Tháng hành động vì trẻ em 2019: Làm gì để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

Đáng lo ngại khi trẻ em bị xâm hại ngay cả trong gia đình, nhà trường - nơi mà đúng ra các em phải được che chở, yêu thương.

 

Những vụ việc xâm hại trẻ em đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Đáng lo ngại là thời gian qua có nhiều vụ xâm hại lại diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường - nơi mà đúng ra các em phải được yêu thương, nuôi dưỡng và giáo dục.

Đâu là nguyên nhân của vấn đề này

Những vụ án gây rúng động dư luận liên tiếp được phát hiện, phanh phui thời gian qua, đau đớn hơn, nạn nhân lại chính là những em nhỏ. Chỉ cần gõ từ khóa “Những vụ án xâm hại trẻ em”, google sẽ cho hàng chục nghìn kết quả, mà ở đó có rất nhiều cụm từ không còn xa lạ với dư luận thời gian qua như: “Cụ ông 85 tuổi sàm sỡ bé gái 9 tuổi”; “thầy giáo dâm ô, gạ tình học sinh”; “cha dượng xâm hại con gái”…

Nói như thế để thấy rằng, chưa bao giờ nỗi lo trẻ em bị xâm hại lớn như vậy, nguy cơ đó có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong gia đình, nhà trường, những nơi mà đúng ra các em phải được giáo dục, che chở, yêu thương.

ảnh minh họa: KTEm Nguyễn Thu Trang, học sinh trường THCS Trần Mai Ninh, Thanh Hóa đã bất an trước thực trạng này và nói lên nỗi lo của trẻ em: Đã đến lúc tuổi thơ của chúng cháu rất cần có những sâu chơi lành mạnh, bổ ích, chúng cháu cần có sự quan tâm, yêu thương, quan tâm chăm sóc của gia đình, nhà trường, xã hội; hãy cho chúng cháu sống trọn niềm vui với sự an toàn nhất, hạnh phúc nhất của tuổi thơ; hãy dang tay chở che cho chúng cháu tránh khỏi những cạm bẫy của xã hội đang hàng ngày, hàng giờ rình rập trẻ em… Chúng cháu mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong việc tạo điều kiện cho chúng cháu có một mùa hè vui tươi, bổ ích.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Mặc dù xã hội kịch liệt lên án, và pháp luật không dung tha cho những kẻ nhẫn tâm xâm hại trẻ em, nhưng trẻ em vẫn bị xâm hại, thậm chí ngày càng nhiều hơn.

Cần làm gì bảo vệ trẻ em tốt hơn

Có rất nhiều câu trả lời, nhưng cái chính là chúng ta, đặc biệt là trẻ em, chưa được tuyên truyền và hiểu đầy đủ về quyền trẻ em. Đặt câu hỏi trẻ em có những quyền gì? Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em khẳng định, muốn bảo vệ trẻ em phải thực hiện đúng Luật Trẻ em và phải hướng dẫn để trẻ em nhận thức đúng quyền của mình.

“Tôi hỏi điều này vì trước hết, làm gì thì làm đầu tiên phải thực hiện đúng Luật Trẻ em. Trẻ em có 25 quyền mà bản thân các cháu ở đây, kể cả thanh niên và trẻ em thật, mà hôm tháng hành động trẻ em mà cũng không được phổ biến đầy đủ 25 triệu đấy. Và vì thế đầu tiên chúng ta phải làm cho tất cả mọi người trong xã hội, trong đó đặc biệt là trẻ em biết được quyền của mình và khi biết quyền đấy rồi thì những tổ chức, cá nhân đã được quy định trách nhiệm và nghĩa vụ trong luật phải được ràng buộc trách nhiệm và đương nhiên điều đầu tiên là các hành vi vi phạm quyền trẻ em sẽ phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thay vì những mỹ từ có tính tung hô như "trẻ em như búp trên cành", "trẻ em là tương lai của đất nước"… chúng ta hãy hành động bằng những việc làm cụ thể.

Cùng quan điểm muốn bảo vệ trẻ em phải hành động, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers khuyến nghị, Chính phủ cần dành nhiều chính sách hơn nữa đối với trẻ em, đó là cách tốt nhất để chúng ta quan tâm, chăm sóc và giáo dục trẻ em; điều đó sẽ đảm bảo cho việc giúp phát hiện trẻ em có nguy cơ, can thiệp, phòng ngừa xâm hại và bị bóc lột, giải quyết những nguy cơ khác đối với trẻ em, như đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích…

"Hôm nay tôi nhấn mạnh về sự phát triển não bộ vì những bài học kinh nghiệm to lớn đối với chính sách và thực tiễn trong việc chúng ta làm thế nào để giảm nghèo và giảm bất bình đẳng - đầu tư ngày hôm nay để đảm bảo rằng ước mơ và hoài bão trẻ em Việt Nam được chắp cánh bay cao để các em có thể đóng góp cho đất nước", bà Rana Flowers cho hay.

Việc thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách nhằm giảm khoảng cách về cơ hội phát triển của trẻ em giữa các vùng miền, đặc biệt là nhóm trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số cũng là 1 giải pháp hạn chế sự xâm hại trẻ em. Cần có nhiều hơn nữa những chính sách, để các em được sử dụng đầy đủ hơn các dịch vụ phúc lợi xã hội và được bảo vệ trước tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục.

Sỹ Đức/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận