Cần lắm nơi để các em giãi bày

Gần 2 năm học online khiến cho việc học tập của nhiều học sinh gặp khó khăn. Các em bị áp lực không biết chia sẻ cùng ai và đã có những hậu quả đáng tiếc xảy ra

 

Nhiều áp lực nhưng thiếu nơi sẻ chia

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với việc học trực tuyến kéo dài, khi quay trở lại trường học liềnbước vào kỳ thi cuối năm và kỳ chuyển cấp quan trọng... khiến nhiều em bị áp lực.Rõ ràng học sinh rất cần một nơi để chia sẻ, trút bỏ tâm tư nhưng thực tế hiện nay đang rất thiếu điều đó.

Trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, N.L.P, học sinh lớp 9, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội), gửi lời khẩn cầu tới cha mẹ, thầy cô đừng tạo áp lực, thay vào đó hãy tin tưởng, động viên để em được tiếp thêm sức mạnh, tự tin vượt qua kỳ thi. Bởi theo P, bản thân em đã tự tạo áp lực cho chính mình bằng ý nghĩ, nếu em không thi đỗ, bố mẹ sẽ rất thất vọng. Do đó, ngoài học tập trên lớp, tối đến em thường làm bài tập, ôn luyện đến 1-2 giờ sáng với mục tiêu thi đỗ trường chuyên hoặc một trường THPT tốp đầu. Khi buồn bã, mệt mỏi em thường tìm đến bạn thân để chia sẻ vì bố mẹ đối với em có khoảng cách thế hệ.

Hoàng Văn Anh, học sinh lớp 9, một trường THCS ở quận Thanh Xuân cho biết: Trong đợt dịch Covid-19, em từng thu mình trong phòng, không muốn giao tiếp với bố mẹ, bạn bè. Năm học cuối cấp em cảm thấy khó khăn bộn bề vì phải đứng trước nhiều lựa chọn. Bố mẹ em luôn động viên, nếu thi trượt trường THPT chuyên hay trường công không sao cả, gia đình sẽ lựa chọn trường ngoài công lập.Tuy nhiên, em có mơ ước của riêng mình, từ lâu em muốn phải thi đỗ vào Trường THPT chuyên Ngoại ngữ nên tự đặt áp lực cho chính mình. Khi hay tin, có bạn học sinh gặp khó khăn lựa chọn việc kết thúc cuộc đời em đã rất buồn. “Bởi vì mình vẫn còn trẻ, nếu vấp ngã, thất bại cần có nghị lực, thời gian để đứng dậy thay vì tìm hướng đi tiêu cực. Với cách làm như vậy sẽ chuyển nỗi đau từ người này sang người khác mà thôi”, Văn Anh nói.

Em Đ.X.T kể câu chuyện của mình: "Em từng gặp phải nhiều áp lực tiêu cực trong cuộc sống và em nghĩ nhiều bạn ở lứa tuổi em cũng gặp phải.
Em là người khá mẫn cảm với những lời nói, dễ bị tổn thương, lạc lõng. Trong một lần bị cô giáo trách mắng vì không ghi chép bài đầy đủ, em cảm thấy cô hiểu sai mình và những lời nói của cô như những mảnh thủy tinh đâm thẳng vào tim em. Em đã cảm thấy tổn thương và căng thẳng vì những câu nói đó.
Thứ hai, về chuyện miệt thị ngoại hình, em chính là nạn nhân của chuyện đó. Có thời điểm, em chỉ nằm trên giường khóc và từng nghĩ muốn biến khỏi thế giới này. May mắn em gặp được cô Ngân, cô đã dạy em cách yêu bản thân mình bởi mọi người là một cá thể riêng, có điểm mạnh điểm yếu. Mỗi lần nói chuyện với cô giúp em thấy nhẹ nhõm lòng mình”.

Cô giáo Nguyễn Phương Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A6, Trường THCS Giảng Võ chia sẻ: "Học sinh đang chịu áp lực từ nhiều phía, trong đó có sự kỳ vọng của phụ huynh, sức ép của kỳ thi. Có phụ huynh hiểu, không gây áp lực nhưng cũng có người bắt con thi trường quá sức và cô giáo phải tư vấn, giải thích để họ hiểu năng lực của con đang ở đâu để chọn trường vừa sức. Hay khi có phụ huynh nói với con đừng thức khuya, đừng cố quá nhưng chính các con cũng có những mục tiêu, sự so sánh với bạn bè nên tự tạo áp lực cho chính mình. Trong những tình huống này giáo viên tư vấn, khuyên nhủ các em cũng không nghe. Điều đáng quan tâm là có một số em không chịu nói ra khó khăn, vướng mắc, áp lực của mình để giáo viên, phụ huynh chia sẻ. Khi các em “chịu nói”, cô giáo trao đổi với phụ huynh để cùng có giải pháp hỗ trợ con thì chính phụ huynh cũng rất bất ngờ vì ở nhà con cố tỏ ra bình thường".

 
“Sau khi trở lại học trực tiếp, kết quả bài thi sẽ có thể bị ảnh hưởng. Điều này thực sự rất đáng lo, nhất là khi em sắp bước vào kỳ thi cấp 3 căng thẳng. Khóa của em bị ảnh hưởng 3 năm bởi dịch COVID-19, em luôn mong muốn và hy vọng có thể quay trở lại trường học sớm nhất để gặp thầy cô bạn bè".Em Trần Minh Tâm, học sinh lớp 9.

Áp lực thời nào cũng có, nhưng làm sao để vượt qua?

Chia sẻ với các em học sinh tại diễn đàn Điều em muốn nói được tổ chức tại trưởng THCS Giảng Võ, nhà thơ Trần Đăng Khoa,Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đặt câu hỏi cho các em học sinh: Học giỏi có áp lực, học giỏi có khó? Và làm cách nào để cởi bỏ áp lực này?

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, thời nào cũng có áp lực, thời "mưa bom bão đạn cũng áp lực kinh khủng lắm. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm gì để vượt qua áp lực và không có áp lực". Ở lứa tuổi học sinh, điều quan trọng nhất là học tập. Học và học giỏi là điều không khó. Bí quyết của nhà thơ Trần Đăng Khoa thời đi học là bỏ ra hai ngày cuối tuần để đọc hết sách giáo khoa của cả năm học, rồi trước mỗi buổi học đều tìm hiểu, chuẩn bị bài trước ở nhà nên có thể nhớ bài giảng của giáo viên ngay tại lớp. Theo nhà thơ, áp lực trong lứa tuổi học trò còn đến từ bạn bè. Muốn cởi bỏ áp lực này, các học sinh cần hiểu bạn mình. Bên cạnh đó, học sinh cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trước mỗi kỳ thi về việc thi đỗ và thi không đỗ để tránh bị "sốc". "Nếu thi không đỗ, chỉ có một cánh cửa khép lại nhưng còn muôn vàn cánh cửa khác mở ra, có điều chúng ta có bình tĩnh để nhìn thấy những cơ hội mới đó không", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thêm.

Hoa hậu Đỗ Thị Hà kể, thời học THCS là vui nhất nhưng cô cũng có áp lực đồng trang lứa khi hay bị so sánh với các bạn khác. Nhưng mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt, không nên so sánh với người khác mà hãy lấy người giỏi hơn mình làm mục tiêu cố gắng. Hoa hậu Đỗ Thị Hà thổ lộ, cô khá ít chia sẻ suy nghĩ và những áp lực của mình với bố mẹ. “Chúc mừng các bạn có bố mẹ tâm lý luôn thấu hiểu các em. Với những bạn kém may mắn hơn một chút, ngại cởi mở với bố mẹ, thì cũng đừng buồn vì bố mẹ nào cũng yêu các con..”- Đỗ Thị Hà nhắn nhủ.

Từ những thực tế được chia sẻ ở trên, PGS Trần Thành Nam đã đưa ra lời khuyên: “Qua câu chuyện của một số bạn, tôi thấy rằng các bạn đều có sự mất kết nối. Những vết thương ngoài ra có thể rất nhanh lành lặn nhưng có những vết thương lòng khiến các bạn cảm thấy tổn thương, trầm cảm. Sẽ có người rất khéo léo giúp vết thương của các bạn lành lặn hơn.Các bạn có thể nói cha mẹ không lắng nghe, nhưng hãy tìm nhiều cách thức hơn để cha mẹ thấu hiểu mình như chọn thời gian cha mẹ không bận rộn, viết email... Hoặc tìm đến người thân, người bạn, thầy cô mà các bạn có thể tin tưởng. Họ có thể mang đến cho bạn những phản hồi tích cực.Ngay lúc này, cảm xúc của các bạn có thể rất vui nhưng chỉ được một thời gian ngắn và chúng ta nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. Vì vậy, nếu có tư tưởng tiêu cực tự làm hại bản thân mình thì nên nhớ đó chỉ là những cảm xúc nhất thời, hãy cố gắng kiểm soát để vượt qua sự tiêu cực đó”.

TS. BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe trẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho rằng, mong muốn của các em là sự thấu hiểu từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Nghe thì dễ nhưng thực tế lại rất khó. “Chúng tôi muốn các em hiểu rằng việc chia sẻ đôi khi rất khó khăn nhưng các em hãy tiếp tục chia sẻ thì thầy cô, cha mẹ mới hiểu và chia sẻ được với các em để các bên cùng hiểu nhau. Mong các em sẽ tham gia phối hợp để giúp cho mình có một sức khoẻ tâm lý thực sự khoẻ khoắn"./.

“Sau đại dịch, cả học sinh và giáo viên đều gặp khó khăn về tinh thần và thể chất. Do đó, nhà trường phải tìm cách giúp học sinh thích nghi với thói quen học tập mới, giải tỏa áp lực tâm lý. Giáo viên cũng cần phải gần gũi, tạo được sự tin tưởng các em mới chịu mở lòng, chia sẻ...”Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ

“Thời gian tới, ngành GD-ĐT mở thêm những kênh tương tác để các em học sinh chia sẻ, tâm sự giúp các em hiểu mình hơn, bố mẹ hiểu con hơn. Tôi cũng mong chương trình này sẽ trở thành diễn đàn mở để các em học sinh bày tỏ những khó khăn của mình, để các nhà quản lý, phụ huynh, giáo viên cảm thông và giúp các em vượt qua khó khăn”,Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

“Trong và sau đại dịch Covid-19, nội dung trẻ gọi đến chia sẻ có nhiều vấn đề mới, trong đó gia tăng tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm, thậm chí nhiều em bị bố mẹ bạo hành tinh thần. Tình trạng này gia tăng ở học sinh bậc THCS – THPT...“.Bà Vũ Kim Nga, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 - Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH)

 

 

 






 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận