Vì sao lao động trẻ thất nghiệp ngày càng nhiều?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng thất nghiệp, nhưng phần lớn vẫn do nguồn lực lao động còn thiếu và yếu về kỹ năng mềm.

 

Theo thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có trên 200.000 cử nhân thất nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, thế nhưng phần lớn vẫn do nguồn lực lao động này còn thiếu và yếu về kỹ năng mềm.

Tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị kinh doanh loại khá, tìm mãi không ra công việc phù hợp, chị Nguyễn Thị Hà xin vào vị trí nhân viên văn phòng của một công ty nhỏ tại quận Phú Nhuận. Ngay sau khi bắt tay vào việc, chị Hà nhận ra bản thân chỉ có kiến thức chuyên ngành khô khan, trong khi doanh nghiệp lại cần rất nhiều kỹ năng mềm. Bức bí với công việc văn phòng, sau một năm chịu đựng, chị Hà xin nghỉ, bắt đầu hành trình tìm kiếm nơi làm mới. Thế nhưng, nhiều tháng nay, nữ cử nhân được đào tạo chính quy này vẫn trong tình trạng thất nghiệp, dù đã tham gia rất nhiều ngày hội việc làm cũng như thi tuyển, phỏng vấn khắp nơi.

Hiện nay, tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp vẫn cao.

Chị Nguyễn Thị Hà tâm tư: “Hầu như việc làm bây giờ đều yêu cầu kinh nghiệm hoặc ít nhất phải có kỹ năng mềm gì đó thì mới khả thi. Còn sinh viên mới ra trường thiếu kinh nghiệm và kỹ năng mềm cũng yếu nên phỏng vấn sẽ khó đậu. Bản thân em muốn đổi việc phù hợp hơn nhưng đi kiếm nhiều nơi cũng không có”.

Với trường hợp chị Hà không phải là hiếm khi độ vênh giữa đào tạo và thực tế vẫn còn quá lớn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện chỉ ở thang điểm 3,39/10. Trong đó, về phần kỹ năng, chúng ta chỉ có 11% lao động có tay nghề cao, 49% có tay nghề trung bình và 40% không có tay nghề.

Là đơn vị chuyên cung ứng lao động có tay nghề Việt Nam cho thị trường Nhật Bản nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Tường Hải, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dũng Giang cho biết, cái khó nhất cho doanh nghiệp chính là phải đào tạo lại người lao động trước khi xuất khẩu hay sử dụng. Hiện nay, đa phần sinh viên mới tốt nghiệp chỉ thuần kiến thức chuyên môn mà kiến thức đó còn chưa kịp cập nhật với điều kiện mới. Việc thiếu nhiều kỹ năng mềm, khả năng thích nghi với môi trường mới và tính chủ động, sáng tạo đều thấp cũng đang làm khó nhiều tân cử nhân trong quá trình khẳng định bản thân với nhà tuyển dụng.

“Nói về lý thuyết thì các em rất giỏi nhưng khi vào thực tế các em vẫn còn bỡ ngỡ. Có những em khi đến với chúng tôi đều nói con lấy được bằng này, bằng kia nhưng các em chưa hiểu để được đi làm thì với cái bằng đó, còn đòi hỏi mình phải học sâu thêm nữa”, bà Hải chia sẻ.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Quản lý tuyển dụng của Manpower Group Việt Nam, nguồn nhân lực trong nước, đặc biệt là nhân lực trẻ, cần thay đổi thực sự về chất nếu không muốn thường xuyên rơi vào tình trạng thất nghiệp. Việc có kiến thức chuyên môn là cần thiết, nhưng người lao động phải tự trang bị nhiều kỹ năng mềm để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và xử lý tình huống là 5 kỹ năng mà các tân cử nhân hiện nay chưa làm tốt.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thủy nói: “Khi rô-bốt hay tự động hóa thay thế hoàn toàn những công việc đơn giản thì chỉ có cách chúng ta phải tập trung đầu tư cho những kỹ năng mà rô-bốt không làm được như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề. Những kỹ năng như vậy chỉ có con người mới làm được. Những tư duy sáng tạo đó vượt tầm của rô-bốt. Và đó là những kỹ năng mà các trường đại học, các cơ quan, doanh nghiệp nên có sự hợp tác để đầu tư phát triển cho người học”.

Cùng với việc trang bị nhiều kỹ năng mềm và đổi mới tư duy tiếp cận thị trường, ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM cho rằng ngay từ khi vào đại học, mỗi sinh viên phải tự hoạch định tương lai nghề nghiệp cho bản thân. Các bạn phải biết thế mạnh của mình là gì, khả năng mình đến đâu để tự điều chỉnh. Quan trọng là phải hạn chế tâm lý “chê việc” như nhiều cử nhân trẻ đang làm. Chỉ khi có sự trải nghiệm đầy đủ trong môi trường thực tế, khi chứng minh được thực lực bằng hiệu quả công việc, người lao động mới được doanh nghiệp đánh giá cao.

Để được đánh giá cao, lao động trẻ đòi hỏi phải vững chuyên môn, đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc.“Người lao động thực sự phải xác định được bản thân cần gì khi đi làm. Ví dụ nếu các bạn xác định muốn làm công việc mang lại thu nhập cao thì bản thân phải chuẩn bị những gì. Còn nếu mới ra trường và không xác định lương cao quan trọng nhất mà muốn có thêm kinh nghiệm thì đừng quá quan tâm đến thu nhập mà hãy tập trung vào các vấn đề khác. Chúng ta nói, hiện nay tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp nhiều quá. Kinh nghiệm từ trung tâm chúng tôi cho thấy chủ yếu là do các bạn trẻ quá kén chọn đầu việc thay vì xác định mục đích rõ ràng khi đi xin việc”, ông Nguyễn Quang Cường cho hay.

Bên cạnh các chính sách, chương trình hỗ trợ từ nhà nước, từ hệ thống giáo dục, các chuyên gia cho rằng người lao động trẻ phải “tự thân vận động” là chính. Muốn không thất nghiệp, lao động đó buộc phải giỏi nghề, đủ kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu chứ chỉ với tấm bằng tốt nghiệp thì không thể đảm bảo được.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện chỉ ở thang điểm 3,39/10. Trong đó, về phần kỹ năng, chúng ta chỉ có 11% lao động có tay nghề cao, 49% có tay nghề trung bình và 40% không có tay nghề.

Mỹ Dung/VOV-TPHCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận