Xử lý nghiêm để lành mạnh thị trường

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản

 

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phát hiện các vi phạm và vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung. Báo TNVN điểm một số vụ việc ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang được xử lý:

Trong Công điện 1767/CĐ-TTg ngày 21/12/2021 về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất.

1. Ngày 05/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh (THM) và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và 06 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại THM đã có hành vi gian dối, sử dụng Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (Viet Star), Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông phát hành 09 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật.

 

Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh

 

2. Trước đó, ngày 4.4.2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước SCC quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu 10.300 tỷ đồng của THM, do "che giấu, công bố thông tin sai sự thật". Quyết định huỷ này chưa từng có tiền lệ. Với quyết định này, các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu phải dừng chuyển quyền sở hữu các trái phiếu thuộc THM trong 9 đợt chào bán này.

Đất Thủ Thiêm, nơi có giá đấu kỷ lục 2,43 tỉ đồng/m2

3. Ngày 10/12/2021, Viet Star (thành viên của THM) ngày 10/12/2021 trúng giá lô đất 3-12 tại Thủ Thiêm với số tiền 24.500 tỷ đồng, tương đương hơn 2,43 tỷ đồng/m2, mức giá kỷ lục tại Việt Nam hiện nay. Nhưng ngày 10/1/2022 Chủ tịch THM có tâm thư xin hủy cọc. Ngày 25/1, Viet Star có văn bản chính thức xin bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (588 tỷ đồng). Đặt giá 24.500 tỷ đồng cho lô đất Thủ Thiêm, nhưng tổng tài sản của Viet Star đến cuối năm 2020 mới dừng ở mức hơn 7.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 800 tỷ. Tổng tài sản ở thời điểm cao nhất (năm 2018) chỉ hơn 17.300 tỷ đồng.

Đỗ Anh Dũng đại diện Viet Star trả giá đấu lô 3-12 Thủ Thiêm

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định: "Vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường". Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, cho rằng, kết quả trúng đấu giá 4 lô “đất vàng” ở Thủ Thiêm với mức giá quá cao so với giá trị thực đang gây bất lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại.

 

4. Tháng 6/2015, THM trúng thầu khu đất vàng 3.000m2 tại số 23 Lê Duẩn, TP.HCM nhưng yêu cầu huỷ kết quả, rồi sau đó đề nghị được mua lại, chấp nhận nộp hơn 260 tỷ đồng tiền phạt. Khu đất này năm 2019 được chuyển nhượng cho Techcombank. Năm 2011, THM được giao khu “đất kim cương” 22 - 24 Hàng Bài, Hà Nội và nhiều lần xin thay đổi quy hoạch, cuối cùng sang tay cho Masterise Homes. Năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra 3 dự án vi phạm trong quá trình triển khai xây dựng của THM ở Hà Nội. Hiện THM có 11 dự án bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đưa vào diện xác minh.

 

 

5. Cũng trong 2 ngày 4 và 5.4.2022, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam thời hạn 03 tháng đối với Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty CP Chứng khoán BOS và Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban Kế toán thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, để điều tra vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán".

Niêm phong một số máy tính của FLC phục vụ điều tra

 

6. Trước đó, ngày 29.3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán. Hành vi sai phạm thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết được xác định thực hiện từ đầu tháng 12/2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/01/2022 - phiên mà chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu. Ngay sau đó, SCC ra quyết định số 19/QĐ-UBCK yêu cầu Trung tâm lưu ký phong toả các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết và các công ty chứng khoán dừng toàn bộ các giao dịch trên các tài khoản của ông Quyết từ ngày 11/1/2022.

Trịnh Văn Quyết

 

7. Theo tính toán của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), từ cuối tháng 12/2021 đến 10/1/2022, cổ phiếu FLC đã tăng mạnh liên tiếp và nhiều phiên giá trần, sáng 10/1 vẫn được giao dịch với giá trần 24.100 đồng nên Trịnh Văn Quyết có thể thu khoảng 1.800 tỷ đồng nếu bán tại đỉnh. Còn nếu ông Quyết thực hiện công bố theo “đúng quy trình” thì rất có thể cổ phiếu FLC sẽ giảm sàn liên tiếp và số tiền thu về chỉ còn khoảng 1.200 tỷ đồng.

Tòa nhà FLC

 

Điều 209 Bộ Luật Hình sự 2015 “Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” quy định: Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Trong trường hợp thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

Nguồn ảnh: internet, các báo điện tử

 

Bình luận

    Chưa có bình luận