Cấp thẻ căn cước công dân: Cần thiết nhưng phải tiện

Nhiều người dân cảm thấy phiền toái khi phải thay đổi nhiều lần và phải mang theo nhiều loại giấy tờ chứng minh nhân thân...

 

Triển khai Đề án cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp của Bộ Công an mới đây là cần thiết, nhưng khiến nhiều người dân cảm thấy phiền toái khi phải thay đổi nhiều lần và phải mang theo nhiều loại giấy tờ chứng minh nhân thân cùng những rắc rối phát sinh.

Nhiều phiền phức

Kể từ năm 2016, thời điểm Luật Căn cước công dân có hiệu lực, cho đến nay, có 4 loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại là Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số, thẻ CCCD và thẻ CCCD gắn chíp.

Theo đó, kể từ tháng 7/2012 trở về trước, người dân có giấy CMND 9 số; Từ tháng 7/2012 đến năm 2016, người dân có CMND 12 số; Từ 2017 người dân có CCCD 12 số và mã vạch; Và đến thời điển hiện tại, thực hiện Đề án cấp thẻ CCCD gắn chíp của Bộ Công an, người dân có thêm CCCD 12 số có gắn chip.

Việc đổi sang CCCD gắn chip cần thiết nhưng cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi cho người dân. Ảnh: k.t

Những quy định này kèm theo việc phải thay đổi giấy tờ nhân thân nhiều lần trong vòng 10 năm qua đã dẫn đến nhiều hệ luỵ, phiền phức cho người dân.

Anh Nguyễn Văn Bình (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện anh đang có cả 3 loại giấy tờ nhân thân như nêu trên và đều đang còn hiệu lực. Điều này dẫn đến khá nhiều phiền phức cho cuộc sống. Anh chia sẻ: “Năm 2016 tôi nhập khẩu cho gia đình tại Hà Nội sau một thời gian dài định cư tại đây. Khi đó tôi làm lại CMND và được cấp mới 1 CMND 12 số (không có giấy chứng nhận thay đổi số CMND). Đến năm 2017, tôi tiếp tục làm CCCD. Trong khi đó, CMND đầu tiên của tôi được cấp ở quê vào năm 2007 vẫn còn hiệu lực sử dụng. Điều đáng nói là, chính bởi việc cấp đổi nhiều lần CMND, CCCD cộng thêm việc tôi chuyển đơn vị công tác, bổ sung hồ sơ cán bộ tại cơ quan mới dẫn đến hệ quả là, cho đến nay tôi có 2 mã số thuế cá nhân khác nhau, tương ứng với CMND 12 số và CCCD của tôi. Bên cạnh đó, hầu hết các hợp đồng dịch vụ phục vụ sinh hoạt của gia đình như: Hợp đồng cung cấp điện, nước, điện thoại, giấy tờ nhà đất… đều sử dụng số CMND 9 số được cấp từ năm 2007 khiến cho mỗi khi cần sử dụng CMND, CCCD… của tôi có khá nhiều phiền phức”.

Ông Nguyễn Quang Hoạt (76 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải xếp hàng đợi đến 12h đêm ở công an phường để thay đổi CCCD mã vạch sang CCCD gắn chíp. Ông cho biết: “Sau khi làm thủ tục thay đổi CMND 12 số sang CCCD vào đầu năm 2020, tôi đã phải mất cả tháng trời đi đi lại lại để hoàn tất việc thay đổi nội dung hợp đồng dịch vụ điện, nước, tài khoản ngân hàng… Vậy mà chưa đầy 1 năm lại đổi sang CCCD gắn chíp”, ông Hoạt tỏ vẻ mệt mỏi.

Anh N.X.Trung (phường Mai Động, Hà Nội) chia sẻ, anh vừa mất toàn bộ giấy tờ tuỳ thân. Sau khi xin cấp CCCD thay thế CMND, anh đến ngân hàng để làm thủ tục cấp lại thẻ. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng yêu cầu anh phải đưa ra CMND cũ hoặc bản photo mới có thể làm thủ tục vì tài khoản ngân hàng của anh được đăng ký bằng số CMND trước đây. “Tôi mất CMND nên mới xin cấp lại CCCD, bây giờ ngân hàng lại yêu cầu tôi trình CMND thì tôi biết lấy ở đâu ra”, anh Trung bày tỏ.

Phải thuận tiện

Giải thích việc mình có quá nhiều giấy tờ chứng minh nhân thân, anh Bình chia sẻ: “Sở dĩ tôi vẫn giữ các CMND cũ vì nó vẫn còn hiệu lực. Hơn nữa, việc thay đổi nội dung của tất cả các hợp đồng dịch vụ như điện, nước, thay đổi nội dung đăng ký tài khoản ngân hàng… đặc biệt là thay đổi nội dung các hợp đồng mua bán được ký từ nhiều năm trước vẫn còn hiệu lực là rất mất thời gian và cần nhiều thủ tục, không phải một chốc một lát mà hoàn thành được. Hơn nữa, còn phải làm giấy tờ xác minh thông tin thay đổi trong trường hợp đổi CMND 9 số thành 12 số. Mỗi lần như vậy khiến tôi mất khá nhiều thời gian, công sức. Đồng thời tôi có 2 mã số thuế cá nhân ứng với CMND 12 số và CCCD nên tốt nhất là tôi không cập nhật thông tin CCCD mới cho các giao dịch phát sinh, mà lựa chọn giữ lại các giấy tờ cũ, mặc dù việc giữ nhiều giấy tờ cũng có nhiều phiền phức và nguy cơ mất mát.

Theo anh Bình, việc đổi sang CCCD gắn chíp là cần thiết. Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc cấp đổi, nên chăng cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu Database đầy đủ thông tin, bao gồm cả số lần cấp đổi, số CMND, CCCD cũ..., đồng thời cập nhật cho các cơ quan liên quan để họ có quyền truy cập, kiểm tra thông tin khi có phát sinh giao dịch. Hoặc cách khác là in thêm số CMND cũ lên CCCD mới. Như vậy khi cấp đổi sang CCCD mới có gắn chip, người dân sẽ không gặp phải những phiền phức như hiện nay.

Để việc sử dụng các giấy tờ, bằng cấp có liên quan đến số CMND cũ không gặp nhiều phiền phức, đồng thời giải quyết các giao dịch được thiết lập trước đó với cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo hướng dẫn của ngành công an, khi làm thủ tục cấp đổi CMND, người dân có thể yêu cầu cơ quan công an cấp thêm giấy xác nhận về số chứng minh cũ theo chỉ đạo tại Công văn số 12219/VPCP-KSTT ngày 15/11/2017 về việc “Cấp Giấy xác nhận CMND” của Văn phòng Chính phủ: “Bộ Công an thực hiện việc cấp Giấy xác nhận CMND cho công dân đối với tất cả các trường hợp chuyển từ CMND 9 số, 12 số sang thẻ CCCD, thay vì chỉ cấp khi công dân có yêu cầu như hiện nay”.

Tuy vậy, việc xin giấy xác nhận của ngành công an đối với nhiều người dân cũng là một thủ tục không đơn giản, phải đi lại, chờ đợi mất thời gian. Hơn thế, khi hàng loạt giấy tờ mang số CMND cũ, nghĩa là họ phải thực hiện rất nhiều công việc, giao dịch liên quan.

Trong khi đó, nếu chỉ trình giấy xác nhận thì không vấn đề gì, nhiều cơ quan khi giải quyết công việc còn đề nghị giữ lại luôn bản chính (hoặc photo có chứng thực) để làm “bằng chứng” chứng minh người thực hiện giao dịch đó đúng là người có số ghi trên CMND. Việc này đồng nghĩa người dân phải đi xin xác nhận nhiều lần, hoặc phải đi đến UBND cấp xã chứng thực sao y.

Một vấn đề nữa là, nếu trong trường hợp không phải là cấp đổi từ CMND 9 hoặc 12 số sang CCCD mà là cấp mới do bị mất CMND cũ, việc cấp kèm theo giấy xác nhận số CMND cũ cũng là bất khả thi./.

Theo Luật CCCD, tất cả các giấy tờ chứng minh nhân thân gồm CMND, CCCD nếu chưa quá thời hạn 15 năm kể từ ngày cấp thì vẫn có nguyên giá trị. Cũng theo Luật CCCD, số CMND hoặc CCCD có thể thay đổi trong trường hợp: di chuyển địa bàn cư trú từ tỉnh này sang tỉnh khác; Thay đổi từ CMND 9 số sang 12 hoặc sang CCCD.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận