Ngành du lịch năm 2021: Tiếp tục vượt 'bão Covid'

Đầu năm 2021, ngành du lịch tiếp tục chịu tổn thất nặng do dịch Covid-19 bùng phát. Để thích ứng với tình hình mới, ngành du lịch đang nỗ lực vượt qua khó khăn.

 

Sụt giảm 60-80% lượng khách

Mùa du lịch Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 có thời tiết thuận lợi để khách du lịch thăm quan, trải nghiệm, song do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, do đó nhiều chương trình du lịch của các hãng lữ hành bị khách hoãn, hủy tour.

Tại một số địa phương không nằm trong vùng dịch, hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán vẫn diễn ra bình thường. Ảnh: Thành Công

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch (TCDL), thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, nhiều hoạt động văn hóa - du lịch phục vụ du khách tại các địa phương trong cả nước đã dừng tổ chức, do đó lượng khách du lịch nội địa đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 (trung bình khoảng từ 60-80%); công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú chỉ đạt từ 10- 20%; doanh thu du lịch thấp; một số khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa không đón khách, một số doanh nghiệp du lịch tiếp tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh...

Tuy nhiên, tại một số địa phương không nằm trong vùng dịch, hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán khá sôi động, các loại hình được du khách ưa chuộng là du lịch tâm linh, thăm thân, tham quan… Tại các điểm du lịch, những nơi có danh lam thắng cảnh đẹp, vẫn ghi nhận và đón được một số lượng khách nhất định như: An Giang 400.000 lượt, Phú Quốc hơn 22.000 lượt, Đà Lạt (Lâm Đồng) 45.000 lượt,…

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần này, khách du lịch đã không hủy tour và yêu cầu hoàn tiền như những đợt dịch trước, mà chủ yếu đề nghị đổi thời gian và địa điểm thực hiện tour. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp du lịch đã chủ động đưa ra những giải pháp vượt qua khó khăn, nghiên cứu và tung ra nhiều chương trình phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi du lịch dịp trong và sau Tết khi học sinh học trực tuyến như: đi gia đình, nhóm nhỏ, phương tiện cá nhân, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực...

Theo TCDL, ước tính số khách du lịch nội địa tháng 2/2021 đạt 2 triệu lượt, trong đó có 1 triệu lượt khách lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch. Trong 2 tháng đầu năm 2021, ước tính khách du lịch nội địa đạt 9,5 triệu lượt, trong đó có 4,9 triệu lượt khách lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch trong 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 41.400 tỷ đồng, giảm 64,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều biện pháp phục hồi

TCDL cho biết sẽ tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị toàn quốc về quy hoạch du lịch để đề xuất các định hướng, giải pháp phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn tới. Ngoài ra, TCDL sẽ phối hợp với tỉnh Ninh Bình và các địa phương liên quan về công tác tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021; phối hợp với Tổng cục Thể dục - Thể thao xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 vào cuối năm 2021. Đồng thời phối hợp với TP. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để thúc đẩy các thỏa thuận liên kết hợp tác giữa 2 địa phương này với các địa phương khác trong cả nước; phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng cho các địa phương trong phát triển sản phẩm đặc trưng, cơ cấu thị trường khách, chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh...

TCDL sẽ phối hợp với tỉnh Ninh Bình và các địa phương liên quan về công tác tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021. Ảnh: Thành Công

Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, ông Phùng Quang Thắng, cho rằng: “Để thích ứng với dịch Covid-19, cần tiếp tục tập trung kích cầu thị trường khách nội địa với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng, song song với việc bảo đảm an toàn cho du khách. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cần tập trung xây dựng các sản phẩm mới như: Sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh gắn với các dịch vụ tắm khoáng, tắm thuốc, thiền dưỡng sinh, chữa bệnh... Đây là dòng sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế vào năm ngoái. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch thể thao, giải trí cũng trở nên phổ biến hơn do nhu cầu rèn luyện sức khỏe của du khách ngày càng tăng. Một xu hướng đang “lên ngôi” khác là du lịch thông minh với các trải nghiệm đa dạng bằng công nghệ số, thực tế ảo... khá phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

“Thời gian qua, ngành du lịch đã đề xuất nhiều chính sách và doanh nghiệp, người lao động trong ngành đã thực hưởng những hỗ trợ như: Miễn, giảm tiền điện, thuế đất, phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế… Tuy nhiên, những hỗ trợ này không nhiều, chưa thiết thực. Trong khi đó, nếu không có sự chuẩn bị tốt, đến khi dịch được khống chế, thị trường mở cửa trở lại rất dễ phải đối mặt những lỗ hổng lớn về nguồn nhân lực, sản phẩm, cơ sở vật chất và định hướng thị trường”. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Doanh nghiệp liên kết “bung” tour

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hàng loạt sản phẩm du lịch mang sắc thái mới được các doanh nghiệp lữ hành chuẩn bị trong thời gian hoạt động kinh doanh tạm ngừng vì dịch Covid, nay đồng loạt “bung” tour đón đầu mùa du lịch mới...

“Với mong muốn mang đến sự cảm nhận khác biệt trên vùng cao biên viễn, S-Travel xây dựng hành trình tour cho các DN lữ hành khám phá vẻ đẹp của Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Hà khi xuân về là sắc trắng tinh khôi của hoa mận phủ kín những sườn đồi. Xen giữa sắc thắm của các loại hoa là những nếp nhà của đồng bào các dân tộc vùng cao như điểm xuyết. Bên các nương đồi, thửa ruộng bậc thang thấp thoáng những thiếu nữ trong trang phục truyền thống rực rỡ như hương sắc mùa xuân tô điểm cho đất trời. Đến mảnh đất này, các điệu khèn, điệu sáo bừng lên âm điệu mùa xuân và tất cả như một trời nhớ thương vời vợi…”, đại diện S-Travel, ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết.

Tây Bắc vẫn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Thành Công

Tour Caravan Tây Bắc mùa hoa ban nở do CLB lữ hành bền vững VGREEN và Hội Lữ hành Hà Nội tổ chức từ ngày 12-16/3/2021, được kỳ vọng như một “đoàn tàu du lịch bền vững” thông qua sự liên kết giữa các DN lữ hành để cùng chung tay thúc đẩy du lịch vượt lên sau đại dịch Covid.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Chủ tịch CLB VGREEN cho hay: “Qua một năm kể từ khi đại dịch xuất hiện, du khách đã thêm nhiều kinh nghiệm về phòng chống dịch. Do đó, trong thời gian hoạt động kinh doanh tạm ngưng, chúng tôi vẫn tích cực phối hợp triển khai các kế hoạch sẵn sàng cho lần khởi động du lịch trở lại. Du lịch bền vững là động lực thúc đẩy chúng tôi thực hiện chương trình khôi phục du lịch có trách nhiệm, bắt đầu bằng câu chuyện: Đến với vùng rừng núi Tây Bắc giữa mùa hoa ban nở; trải nghiệm bằng xe tự lái, trước hết để giải tỏa tâm lý đi chung; tuân thủ giãn cách; vẫn đủ thuận lợi để trải nghiệm và có cảm nhận tốt nhất về vùng đất quyến rũ cùng nhiều điều thú vị khác”.

Biển Xanh - kết nối đại ngàn do Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch VietPromotion phối hợp với Liên minh Lữ hành và Khách sạn Nha Trang tổ chức từ ngày 1- 6/4/2021 cho các đơn vị lữ hành Bắc, Trung, Nam khảo sát điểm đến Nam Trung bộ và Tây Nguyên với nhiều điểm đến đặc sắc như: Đồng cừu Suối Tiên, hang Rái, bãi Kinh (Ninh Thuận), thác Draynur - thác nước hùng vĩ nhất mà thiên nhiên ban tặng cho Đắk Lắk, khu du lịch Kotam, thủy điện Yaly, nhà thờ gỗ Kon Tum; Cầu treo KonKlor - chiếc cầu treo công nghiệp to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên nối liền hai bờ của dòng sông Đăk Bla, huyền thoại những dòng sông chảy ngược về Tây của đất Tây Nguyên, chảy từ Quảng Ngãi về đến thuỷ điện Yaly…/.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận