Bán bào thai - báo động nơi miền Tây xứ Nghệ

Thời gian gần đây, huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An'nóng' thực trạng bán bào thai.

 

Tại một số xã của huyện vùng biên này, nhiều người mẹ sau khi mang thai, gần đến ngày sinh nở vượt biên sang Trung Quốc, chờ ngày “mẹ tròn con vuông”, bán cho người khác.

 Từ Mường Xén (trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn, Nghệ An) mất hơn một giờ đồng hồ đi xe máy, qua những cung đường gần như “dựng đứng” với góc cua tay áo, chúng tôi mới đến được bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm. Nhìn những bản làng thanh bình giữa núi rừng biên viễn, lại được bao quanh bởi dòng Nậm Mộ hiền hòa, có ai nghĩ rằng nơi đây đang “nóng” lên thực trạng nhiều bà mẹ đi bán bào thai.

          Khoảng 3 tháng nay, ngôi nhà của chị Lữ Thị Phanh (dân tộc Khơ Mú), bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) ồn ào hẳn lên từ âm thanh chiếc loa thùng mà chị vừa sắm. Dừng giã gạo để tiếp khách lạ, người đàn bà không còn nhớ năm sinh của mình kể, trung tuần tháng 8/2018 vừa qua nhờ sang Trung Quốc bán đi đứa con vừa sinh, được 70 triệu đồng mới có tiền trả nợ, sắm ti vi, mua loa thùng, xe máy.

Lữ Thị Phanh cho biết, đầu năm 2018, khi mang bầu đứa thứ 5, trong cơn túng quẫn, một người quen ở xã đã bày cho Phanh bán đứa con trong bụng để lấy tiền trang trải cuộc sống. Khi thai nhi được 8 tháng tuổi, được sự đồng ý của chồng, Lữ Thị Phanh đón xe ra Móng Cái, Quảng Ninh bắt đầu hành trình bán đi “giọt máu” của mình. Tại đó, có người chờ sẵn, dẫn Phanh qua bên kia biên giới. Sau 2 ngày ngồi ô tô, đi sâu vào nội địa Trung Quốc, Lữ Thị Phanh được đưa đến ở trong một ngôi nhà, chờ ngày trở dạ: “Ở đó em cũng không biết là nơi nào. Em được người ta chăm sóc chu đáo, được gần 1 tháng thì em đẻ. Chuẩn bị đẻ người ta đưa em vào bệnh viện, cho ăn uống đầy đủ. Đó là một bé gái. Con đẻ ra, em chưa kịp cho bú, người ta đã bế đi”- Lữ Thị Phanh nói.

Chị Lữ Thị Phanh bên chiếc tivi mua được từ việc bán bào thai. 

Trước đó, cũng trong hành trình Kỳ Sơn - Móng Cái, Lương Thị Xoan (sinh năm 1983) ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm cũng sang Trung Quốc để bán đi đứa con sắp sửa chào đời. Lấy hơi nhóm lại bếp lửa chỏng chơ một vài que củi, như để ngôi nhà bớt lạnh lẽo, Lương Thị Xoan rầu rĩ, mình không được “may mắn” như những người khác, vì mất cả con mà cũng chẳng được tiền. Bởi, sau khi chào đời, phát hiện đứa bé bị dị tật bẩm sinh nặng, người mua đã “lắc đầu” từ chối. Sau 9 ngày sinh ra nơi “đất khách quê người”, bé trai của người mẹ Kỳ Sơn đã tử vong tại bệnh viện. Con mất, Lương Thị Xoan trở về Việt Nam chỉ với mấy trăm nghìn đồng mà những người dẫn dắt đưa làm lộ phí.

Cách bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm hơn 20km là bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu. Đã hơn 3 tháng trôi qua, nhưng không khí tang thương vẫn bao trùm lên ngôi nhà sàn trống hơ, trống hoắc của chị Moong Thị Lâm (sinh năm 1989). Bản làng Khơ Mú vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của chị Lâm trên hành trình sang Trung Quốc bán bào thai. Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, ngày 20/9/2018, tại xã Dương Cao, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 5 công dân Việt Nam thương vong. Trong đó, Moong Thị Lâm tử vong tại chỗ, 4 người còn lại bị thương nặng (3 người đang mang thai 8 tháng). Tất cả các nạn nhân đều trú tại huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An.

Cùng có mặt trên chuyến xe tai nạn đó, chị Xeo Thị Tiên (sinh năm 1982, sát vách nhà chị Lâm) dù giữ được tính mạng, nhưng đứa con trong bụng không còn. Ngồi trong ngôi nhà sàn dựng chênh vênh bên bờ suối, đưa ánh mắt xa xăm về núi rừng, Ốc Văn Quyền (con trai chị Tiên) thở dài, vì vắng nhà, nên khi mẹ đi Trung Quốc, em không hề hay biết. Và từ đó đến nay, ở nhà cũng không nhận được tin tức gì về mẹ “Em đi làm mới về nên không biết đầu đuôi thế nào. Về nghe người làng họ nói ở dưới này có mấy người rủ nhau đi. Từ hôm mẹ đi đến giờ không có liên lạc gì. Mong muốn nhất của 4 anh em bây giờ là mẹ về để được thấy mặt mẹ”.

Một góc của bản Khơ Mú lọt thỏm giữa đại ngàn.

Thống kê của ngành chức năng huyện Kỳ Sơn cho thấy, từ năm 2017 đến nay trên địa bàn huyện đã có 26 trường hợp phụ nữ vượt biên qua Trung Quốc để bán bào thai. Tất cả đều là người dân tộc Khơ Mú, tập trung chủ yếu tại hai xã Hữu Kiệm và Chiêu Lưu. Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết, thực trạng nhiều phụ nữ tìm cách đi bán bào thai đang là vấn đề nhức nhối. Đây là sự việc chưa từng xảy ra tại địa phương. Qua nắm bắt, trực tiếp làm việc với các trường hợp, hầu hết đều thừa nhận hành vi của mình, nhiều người tỏ ra hối lỗi, nhưng cũng có người thờ ơ, như không hề biết: “Địa bàn xảy ra chủ yếu là tại xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, xã Bảo Nam và một số ít ở xã Bắc Lý. Đây là vấn đề xót xa đối với các nhà quản lý, chính quyền cũng như người dân địa phương hiện nay”- bà Vi Thị Quyên nói.

26 bà mẹ ra đi, nhiều trường hợp “mắc kẹt”, chưa biết ngày trở lại, người bỏ mạng nơi miền đất lạ và số tiền từ 40 đến 50 triệu đồng cho một bé trai, 70 đến 80 triệu đồng cho một bé gái, dù không muốn tin, nhưng đó là sự thật. Những người mẹ Khơ Mú bao đời nay chân chất nói gì về việc làm của họ và ngành chức năng địa phương đã phản ứng như thế nào trước thực trạng nhức nhối này?.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận