Điều khiến tôi ấn tượng khi tới Lom Kao, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Petchabun ở phía bắc Thái Lan, chính là sự thân thiện, cởi mở và nhiệt tình của người dân bản địa.
Chuyến bay đầu tiên trên “xứ sở chùa vàng”
Đến Lom Kao vào lúc nửa đêm sau một hành trình hơn 400km bằng ô tô từ thủ đô Bangkok, Thái Lan. Buổi sáng đầu tiên tại thị trấn nhỏ Lom Kao tràn ngập nắng vàng, ấm áp. Vào mùa Tết, nhiệt độ giữa đêm và ngày ở Lom Kao chênh khá lớn, buổi trưa có thể lên tới 30 - 32 độ, trong khi vào ban đêm khoảng 15 - 16 độ, trên đỉnh núi có thể hạ xuống dưới 10 độ vào ban đêm.
Theo kế hoạch, Chucheep, một phi công dù lượn người bản địa tới khách sạn đón chúng tôi đi ăn sáng, sau đó đến điểm tập kết của các phi công dù lượn đến từ nhiều nước trên thế giới để lên điểm cất cánh trên đỉnh Phuthap Buek. Bữa sáng với cơm thịt kho và sự giao lưu với người dân địa phương ngay lập tức mang lại cho tôi cảm giác thân thiện và mến khách. Thị trấn Lom Kao nhỏ nhắn với những ngôi nhà thấp bằng gỗ hoặc kết hợp giữa gỗ và tường xây gạch mang đặc trưng phong cách sống của người Thái không khác nhiều so với người Thái ở Việt Nam càng khiến chúng tôi có thêm cảm giác thân thiện và gần gũi.
Chucheep cho biết, đang là mùa có thời tiết tốt và thuận lợi nhất để bay dù lượn. Dãy Phuthap Buek nằm ở rìa khu bảo tồn thiên nhiên Phu Hin Rong Kla National Park. Nhìn về đối diện là cả một vùng bình nguyên bằng phẳng hút tầm mắt với những xóm làng nhỏ nằm rải dọc theo các tuyến quốc lộ thênh thang dài tít tắp. Đây là địa hình lý tưởng để bay dù lượn đường trường. Bởi vậy mỗi năm, vào mùa Tết, rất nhiều phi công dù lượn trên thế giới tới đây bay dù thành tích cao, bay đôi trải nghiệm, tạo nên nét hấp dẫn cho du lịch Petchabun.
Điểm cất cánh trên đỉnh Phuthap Buek nằm kế bên ngôi chùa cổ Wat Pa với bức tượng Phật cao sừng sững trên đỉnh núi. Đây cũng là khu cắm trại săn mây nổi tiếng hấp dẫn du khách tới thăm đỉnh núi Phuthap Buek và chùa Wat Pa nếu ngủ tại khách sạn hay khu cắm trại trên núi. Vào buổi sáng sớm, từ trên đỉnh núi sẽ dễ dàng bắt gặp biển mây lơ lửng che kín bình nguyên rộng lớn phía dưới, mây trôi vào trong các ngôi lều của du khách, trôi ngay dưới chân, trôi bồng bềnh hoà với phảng phất hơi nóng ly coffee buổi sớm. Khu vực này là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người dân tộc H’Mông với nghề chủ yếu là trồng me ngọt và kinh doanh du lịch cộng đồng.
Sau khi cất cánh, chuyến bay dù lượn đầu tiên ở “xứ sở chùa vàng” quả không làm tôi thất vọng, với cao độ đạt gần 2.000m và hành trình hơn 40km trong gần 3h dưới những “phố mây” bồng bềnh trải dài không dứt. Phóng mắt xa tít tắp về 4 phía bình nguyên rộng lớn và bằng phẳng, một dòng sông lớn uốn lượn như con rắn xanh khổng lồ trườn qua bên dưới, thỉnh thoảng lại bắt gặp những mái chùa chóp nhọn màu vàng như những chiếc chuông úp trên nền bức tranh đồng ruộng, làng quê trù phú nhiều màu sắc. Từ những “phố mây” nhìn xuống, thị trấn Lom Kao, thị trấn Lom Sak và xa xa là thành phố Petchabun hiện lên rực rỡ dưới ánh mặt trời.
Chuyến bay đầu tiên trên đất Thái Lan vô cùng hấp dẫn, tuy nhiên, điều khiến tôi ấn tượng nhất khi tới Lom Kao không phải là những khoảnh khắc bồng bềnh trong mây khi bay trên đỉnh Phuthap Buek cao hơn 1.500m, cũng không phải vẻ đẹp của những ngôi chùa cổ kính như du khách thường nhắc đến khi tới “xứ sở chùa vàng” hay bức tranh rực rỡ hút vào mắt tôi từ độ cao 2.000m mà là sự ấm áp, thân thiện của người dân bản địa trong đêm giao thừa mừng năm mới.
Đêm giao thừa rộn rã
Tết chính thức của người Thái được gọi là Songkran, là Tết theo Phật lịch và là ngày lễ quan trọng nhất, còn được gọi là Lễ hội té nước hay Tết té nước. Tết được tổ chức trong 3 ngày, thường từ ngày 13 - 15/4 dương lịch. Songkran là lễ hội lớn nhất ở Thái Lan với nhiều cuộc diễu hành, âm nhạc, chương trình biểu diễn, lễ tôn giáo và các lễ hội lớn trên đường phố. Nước đóng vai trò lớn trong ngày lễ này. Đây là một nghi lễ thanh lọc để năm tới sẽ mang lại những cơn mưa cho mùa màng bội thu, màu mỡ, cũng như may mắn và thịnh vượng.
Truyền thống phun nước của mọi người đã trở thành các trận chiến nước kéo dài nhiều ngày, súng phun nước, xô và vòi nước được sử dụng để làm ướt tất cả mọi người, bất kể họ là ai.
Tết Dương lịch ở Thái Lan không phải là ngày lễ lớn. Với nhiều người Thái, đây là dịp để nghỉ ngơi, đi du lịch ngắn ngày trong nước hoặc nước ngoài. Với những người xa quê, đây là thời điểm để về thăm gia đình và những người thân yêu. Vào dịp này, các trường học ở Thái Lan tổ chức các bữa tiệc dành cho học sinh, các buổi biểu diễn và trò chơi cho trẻ em và trao đổi quà tặng truyền thống. Các công ty và cơ sở cũng tổ chức Tết cho nhân viên và đồng nghiệp bằng những bữa tiệc và những món quà nhỏ. Nhiều sự kiện nhỏ, buổi hòa nhạc, bắn pháo hoa… được tổ chức trên cả nước.
Đêm đầu tiên của tôi sau khi kết thúc chuyến bay dưới những “phố mây” bồng bềnh ở Lom Kao cũng chính là đêm giao thừa đón năm mới 2023. Không phải là ngày hội lớn trên đất Thái, cũng không phải là ngày Tết cổ truyền nên mỗi gia đình người Thái tổ chức đón giao thừa theo một cách riêng. Nhóm phi công dù lượn chúng tôi được gia đình Chucheep mời tới dự tiệc nướng ngoài trời, xem biểu diễn ca nhạc và giao lưu văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Bữa tiệc với khoảng hơn 30 khách mời là phi công đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và các thành viên trong gia đình, bạn bè cùng tham dự.
Chocheep chia sẻ, người Thái rất thích tiệc tùng, bất kể dịp nào. Tết Dương lịch là dịp để tổ chức những bữa tiệc với gia đình, bạn bè. Các gia đình tụ họp vào đêm giao thừa để có một bữa tối thịnh soạn. Đây là bữa ăn quan trọng và nó được gọi là bữa tối đoàn tụ. Các gia đình lớn nhiều thế hệ quây quần bên những chiếc bàn tròn để thưởng thức đồ ăn và dành thời gian bên nhau. Nhiều người cũng đến các ngôi chùa vào đêm giao thừa để cầu phúc, nơi các Phật tử Thái Lan chào đón năm mới với các nghi lễ truyền thống.
Bữa tiệc nướng đêm giao thừa tại nhà Chocheep của chúng tôi kéo dài đến những phút giây cuối cùng của năm cũ, chờ đợi khoảnh khắc đầu tiên của năm mới rộn ràng, vui vẻ náo nức y hệt như đêm giao thừa Tết Nguyên đán ở quê nhà. Cùng đồng thanh đếm ngược từng giây đồng hồ đang rộn ràng, phấn khích trong ánh chớp chói lòa của pháo hoa. Những người dự tiệc cùng chúc tụng tốt lành, không phân biệt màu da, quốc tịch. Đêm giao thừa lung linh hiện hữu và sinh động như chính vẻ đẹp thân thiện, cởi mở và mến khách của những người bản địa Lom Kao./.