Mùa du lịch hè 2021 vừa mới chính thức bắt đầu. Nhìn vào hình ảnh hàng vạn người ken đặc trên bãi biển tại lễ hội khai trương mùa du lịch biển Sầm Sơn, Thanh Hoá, hay tại bãi biển Vũng Tàu… trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, những người làm du lịch không khỏi vui mừng. Nhưng mừng nhiều và lo cũng không ít.
Tia sáng vừa lóe…
Không ngoài dự đoán của nhiều người, sau thời gian dài bí bách do không được đi du lịch vì dịch Covid-19, khi tình hình dịch bệnh được khống chế và cuộc sống dần trở lại “trạng thái bình thường mới”, người dân cả nước bắt đầu háo hức chờ đợi, “săn lùng” tour cho mùa du lịch hè 2021.
Theo số liệu từ công cụ Destination Insights của Google, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch nội địa tăng mạnh khi dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè đang đến gần. Những ngày cuối của tháng 3, lượng tìm kiếm thông tin về du lịch đã tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước và tăng mạnh so với hai tháng trước đó, có thời điểm tăng 60% so với tháng 1/2021 và tăng gấp 4 lần so với tháng 2/2021.
Đón được tâm lý của người dân, ngay sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 3 cơ bản được kiểm soát, toàn ngành du lịch đã triển khai nhiều chiến dịch quảng bá, kích cầu du lịch, đón mùa du lịch hè 2021. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Tổng cục Du lịch (TCDL) tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch thứ hai với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Trong đó, yếu tố an toàn được đặt lên trước yếu tố hấp dẫn bởi “an toàn” là yếu tố sống còn của ngành du lịch trong tình hình này.
Bộ chủ quản và các cơ quan quản lý du lịch địa phương trên cả nước đồng loạt ban hành các bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 với hoạt động du lịch và đôn đốc các bên tham gia thực hiện nghiêm túc. TCDL cũng triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm bảo đảm an toàn cho du khách trong dịch Covid-19.Các doanh nghiệp du lịch chuẩn bị hàng loạt tour hấp dẫn, các gói sản phẩm combo với nhiều khuyến mãi hấp dẫn, các biện pháp an toàn cho du khách khi mua tour… Tất cả nhằm đáp ứng nhu cầu đi du lịch đang tăng cao của người dân, đảm bảo an toàn cho du khách, đón mùa du lịch hè 2021 bội thu.
Và, tất cả những nỗ lực của ngành du lịch đã đem lại kết quả không ngoài dự đoán. Theo thống kê từ các địa phương trong cả nước, lượng khách du lịch nội địa đặt tour dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và du lịch hè 2021 tăng đột biến. Nửa tháng trước kỳ nghỉ lễ, các tour du lịch đã đóng sớm, một số khách sạn không thể nhận khách vì hết phòng, một số khu/điểm du lịch lượng khách đông ngoài dự kiến… Ngành du lịch hồ hởi mong chờ một mùa du lịch hè bội thu đúng như kỳ vọng, lấy du lịch nội địa mùa du lịch hè 2021 làm bàn đạp phục hồi, chấm dứt thời kỳ du lịch “đóng băng” do dịch bệnh.
… Đã lại lo cho “sức khỏe” ngành du lịch
Thế nhưng, tình hình dịch bệnh Covid-19 lại trở nên phức tạp với nguy cơ bùng phát lần thứ 4 khi những ca bệnh trong cộng đồng được phát hiện trước và trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Thêm vào đó, bài học nhãn tiền ở nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia… vừa qua cho thấy dịch Covid-19 lan nhanh sau các lễ hội. Ở trong nước, làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 xuất hiện ở Đà Nẵng hồi tháng 7/2020, ngay sau thời điểm kích cầu du lịch càng khiến mối lo bùng phát dịch bệnh sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tăng thêm. Việc đảm bảo du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới càng trở nên bức thiết.
Nhìn vào hình ảnh hàng vạn người ken đặc trên bãi biển tại Lễ khai trương mùa du lịch biển Sầm Sơn, Thanh Hoá, hay biển người chen chân tại bãi biển Vũng Tàu... trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, trong đó không ít người không đeo khẩu trang, không đảm bảo các biện pháp an toàn, cho thấy tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân và du khách là thực trạng đang xảy ra tại nhiều điểm du lịch, lễ hội trong thời gian gần đây, khi Việt Nam cơ bản đang kiểm soát tốt dịch Covid-19.
“Doanh nghiệp đã sẵn sàng, chúng tôi tuyệt đối không đưa khách đến vùng nguy cơ dịch bệnh; tổ chức đưa đón khách theo đúng quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế và địa phương, tuyệt đối thực hiện thông điệp 5K, bảo đảm an toàn cho du khách, không để dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, hiện nay khách đi lẻ tự phát nhiều, rất mong từ Chính phủ đến mỗi người dân phải kiểm soát tốt dịch bệnh, để người đi du lịch không lo lắng, và người làm du lịch không bị kiệt sức”.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours)
|
Mùa du lịch hè chỉ mới bắt đầu. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh phức tạp và thực trạng mất an toàn tại các điểm du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua đang khiến người dân lo lắng, cân nhắc có nên đi du lịch?
Theo tin từ các doanh nghiệp lữ hành, trước kỳ nghỉ lễ, khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, đã có không ít khách huỷ tour, có những điểm đến khách huỷ tour chiếm tới 30%. Đối mặt với việc khách liên tục huỷ, hoãn tour và dịch vụ du lịch, nhiều doanh nghiệp du lịch bày tỏ tâm trạng lo lắng nhưng không cảm thấy hoang mang: “Chúng tôi đã có kinh nghiệm từ những lần dịch trước, luôn cảnh giác với dịch bệnh và thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch, bởi hơn ai hết, những người làm du lịch hiểu rằng, để bùng phát, lây lan dịch trong cộng đồng, ngành du lịch sẽ phải hứng chịu hậu quả đầu tiên. Với việc xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng như thế này, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, địa phương, đơn vị cung ứng dịch vụ, người dân và du khách nhằm giải quyết hợp tình, hợp lý yêu cầu, quyền lợi giữa các bên trong các trường hợp bất khả kháng. Và hơn cả là kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách”, một đại diện doanh nghiệp lữ hành bày tỏ.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng TCDL cho biết, ngành du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL về công tác phòng chống dịch; tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa và chuẩn bị sẵn sàng mở cửa thị trường quốc tế khi điều kiện cho phép; tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và phát triển công nghệ hỗ trợ du khách; chuẩn bị kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động SEA Games 31; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động trong Năm Du lịch Quốc gia Ninh Bình 2021; định hướng cho các địa phương cơ cấu lại sản phẩm du lịch và thị trường khách, đồng thời kết nối các hoạt động liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương; nâng cao vai trò quản lý nhà nước về du lịch và điều phối liên kết vùng của Tổng cục Du lịch với các địa phương, doanh nghiệp./.
Từ đầu năm 2021 đến nay, lượng khách và doanh thu du lịch tăng so với cùng kỳ năm 2020. Khách du lịch đến TP. Hồ Chí Minh tăng 10%, doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ; Quảng Ninh có doanh thu du lịch đạt 4.215 tỷ đồng, tăng 3%; khách du lịch đến Nghệ An tăng gần 200%; công suất buồng phòng ở Quảng Bình đạt trên 90%; Thanh Hóa đón 2,7 triệu lượt khách du lịch, tăng mạnh so với cùng kỳ 2020… |