trường hợp người dân về từ vùng dịch, lấy mẫu xét nghiệm người về từ Cẩm Giàng, Hải Dương; khuyến cáo các trường hợp này hạn chế đi ra ngoài nếu không cần thiết, theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Các địa phương sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” với mọi kịch bản, tình huống bởi dự kiến trong những ngày tới Hà Nội sẽ có thể có thêm những trường hợp F0; Sở GT-VT chú ý các phương án đảm bảo an toàn trong vận chuyển hành khách...
Trước đó Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh báo cáo, chiều 1/2, Hà Nội ghi nhận 1 bệnh nhân Covid-19 mới (chưa được Bộ Y tế công bố). Bệnh nhân là nam, 43 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, địa chỉ: P1507 khách sạn Somerset - số 2, Quảng An, Tây Hồ, nhân viên văn phòng: Chi nhánh Công ty TNHH Mitsui Việt Nam tại Hà Nội (Tầng 9 tòa nhà Sun Red River, 23 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm).
Bệnh nhân là F1 của BN2234 và BN2229 (họp cùng ngày 2-2-2021), kết quả xét nghiệm ngày 15/2 dương tính. Hiện nay các đơn vị đang tiếp tục điều tra các trường hợp liên quan. Các đơn vị y tế đã khẩn trương điều tra, khoanh vùng xử lý dịch, phun khử trùng tại quận Tây Hồ đã lấy mẫu xét nghiệm khách và nhân viên khách sạn tại đây và đều cho kết quả âm tính. Quận Hoàn Kiếm cho biết, đã thực hiện phun khử khuẩn toà nhà 23 Phan Chu Trinh có liên quan đến bệnh nhân người Nhật Bản; lấy mẫu xét nghiệm 105 người.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, hiện đang xác định nguyên nhân lây nhiễm, trong đó có nhiều giả thuyết như lây bệnh tại Việt Nam và nếu bệnh nhân bị nhiễm ở Hà Nội thì nguy cơ của Thủ đô rất cao.
Ông Hiền đặc biệt lưu ý, người cách ly 14 ngày sau vẫn phải tiếp tục giám sát chặt chẽ sức khỏe trong 14 ngày nữa nếu không sẽ khó ứng phó với các tình huống bất thường; các trường hợp cách ly tại nhà phải tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt là đối tượng chuyên gia. “Các quận huyện rà soát các chuyên gia trên địa bàn, các quán ăn của người Nhật cũng phải rà soát kỹ, xem xét lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp có nguy cơ”.
Giám đốc Sở Y tế nêu quận Hoàn Kiếm việc các hàng quán vẫn đông đúc và nhiều người không đeo khẩu trang và đề nghị quận phải xử lý nghiêm nếu không có biện pháp mạnh sẽ không thể kiểm soát được.
Cũng tại phiên họp Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Thị Vân Anh, cho biết một số quận huyện đã có quyết định đóng cửa các di tích, đề xuất TP xem xét việc dừng hoạt động toàn bộ các di tích trên địa bàn thành phố./.
Đỗ Hưng/VOV.VN