Thủ tướng dự Lễ phát động Chương trình sức khỏe Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, sáng 27/2, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động Chương trình sức khỏe Việt Nam.

 

Kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát động chương trình.

Chương trình được kết nối trực tuyến với điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã trên cả nước. Tham dự tại đầu cầu Trung ương (Hà Nội) có đông đảo lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Hà Nội; các tổ chức quốc tế...

Chương trình sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 2/9/2018 nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực sức khỏe ưu tiên gồm dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân; sức khỏe người cao tuổi; sức khỏe người lao động.

Đây là một chương trình tổng thể được triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội cùng xây dựng môi trường hỗ trợ, huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL phát động diễu hành hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành y tế lời cả nước thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội. Thủ tướng nhắc lại lời dặn của Bác Hồ kính yêu: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, xây dựng đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì nước thịnh”.

Thủ tướng nêu rõ muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thì phải đồng thời thực hiện tốt cả 3 yêu cầu cốt lõi là vệ sinh phòng bệnh, ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. Việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe phải là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị.

Thủ tướng cho rằng, sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng tiến bộ, đạt nhiều kết quả nhưng còn nhiều bất cập, khó khăn, thách thức mới. Mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, già hóa dân số, biến đổi khí hậu... đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Các yếu tố về hành vi lối sống gia tăng nguy cơ mắc bệnh, khiến tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật. Đặc biệt là bệnh không lây nhiễm, tim mạch, ung thư, đái tháo đường, COPD, những căn bệnh này chiếm hơn 70% số tử vong hàng năm.

Trong khi đó, việc phòng chống yếu tố gây bệnh, phát hiện sớm, quản lý, chăm sóc điều trị ở y tế cơ sở... vẫn chưa được chú trọng.

Dù tuổi thọ người Việt Nam cao nhưng trung bình có 10 năm phải chung sống với bệnh tật;  chất lượng sống, tầm vóc thể lực của người Việt chưa cải thiện nhiều trong những năm qua. Chiều cao trung bình của người Việt chỉ đạt 164,5cm (nam) và 153cm (nữ) sau 25 năm mới tăng được 3cm.

Để thực hiện chương trình sức khỏe Việt Nam, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là phải nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Tuyên truyền các hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Cùng với làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại tuyến cơ sở để mọi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị, quản lý liên tục tại nơi sinh sống, nhất là đối với những người mắc các bệnh mãn tính và người cao tuổi. Mọi người phải được chăm sóc, quản lý sức khỏe ngay từ khi trong bụng mẹ.

Tại lễ phát động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi người dân tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao; Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia; Có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, giảm đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây; Đi khám sức khỏe định kỳ, đối với người bình thường đo huyết áp ít nhất sáu tháng một lần để phát hiện sớm tăng huyết áp, đo đường máu ít nhất một năm một lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường. Mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe của mình, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe.

Các đại biểu tập thể dục giữa giờ được phát trực tiếp trên màn hình tại các điểm cầu.

Ngay sau lễ phát động, các hoạt động của Chương trình sức khỏe Việt Nam được diễn ra đồng thời tại tất cả các điểm cầu trên toàn quốc như đo huyết áp, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm nhanh đường máu và tư vấn sức khỏe để tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe phát hiện sớm bệnh tật; tổ chức chương trình tập thể dục trực tuyến tại các điểm cầu và đi xe đạp, đi bộ diễu hành để quảng bá, hưởng ứng phong trào toàn dân tăng cường vận động thể lực nâng cao sức khỏe.

Những anh hùng thầm lặng

Trước đó, ngày 26/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, phát động phong trào thi đua yêu nước, đón nhận các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế cho một số đơn vị, cá nhân của Bệnh viện (BV) Bạch Mai.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, nhìn lại 64 năm xây dựng và phát triển, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thầy thuốc như người mẹ hiền”, ngành y tế nước ta đã trưởng thành lớn mạnh về mọi mặt, cả về mạng lưới các cơ sở y tế, cả về đội ngũ bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế.

Năm 1954, chúng ta mới chỉ có 300 y, bác sĩ, nhưng tới nay toàn ngành y tế đã có 460.000 cán bộ, nhân viên, 14.000 cơ sở khám chữa bệnh, đạt tỷ lệ 8,2 bác sĩ/10.000 dân, cao hơn bình quân các nước ASEAN. Trình độ phát triển y tế chuyên sâu phát triển vượt bậc, ngang tầm khu vực.

Thủ tướng nhìn nhận, sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế từ các trạm y tế thôn, bản, làng, xã đến các trung tâm y tế, các bệnh viện, các tuyến huyện, tỉnh, Trung ương mang lại sự sống, sức khỏe, niềm vui, niềm hạnh phúc, tiếng cười cho người bệnh và gia đình. “Các đồng chí chính là những người anh hùng thầm lặng, thực hiện nhiệm vụ cao cả: Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân”.

Thủ tướng nêu rõ, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế là rất cao quý, vẻ vang. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.

Hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu, môi trường sống, dịch bệnh, xu hướng ăn uống, tiêu dùng… diễn biến phức tạp khó lường, đã và đang ảnh hưởng lớn trên nhiều mặt đến sức khỏe nhân dân. Trong bối cảnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe lại càng có ý nghĩa quan trọng. Nhiệm vụ đặt ra cho toàn ngành y tế nói chung và BV Bạch Mai nói riêng trong thời gian tới rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang.

Thủ tướng mong rằng BV Bạch Mai và toàn ngành y tế thấm nhuần lời dạy của Bác, thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bệnh viện phải đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo chuẩn mực đào tạo, thực hành tốt nhất, phấn đấu trở thành một BV hàng đầu khu vực trong tương lai gần.

Thủ tướng nhấn mạnh việc trau dồi kiến thức, nâng cao y đức, “thầy thuốc phải như mẹ hiền”; đặc biệt thế hệ trẻ của BV phải nỗ lực học tập, tiếp bước theo gương các bậc đàn anh, các giáo sư đầu ngành để BV luôn là nơi tập trung trí tuệ chuyên môn y học hàng đầu của cả nước.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm quá tải BV, trong đó khẩn trương hoàn thiện để đưa cơ sở 2 của BV Bạch Mai, BV Việt Đức ở Hà Nam đi vào hoạt động có hiệu quả nhất. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo việc này, tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho y tế, đặc biệt là ở các BV lớn như BV Bạch Mai, phát triển các mũi nhọn y tế chuyên sâu nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh đa dạng của nhân dân, giảm tình trạng người dân ra nước ngoài khám, chữa bệnh, góp phần giảm tình trạng mỗi năm người Việt Nam đã chi hàng tỷ USD cho việc ra nước ngoài khám, chữa bệnh.

Giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc của ngành như vấn đề lạm dụng thuốc và kháng sinh; an ninh, an toàn BV; cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh; quản lý mua sắm, nhập khẩu thiết bị y tế...

Đề nghị thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 19 về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng nêu rõ, cần đẩy mạnh triển khai cơ chế tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh, trước mắt là 4 BV lớn, trong đó có BV Bạch Mai.

“Nhân dịp này, tôi đề nghị các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có sự đánh giá đúng mức, tôn vinh công lao, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; rà soát chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với những người làm nghề đặc biệt này; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn; phát huy tài năng, trí tuệ của đội ngũ nhân viên y tế”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ Công an và chính quyền các cấp có các giải pháp phù hợp để bảo đảm an ninh an toàn BV, bảo vệ các cán bộ, nhân viên y tế trong thực hiện nhiệm vụ, không để tiếp diễn các vụ việc đáng tiếc, xử lý nghiêm vi phạm.

Nhân dịp này, BV Bạch Mai được đón nhận 8 Huân chương Lao động các loại do Chủ tịch nước trao tặng cho 6 tập thể và 2 cá nhân.

Tiền thân là Bệnh viện Lây Cống Vọng, ra đời năm 1911, sau 108 năm thành lập, đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt và lớn nhất khu vực phía Bắc với trên 3.000 giường bệnh, trên 3.000 cán bộ, viên chức, nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ giỏi, đầu ngành.

Đây cũng là cơ sở thực hành chính của Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội. Bệnh viện hiện có 3 viện, 10 trung tâm, 23 khoa lâm sàng và 5 khoa cận lâm sàng. Hằng năm, số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện là trên 160 nghìn lượt, khám và điều trị ngoại trú lên tới gần 2 triệu lượt người.

Trong quá trình phát triển, Bệnh viện Bạch Mai vinh dự được hai lần đón Bác Hồ đến thăm vào các năm 1954 và 1960./.

(Lê Thư tổng hợp theo TTXVN)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận