Chủ động ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

  • 20/02/2019 12:00:00
  • Dịch tả lợn châu Phi đã vào Việt Nam, vì thế, người dân và các cơ quan chức năng cần nâng cao cảnh giác và có các biện pháp ứng phó.
  • Xã hội > Đời sống
  • 0

Dịch tả lợn châu Phi đã vào Việt Nam, vì thế, người dân và các cơ quan chức năng cần nâng cao cảnh giác và có các biện pháp ứng phó.

 

Phát hiện 2 ổ dịch tại Việt Nam

Chiều ngày 19/2, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cơ quan chức năng đã phát hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại Việt Nam. Cụ thể, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) phát hiện hộ ông Dương Văn Vũ ở xã Trung Nghĩa; hộ ông Lê Xuân Tình (xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ) có bệnh dịch tả lợn châu Phi.  Tại Thái Bình phát hiện một số hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà có dịch tả lợn châu Phi.

Cục Thú y lý giải cho việc bệnh dịch xâm nhiễm sâu trong nội địa, thay vì biên giới, nhiều khả năng là do chim di cư ăn xác lợn bệnh rồi bay tới Việt Nam cư trú.

Ngay sau khi phát hiện bệnh dịch, Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát. Tổng số lợn nhiễm bệnh đã được tiêu huỷ là 257 con, chủ yếu là lợn con, lợn choai. Vùng bệnh dịch cũng được tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn tại hai địa phương nêu trên cũng được thực hiện chặt chẽ, gắt gao.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y yêu cầu: "Các địa phương thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch, tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn, tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch. Khi phát hiện lợn bệnh, lợn nghi bệnh, các địa phương không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh”.

Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch, không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh; Các địa phương không mua con giống không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín, không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang mầm bệnh từ nơi khác vào.

Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 14/2/2019 đã có 20 quốc gia báo cáo bị ASF với hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Đáng chú ý, tại nước láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc, đã phát hiện 105 ổ ASF tại 25 tỉnh, trong đó, có 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với nước ta.

Với khả năng gây chết 100%, bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) hiện không có vaccine và không có khái niệm chữa trị. Nếu lây nhiễm trên diện rộng, dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến người chăn nuôi và thương mại quốc tế.

Cục Thú y khuyến cáo các hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh, không được bán chạy lợn bệnh, cũng như không giết mổ, vứt xác lợn ra môi trường, đặc biệt, không tự điều trị. Đối với các trang trại chăn nuôi quy mới lớn, cần thường xuyên thực hiện vệ sinh, phụ thuốc tiêu độc khử trùng, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học.

 ASF không lây nhiễm qua người, cũng không lây sang các động vật khác. Vì vậy, theo ông Phạm Văn Đông, người dân không nên hoang mang lo lắng và không tẩy chay thịt lợn, gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi lợn.

Khi phát hiện lợn bị ASF cần đem tiêu hủy ngay.

2 kịch bản ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

Tình huống 1: Dịch phát hiện quy mô hẹp

Đối với dịch được phát hiện ở quy mô nhỏ hẹp (tạm quy ước từ 1 - 3 hộ chăn nuôi, trại chăn nuôi gia đình trong từ 1 - 3 thôn, làng, ấp của 1 đơn vị hành chính là cấp xã), Đội phản ứng nhanh của Cục Thú y có trách nhiệm đến ngay địa phương nơi gửi mẫu để điều tra, nắm tình hình và hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng, chống dịch bệnh lây lan; phòng chống bán chạy. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với ASF cấm điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh và lập tức thực hiện công tác tiêu hủy lợn bệnh.

Trường hợp 1 ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt hoặc chợ, điểm buôn bán lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ lợn: Tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với ASF.

Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của ASF mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

Tiến hành khoanh vùng ổ dịch tại các trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi gia đình nơi phát hiện có vi rút ASF; dừng vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ thôn, ấp có lợn dương tính với ASF trong vòng 21 ngày để theo dõi, giám sát.

Tình huống 2: Dịch bệnh được phát hiện trên diện rộng

Phạm vi rộng được tạm quy ước theo mức độ lây lan của dịch, từ các ổ dịch ban đầu lây lan nhanh, xảy ra ở nhiều hộ, trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn xã, huyện, tỉnh hoặc nhóm xã, nhóm huyện hay nhiều tỉnh sẽ tổ chức xử lý ổ dịch, chống dịch theo đúng quy định của Luật Thú y.

Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với hộ bị dịch trong cùng một đơn vị cấp xã, đàn lợn các hộ chăn nuôi, trang trại còn lại trong cùng xã, nhóm xã, nhóm huyện và toàn tỉnh nếu có biểu hiện hiện triệu chứng điển hình của ASF có thể tiến hành các biện pháp tiêu hủy ngay không cần xét nghiệm.

Khoanh vùng, xử lý ổ dịch: Ổ dịch là các trại chăn nuôi lợn hoặc hộ gia đình chăn nuôi lợn trong 01 đơn vị cấp xã nơi phát hiện vi rút ASF. Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.

Thực hiện các thủ tục công bố dịch theo quy định tại Điều 26 của Luật Thú y; lập chốt kiểm dịch, dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn. Cấm vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Đặc điểm của bệnh ASF

Bệnh không tự lây lan phát tán nhanh so với vi rút lở mồm long móng, lợn tai xanh hay dịch tả cổ điển.

Bệnh lây lan do có yếu tố con người tác động như vận chuyển heo và sản phẩm heo lây nhiễm từ nơi này sang nơi khác

Có khả năng gây chết rất cao - 100%.

Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị.

Giải pháp chính là ngăn chặn và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Bệnh không lây nhiễm sang người và các động vật khác.

Lập chốt kiểm dịch, nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được cấp “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật” đối với các bệnh khác, có thể được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm âm tính với ASF.

Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh, đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và có quyết định công bố bãi bỏ dịch của cơ quan có thẩm quyền công bố dịch trước đó. Cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh ASF, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.

Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi diễn biến lâm sàng, tình hình lợn bệnh, lợn chết trên địa phương có dịch.

Lan Anh tổng hợp

 

Bình luận

    Chưa có bình luận