Chuyện lạ ở Di tích LSVH quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu: Bài 1. Bức xúc vì 'lẫn' tổ tiên

Mặc dù không có liên quan, nhưng trong hồ sơ công nhận di tích Nhà thờ Nguyễn Hữu lại 'lẫn' vào tên 4 vị Tổ của dòng họ Nguyễn công tính...

 

Được xếp hạng Di tích Lịch sử, Văn hóa cấp Quốc gia theo quyết định số 39/2002/QĐ-BVHTT ngày 30/12/2002, tuy nhiên, kể từ đó cho đến nay, Nhà thờ Nguyễn Hữu, thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá lại là nguyên nhân gây bức xúc cho chính con cháu dòng họ Nguyễn công tính thôn Gia Miêu. Nguyên nhân vì đâu?

“Lẫn” 4 vị tổ dòng họ khác

Thôn Gia Miêu là nơi phát tích 9 đời chúa, 13 đời vua nhà Nguyễn. Theo ông Nguyễn Hữu Kúc, Chủ tịch Hội đồng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu, gia phả (bản gốc Hán Nôm) họ Nguyễn Hữu thôn Gia Miêu có các vị Tổ gồm: Hoằng Quốc Công Nguyễn Công Duẩn; Thiếu Phó Nguyễn Như Trác; Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế Nguyễn Kim; Chúa Tiên Nguyễn Hoàng,… là những nhân vật lịch sử thời Lê sơ, là các vị tổ sinh ra các Chúa Nguyễn và sau này là Vương triều Nguyễn. Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long về thăm thôn Gia Miêu để bái yết tổ tiên, cho xây miếu thờ Triệu Tổ Nguyễn Kim gọi là Nguyên Miếu, cho xây nhà thờ các vị tổ tại Gia Miêu gọi là Tôn Miếu, ban cho họ Nguyễn Hữu công tính chính chi (sau quốc tính - Hoàng tộc và tôn thất).

Nhà thờ Nguyễn Hữu, ở thôn Gia Miêu được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Kúc, thời kỳ cách mạng năm 1960, Nguyên Miếu và Tôn Miếu đã bị san làm ruộng canh tác. Sau này, con cháu họ Nguyễn Hữu mang bài vị, án thờ,… về nơi mới, xây dựng lại Tôn Miếu tiếp tục thờ phụng tổ tiên. Tôn Miếu này của dòng họ không hề liên quan đến Nhà thờ Nguyễn Hữu được công nhận Di tích Quốc gia năm 2002.

Chia sẻ với phóng viên Báo TNVN, đại diện dòng họ cho biết, bức xúc của con cháu dòng họ Nguyễn công tính chính chi thôn Gia Miêu bùng phát kể từ năm 2018, khi con cháu trong họ biết một Nhà thờ Nguyễn Hữu được công nhận Di tích Quốc gia từ năm 2002, bởi lẽ, Nhà thờ Nguyễn Hữu này vốn là nhà riêng của gia đình ông Nguyễn Hữu Mịch, chi họ này từ trước đến nay không có liên quan gì đến dòng họ Nguyễn công tính do không xác định được thuộc chi phái nào trong gia phả. Mặc dù không có liên quan như vậy, nhưng trong hồ sơ công nhận di tích Nhà thờ Nguyễn Hữu lại “lẫn” vào tên 4 vị Tổ của dòng họ Nguyễn công tính là Nguyễn Công Duẩn, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Kim... Điều này gây nên nhiều nhầm lẫn đối với con cháu họ Nguyễn xa quê hương và với người dân cả nước khi đến thăm Gia Miêu, gây bức xúc cho con cháu dòng họ Nguyễn công tính.

Nhập nhèm hồ sơ di tích

Ông Nguyễn Hữu Kúc cho biết, theo nội dung tấm bia hậu Nhà thờ Nguyễn Hữu (bản dịch ký hiệu 47152 Tự Đức 32 (1879) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm) do bà Nguyễn Thị Thắm lập, ghi rõ: “Cha tôi là Nguyễn quý công, tự là Trung Chất, vốn là cháu đời thứ 6 của Chi thứ nhất của cụ Thuỷ tổ là Nguyễn tướng công, tự là Phúc Chính… Bà giao cho cháu là Nguyễn Hữu Cấn soạn văn gửi tổ lễ khắc vào bia đá”. Như vậy, Thuỷ tổ là người đầu tiên khai sinh dòng họ có tên tự là Phúc Chính, không có chức tước, không có thuỵ hiệu. Bà Thắm là cháu đời thứ 7, bà lập bia vào thời Tự Đức (1879), tính ngược lên thì Thuỷ tổ Phúc Chính của bà Thắm ngang với đời Chúa thứ 7 Nguyễn Phúc Thụ (1697-1783). So sánh để thấy cụ Thuỷ tổ Phúc Chính thấp dưới nhiều đời so với các tổ họ Nguyễn công tính thôn Gia Miêu.

Chiếu theo hồ sơ di tích Nhà thờ Nguyễn Hữu, ngoài tấm bia hậu do bà Nguyễn Thị Thắm lập thì không có gia phả bản gốc Hán Nôm (chỉ có bản dịch photo chữ Quốc ngữ), không có sắc phong, bài vị không có chữ, hoành phi câu đối có nội dung không kiên quan đến gia phả và các nhân vật lịch sử được nêu trong hồ sơ. Ngoài ra, hồ sơ di tích còn bản chụp một tấm bia mộ cụ Nguyễn Hữu Vĩnh nhưng không có tài liệu chứng minh có liên quan đến bia mộ này.

Hiện vật Nhà thờ Nguyễn Hữu.

“Theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, thế thứ trực hệ từ Thuỷ tổ Nguyễn Công Duẩn - Nguyễn Như Trác - Nguyễn Văn Lưu - Nguyễn Kim. Nhưng trong hồ sơ di tích, không hiểu vì sao người lập lại ghi là Nguyễn Công Duẩn - Nguyễn Đức Trung - Nguyễn Văn Lang - Nguyễn Kim là trực hệ. Rõ ràng, đây là việc làm cố tình nhằm đưa 4 nhân vật lịch sử vào Nhà thờ Nguyễn Hữu, làm tăng sức nặng cho hồ sơ di tích” ông Nguyễn Hữu Kúc bức xúc.

Về nội dung bản photo gia phả chữ Quốc ngữ trong hồ sơ di tích Nhà thờ Nguyễn Hữu, trong tham luận “Vị trí, vai trò của nhân vật lịch sử Nguyễn Công Duẩn trong lịch sử - có hay không Nguyễn Công Duẩn được phong khai quốc công thần?” của GS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) tại Hội nghị - Hội thảo khoa học về sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan trực tiếp đến Di tích Quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu, phần luận giải nêu mấy vấn đề chưa rõ:

- Hồ sơ di tích dựa vào gia phả họ Nguyễn Hữu ở từ đường nhà ông Nguyễn Hữu Thoại nhưng chưa giám định văn bản mà chỉ dựa vào nội dung bản dịch, trong khi nội dung gia phả có nhiều bất nhất.

- Gia phả nhưng không có kết cấu thông thường của một quyển phả, gồm tên gọi, nguồn gốc, thế thứ các đời. Ở đây mở đầu chép chỉ dụ ban phong cho Nguyễn Công Duẩn, cùng ruộng cấp ở các xứ đồng. Tư liệu này không có nguồn gốc từ đâu. Sau đó chép từ Nguyễn Bặc đến Nguyễn Kim.

- Gia phả thiếu hoàn toàn từ cụ Nguyễn Công Duẩn đến các đời sau. Trong khi đó, phả hệ phục dựng treo ở từ đường nhà ông Nguyễn Hữu Thoại lại vẽ từ Nguyễn Bặc đến Nguyễn Công Duẩn, nối đến nay. Trong khi tư liệu gia phả chỉ cho biết từ Nguyễn Bặc đến Nguyễn Kim, vậy còn từ Nguyễn Công Duẩn đến nay thì từ tư liệu nào, hoàn toàn không biết.

- Năm tháng chép ở cuối phả có nhưng chỉ có chỗ ghi tháng, ngày, mất chỗ ghi năm. Vì vậy không biết niên đại.

- Tư liệu chép sơ lược mấy đời thượng tổ nhưng kết thúc ký tên lại là mấy vị đội trưởng họ Nguyễn Hựu, trong khi tên gọi Nguyễn Hựu mới chỉ xuất hiện từ thời vua Gia Long, Minh Mạng. Người ký toàn là đội trưởng, thường là người ký giấy tờ ruộng đất, làng xã, không phải ký ở gia phả, bởi lẽ người lập và ký trên gia phả phải là trưởng tộc, trưởng chi, đại diện các đời. Do đó, những trang đầu và cuối của gia phả hoàn toàn khác nhau, cần được giám định lại.

“Con cháu họ Nguyễn chúng tôi kính mong Bộ VH-TT&DL công tâm, khách quan xem xét trả lại sự chính xác cho lịch sử đất nước và trong sáng trong lịch sử dòng họ con cháu chúng tôi, cho mai sau”, ông Nguyễn Hữu Kúc bày tỏ./.

Ngày 21/12/2021, Ban liên lạc họ Nguyễn - Gia Miêu và Hội đồng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu thay mặt cho 52 chi họ Nguyễn - Gia Miêu trên cả nước, đã có đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và Bộ VH-TT&DL kiến nghị: Rút danh tính 4 nhân vật lịch sử: Nguyễn Công Duẩn, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Kim ra khỏi Hồ sơ xếp hạng Di tích Quốc gia nhà thờ Nguyễn Hữu xã Hà Long; Thu hồi bia mộ cụ Nguyễn Hữu Vĩnh đưa về Bảo tàng Thanh Hoá; Trưng cầu giám định lại toàn bộ các tư liệu Hán Nôm và các bản dịch trong Hồ sơ xếp hạng di tích nhà thờ Nguyễn Hữu; Xem xét tính chính danh của di tích nhà thờ Nguyễn Hữu xã Hà Long do không có đủ thủ tục pháp lý và không có cơ sở khoa học; Huỷ bỏ mọi kết luận bênh vực nhằm bao che, hợp pháp hoá Hồ sơ xếp hạng di tích nhà thờ Nguyễn Hữu xã Hà Long.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận