Nam Định có hơn 660 km đê, trong đó 365 km đê cấp 1 đến cấp 3, gồm 91 km đê biển, 274 km đê sông và 298 km đê dưới cấp 3.
Bà Nguyễn Thanh Hiền, ở ki ốt 41, khu du lịch Quất Lâm cho biết: “Sống ở đây hơn 60 năm, trước đây chỉ có tháng 9 đến tháng 10 là nước biển to nhưng đến nay nước biển to cả năm. Ngày thường sóng đánh lên tràn vào nhà, còn ngày bão mà gió Đông nồm hoặc gió Tây nam thì bãi tắm san hết, vì sức gió quá mạnh. Sóng biển đánh cao từ 4m đến 6m, đang đứng rằng cửa nhà mà sóng ập vào trùm lên đầu chứ chưa nói đứng sát đê. Áp thấp nhiệt đới năm ngoái có nhà thiệt hại mấy trăm triệu đồng, sóng đánh sập hết đoạn đường từ nhà 20 đến nhà 23”.
Mặc dù đã được đầu tư củng cố, nâng cấp nhưng trong điều kiện mưa bão gia tăng cả về tần suất và cường độ đã và đang đe dọa an toàn nhiều tuyến đê biển, đê sông của tỉnh Nam Định.
Ông Trần Văn Dũng, phụ trách xử lý mỏ kè số 5, đê biển huyện Hải Hậu cho biết, thời tiết bất thường vào đầu tháng 3 năm nay khiến toàn bộ cát ở chân kè bị nước biển rút ra khiến mái bị sập, nếu không xử lý dứt điểm sẽ đe dọa hệ thống đê trong, dẫn đến mất an toàn khu vực dân cư sau đê.
“Giải pháp trước mắt là bỏ bao vải lọc để giữ tạm thời chân cống bi, khi nước kiệt bỏ bao vải lọc và đổ 1 lớp bê tông phía dưới và phủ bao vải lọc, đá răm lên để lát lại cấu kiện giữ thân mỏ kè số 5. Không khắc phục sớm thì toàn bộ đê trong sẽ bị sập mái và nước dâng đe dọa tràn qua đê vào khu dân cư”, ông Dũng nói.
Trước diễn biến bất thường của thiên tai, tỉnh Nam Định đã yêu cầu nhà thầu và đơn vị thi công phải hoàn thành các hạng mục công trình phòng chống lụt bão trước mùa mưa bão năm nay.
Ông Đỗ Quang Chiến, Phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong, tỉnh Nam Định cho biết, theo kế hoạch, các hạng mục như: Kè Quy Phú thuộc hệ thống đê hữu Hồng, huyện Nam Trực; cống Hạ Trại, đê biển Hải Hậu và cống Quất Lâm; đê biển huyện Giao Thủy sẽ hoàn thành ngày 30 tháng 4 năm nay:
“Đến 30/4 các hạng mục liên quan đến phòng chống lụt bão sẽ cơ bản hoàn thiện. Trong các hạng mục thi công phục vụ phòng chống lụt bão luôn chuẩn bị vật tư tại chỗ cũng như máy móc, con người, đề phòng tình huống những cơn bão lớn đổ bộ bất thường trong thời điểm chưa phải chính vụ bão để kịp thời xử lý khi sự cố xảy ra”, ông Chiến cho hay.
Theo ông Nguyễn Cảnh Thạc, Chủ tịch thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, vấn đề quan quan tâm nhất hiện nay là an toàn kè và đê biển trên địa bàn bởi hệ thống này không chỉ bảo vệ khu vực dân cư mà còn là địa điểm du lịch mỗi khi hè đến.
“Phương án phòng chống thiên tai xác định là đê kè của khu du lịch là điểm trọng yếu, thời gian qua mặc dù chưa có bão nhưng do biến đổi khí hậu và gió mùa Đông bắc về trong ngày 1/3 đã có hiện tượng chân đê kè bị "lột". Theo chỉ đạo của tỉnh và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã khắc phục giờ đầu điểm kè khu du lịch, không để cho phá vỡ ra những chỗ khác. Hiện đang xin ý kiến Sở Nông nghiệp về lâu dài tổ chức đấu thầu, hàn và sửa chữa nâng cao hệ thống kè đê biển khu du lịch”, ông Nhạc nói.
Theo ông Đặng Ngọc Thắng, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nam Định, khó khăn lớn nhất hiện nay là những đê điều xung yếu, nhất là tuyến đê biển chưa được phân cấp vì vậy rất khó khăn trong việc đầu tư. Ngoài ra, sự bất cập giữa Luật đầu tư công và Luật xây dựng cũng gây nhiều khó khăn trong việc củng cố, tu bổ hệ thống đê sông, đê biển của Nam Định ứng phó thiên tai.
Ông Đặng Ngọc Thắng cho rằng, tỉnh đã trình với Trung ương về những đoạn đê xung yếu bị ảnh hưởng do bão số 10 năm 2017 đồng thời đã lập dự án chuẩn bị đấu thầu và triển khai thi công nhưng khó nhất hiện nay là Luật xây dựng thì có thể cho phép vừa thiết kế vừa thi công nhưng Luật đầu tư công lại không cho phép.
“Sự bất cập này dẫn đến Nam Định không triển khai như chỉ đạo của Trung ương, tỉnh cũng đã báo cáo Trung ương và cuối cùng vẫn thực hiện theo đúng Luật Đầu tư công và nếu thực hiện theo Luật đầu tư công từ khi triển khai cho đến khi giao được vị trí thi công công trình thì thời gian nhanh nhất cũng phải 200 ngày tương đương với 7 tháng sau đó mới thi công được trong khi mùa mưa bão đang đến gần”, ông Thắng nói.
Mùa mưa bão năm 2019 đang đến gần, việc chủ động và đồng bộ các giải pháp về công trình và phi công trình là rất quan trọng, cùng với đó là sự chủ động của các địa phương theo phương châm "4 tại chỗ" sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu gây ra./.
Theo vov.vn