Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ tại buổi tọa đàm “Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất" diễn ra vào chiều 19/3.
Mở đầu buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khái quát chung tình hình hàng không trong nước và cho biết, hiện Việt Nam có 22 cảng hàng không, 5 hãng hàng không, 68 hãng hàng không bay đến Việt Nam cho thấy, thị trường hàng không rất phát triển, đặt ra vấn đề kết cấu hạ tầng phải đáp ứng.
Từ năm 2010 đến 2018, các ngành đã đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho ngành hàng không và về cơ bản hạ tầng đáp ứng nhu cầu nhưng chưa đồng đều. Có những sân bay hạ tầng tốt nhưng công suất không sử dụng hết, có sân bay quá tải.
Ông Lê Đình Thọ khẳng định, sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải và việc mở rộng là rất bức thiết. Công suất thiết kế hiện tại là 28 triệu hành khách, nhưng đến năm 2018 sân bay đã đón đến 38,5 triệu hành khách.
Trong bối cảnh hàng không liên tục tăng trưởng 2 con số, sân bay Tân Sơn Nhất luôn được nhắc đến như một điểm nghẽn về hạ tầng “tắc cả trên trời, dưới đất, tắc cả bên trong và ngoài sân bay”. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải trình phương án đầu tư xây dựng nhà ga T3.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, hiện có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân muốn thực hiện dự án xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất như Vietjet, Tập đoàn Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP), Bamboo Airways, những nhà đầu tư này cam kết thực hiện trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ trong 1 năm.
Tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ, Bộ GTVT đã quyết định đề xuất Chính phủ giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sân đỗ máy bay. Hiện tại ACV đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về dự án. Tổng vốn đầu tư cho dự án vào khoảng 11.000 tỷ đồng.
Ông Lê Đình Thọ cũng thông tin, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là rất lớn, do đó, Bộ GTVT đã giao cho ACV chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ để xin chủ trương đầu tư trong tháng 4 tới.
Ông Lê Đình Thọ cũng khẳng định, Tân Sơn Nhất luôn tồn tại song hành với sân bay Long Thành, dự kiến năm 2025 được đưa vào khai thác.
Không thể làm xong trong 1 năm mà phải mất ít nhất 40 tháng
Nói về đề xuất xây dựng nhà ga của tư nhân, Thứ trưởng Thọ hoài nghi với việc các doanh nghiệp này tuyên bố có thể làm xong nhà ga T3 chỉ trong vòng 1 năm. Ông Thọ nhấn mạnh, chỉ có thể xong nhà ga công suất 4-6 triệu hành khách trong vòng 1 năm, chứ với nhà ga công suất 20 triệu hành khách thì phải mất ít nhất 40 tháng.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, đầu tư dự án nhóm này phải theo rất nhiều quy trình khác nhau: từ khâu chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi, sau đó mới lập dự án khả thi. Nếu công trình loại A lại phải thiết kế kỹ thuật, rồi mới thiết kế bản vẽ thi công, sau đó mới quản lý đấu thầu, tổ chức triển khai, rồi giai đoạn kết thúc đầu tư, nghiệm thu thanh toán công trình…
“Đối với các quy định hiện hành thì không thể 1-2 năm có thể xong được nhà ga này. Chúng tôi đã tính toán những phương án tối ưu nhất, kể cả chỉ định thầu, tối thiểu cũng phải mất 40 tháng. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị để ACV thực hiện”, ông Thọ nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng giải thích tại sao Bộ GTVT lại chọn ACV để xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
“ACV là nhà quản lý khai thác cảng đầu tiên và nhiều kinh nghiệm hàng đầu Việt Nam. Ở Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp quản lý khai thác cảng là ACV và Vân Đồn, trong khi ACV chiếm 21/22 sân bay”, ông giải thích.
Theo Thứ trưởng Thọ, ACV là đơn vị thực hiện xây dựng các kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Doanh nghiệp này cũng có nguồn lực đầu tư và kinh nghiệm tốt.
Ngoài ra, ông Thọ cũng cho biết việc lựa chọn ACV còn căn cứ vào phương án đầu tư, lựa chọn thời gian thi công…
"Chúng tôi cũng có so sánh nhiều phương án và cân đối tính hơn thiệt. Từ đó mới quyết định chọn ACV", ông Thọ nói.
Là đơn vị được Bộ GTVT chỉ định chủ trì đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV cho biết, ACV đang được giao nhiệm vụ làm 2 báo cáo khả thi là báo cáo khả thi về dự án Cảng hàng không Long Thành và báo cáo tiền khả thi dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Theo ông Thanh, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là phải dự báo thị trường và vấn đề phân chia khai thác. Sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành là cụm cảng để phục vụ cho thị trường trọng điểm phía Nam, không thể tách rời và đây là cụm gồm 2 Cảng hàng không lớn phục vụ thị trường.
Khi tư vấn, số liệu dự báo đến năm 2025 thì nhu cầu thị trường khoảng 65 triệu hành khách và đến 2030 khoảng 85 triệu hành khách. Đây là dự báo trung bình, không phải dự báo cao.
“Do đó, trong kế hoạch 2018 - 2025 và định hướng đến 2025, ACV đã chuẩn bị nguồn lực để khi chưa xong giai đoạn 1 sân bay Long Thành đã phải bắt tay vào giai đoạn 2. Dự án chuẩn bị rất dài nên chưa xong giai đoạn 1 chúng ta phải bắt tay vào giai đoạn 2. Vì vậy, đề xuất đầu tư vào T3 Tân Sơn Nhất là phải làm luôn, xong dự án này để dồn nguồn lực cho sân bay Long Thành là hoàn toàn phù hợp với dự báo nhu cầu của thị trường”, ông Lại Xuân Thanh khẳng định.
- Tháng 1/2017, Hãng hàng không Vietjet cũng đề nghị Bộ GTVT cho phép đầu tư nhà ga có công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm tại lô đất tiếp giáp khu vực sân đỗ 21 ha.
Vietjet cũng xin đầu tư dự án tổ hợp kỹ thuật và dịch vụ hàng không Vietjet tại khu đất 30 ha với tổng mức đầu tư lên tới 3.048 tỷ đồng để xây dựng một nhà ga hàng hóa công suất 300.000 tấn/năm. Ngoài ra còn có khu sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay và chế biến suất ăn.
- Tháng 12/2018, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - IPP đã có công văn gửi Bộ trưởng GTVT đề nghị được cùng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACVACV+0.69%) đầu tư nhà ga hành khách T3.
- Tháng 2/2019, FLC cho biết, nếu được chấp nhận sẽ cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu hình thức đầu tư phù hợp và thực hiện xây dựng Nhà ga T3 theo đúng quy hoạch được duyệt sau 1 năm thi công.
|
Theo ACV, nhà ga T3 rộng khoảng 100.000-120.000 m2. Ngoài nhà ga T3, ACV cũng đề xuất đầu tư đồng bộ sân đỗ máy bay, hệ thống dẫn đường trên cao 2 làn xe, cầu cạn trước nhà ga 5 làn xe và hệ thống sân đỗ ôtô, nhà để xe cao tầng…
Dự kiến thời gian hoàn vốn của dự án là 22 năm. Trong giai đoạn 2023-2043, dự án dự kiến mang lại lợi nhuận khoảng 11.800 tỷ đồng sau khi đã điều chỉnh trượt giá (với lãi suất chiết khấu là 7,5%)./.
(Theo Phi Long, VOV.vn)