Sau hơn 2 năm về đích nông thôn mới trước hạn, huyện Việt Yên đang tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu cao hơn nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được.
Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế
Là huyện nằm ở phía tây tỉnh Bắc Giang, phát huy lợi thế địa kinh tế, huyện Việt Yên đang trên đà phát triển với các khu công nghiệp lớn như Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Cùng với sự phát triển của công nghiệp, những năm qua, huyện Việt Yên không ngừng chú trọng, quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên tất cả các lĩnh vực đã mang lại nhiều kết quả đáng kể cho Việt Yên. Cụ thể, kinh tế phát triển khá; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện; quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện tốt; an ninh, trật tự xã hội được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; trình độ sản xuất và đời sống của người nông dân được nâng cao, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy; các hoạt động văn hóa truyền thống tốt đẹp được khôi phục và phát huy. Thành quả đó đã tạo tiền đề quan trọng để năm 2018, Việt Yên được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Bắc Giang, hoàn thành sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên khẳng định: Xây dựng NTM là việc làm cho dân, do dân và vì dân, vì vậy, chúng tôi không được phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Kết quả về đích trước 2 năm trong xây dựng NTM vừa là động lực nhưng cũng là áp lực để cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Việt Yên phải nỗ lực duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí NMT. Từ việc đề xuất các chủ trương đầu tư đến quá trình triển khai thực hiện đều được Lãnh đạo huyện kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo các nguồn vốn được đầu tư hiệu quả và hướng đến phục vụ tốt nhất cho người dân.
Theo ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, việc xây dựng NTM đã nhận được sự hưởng ứng, sự đồng thuận của nhân dân và chỉ khi nhân dân thực sự đồng lòng, vào cuộc thì mới sớm đạt được mục tiêu. Người dân đã thực sự được hưởng những giá trị mà chương trình xây dựng NTM mang lại. Đến nay, tốc độ phát triển nông nghiệp của xã Quảng Minh tăng 2,6 lần so với năm 2016; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác năm 2020 đạt 116 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 52,6 triệu đồng/người, tăng 1,6 lần so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo 1,01%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; có 2/5 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; nâng cấp và bê tông hóa được 4,254km đường ngõ xóm, nâng số km đường ngõ xóm được bê tông hóa là 20,9/20,9km, đạt 100%; bê tông hóa được 1,396km đường trục chính giao thông nội đồng, nâng số km đường trục chính giao thông nội đồng là 11,904/15,657km đạt 76%; cứng hóa và nâng cấp được 3,55km kênh mương nội đồng, nâng tổng số km kênh mương được cứng hóa là 15,008/19,355km, đạt 77,5%... Xây mới 02 nhà văn hóa, trường THCS về vị trí mới với 40 phòng học, phòng chức năng; 8 phòng học trường mầm non khu, đầu tư xây dựng các phòng học trường mầm non khu 2 Khả Lý Thượng, Khả Lý Hạ.
Phát triển nông thôn bền vững
Ông Nguyễn Viết Cường, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Việt Yên chia sẻ, năm 2020, Việt Yên đã có 15/15 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành 35/35 tiêu chí nâng cao; hoàn thành 01 xã NTM nâng cao (xã Ninh Sơn); 09 thông NTM kiểu mẫu vượt 06 thôn so với kế hoạch tỉnh giao. Năm 2021, huyện Việt Yên đặt mục tiêu xây dựng hoàn thành 4 xã NTM nâng cao/kiểu mẫu, 9 thôn NTM kiểu mẫu nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt, xây dựng NTM nâng cao, để đảm bảo xây dựng NTM là chương trình thường xuyên, liên tục, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, hướng tới sự phát triển nông thôn bền vững.
Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện Việt Yên đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khoa học và sát thực tiễn. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng, triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nâng hạng sản phẩm cho 3 sản phẩm Rượu cổ truyền Làng Vân, Chè Lam Gấc, Mỳ Tảo xoắn đã được xếp hạng năm 2019 - 2020.
Tiếp tục rà soát 15 sản phẩm OCOP năm 2021, phấn đấu có 6 - 8 sản phẩm của huyện đạt 3 sao trở lên. Phát triển công nghiệp, TTCN, làng nghề, du lịch, dịch vụ trên địa bàn phù hợp với các điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thân thiện với môi trường và phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đảm bảo thu nhập hằng năm của người dân nông thôn phải cao hơn tối thiểu 1,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hằng năm của tỉnh Bắc Giang. Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa và đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Đẩy mạnh gìn giữ các làng quan họ cổ, các nhóm hát, câu lạc bộ hát dân ca phát triển truyền dạy cho các thế hệ với 200 đội, câu lạc bộ quan họ. Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi, làng nghề với mục tiêu đạt tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị đạt 100%; thu gom chất thải rắn nông nghiệp đạt 80%.../.