Kết hôn để làm vừa lòng cha mẹ
Nhìn bề ngoài thì N.T. L (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), trong nhóm Nữ yêu nữ không khác gì những cô gái khác. Tuy nhiên đến tuổi dậy thì L chỉ có cảm xúc với bạn nữ. Năm học cấp III, khi L thổ lộ yêu một bạn nữ cùng lớp đã làm bạn ấy phát hoảng, tìm cách xa lánh L. Sau đó, các bạn khác biết chuyện cũng không còn cởi mở với L như trước khiến L ngày càng sống khép kín. Vì bố mẹ là người khá cổ hủ nên L không dám thổ lộ gì với bố mẹ, chỉ biết âm thầm chịu đựng một mình.
L đến tuổi lập gia đình, bố mẹ suốt ngày giục giã L lấy chồng để còn đến lượt các em. Dưới sức ép của gia đình, L đành lên mạng làm quen với một gay. Sau một thời gian quen biết, cả hai đồng ý kết hôn giả để làm vừa lòng cha mẹ. “Chúng tôi thỏa thuận chỉ kết hôn trên danh nghĩa, không can thiệp vào chuyện tình cảm của nhau. Ban đầu chúng tôi nghĩ mọi chuyện rất đơn giản, nhưng khi kết hôn rồi mới thấy bao nhiêu phiền phức với những mối quan hệ mới nảy sinh rất phức tạp. Mệt mỏi nhất là hằng ngày phải đóng kịch với mọi người là một cặp vợ chồng, phải ứng xử với mối quan hệ gia đình nội ngoại hai bên. Kéo dài được 3 năm, cả hai không thể chịu đựng được đã đồng ý giải phóng cho nhau. Rất may chúng tôi không có con chung và tài sản chung cũng chẳng có gì đáng giá nên dễ phân xử. Tôi biết có cặp như chúng tôi có con chung, khi bố mẹ ra tòa lại làm tổn thương con trẻ” - L chia sẻ.
Sau khi ly hôn, L vào TP.HCM lập nghiệp vì thấy ở thành phố lớn người dân có suy nghĩ thoáng hơn về chuyện của L. Hiện L đã tìm được người bạn gái để yêu thương và cả hai đang có dự định cuối năm dọn về chung sống.
Bà Nguyễn Vân Anh, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA) chia sẻ trong talkshow: "Gay lấy less có phải là giải pháp hoàn hảo" tổ chức tại Hà Nội mới đây: “Những cặp đôi less và gay khi kết hôn giả tạo ảo tưởng là đem lại hạnh phúc cho người thân, để người thân yên tâm là con gái đến tuổi thì lấy chồng, con trai đến tuổi phải lấy vợ, không xấu hổ vì mình. Nhưng cái gì là giả thì không thể bền vững. Khi ký vào bản đăng ký kết hôn đã giả dối rồi thì làm sao có thể hạnh phúc. CSAGA đang nỗ lực vì một xã tôn trọng sự đa dạng, không kỳ thị sự khác biệt. Nếu xã hội chúng ta có được điều này thì sẽ không có những hợp đồng hôn nhân giả dối, kéo theo những bất hạnh”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty luật Fanci, những cuộc kết hôn giả không được xem là cuộc hôn nhân hợp pháp bởi mặc dù đáp ứng đầy đủ những nhu cầu về mặt hình thức, nhưng về mặt nội dung là không đảm bảo. Dù đây là cuộc hôn nhân tự nguyện nhưng không xuất phát từ sự yêu thương, những cuộc kết hôn này có thể bị pháp luật hủy bỏ. Những người chấp nhận kết hôn giả không thể mường tượng được tất cả rắc rối nảy sinh, bởi hôn nhân là tổng hòa rất nhiều mối quan hệ cá nhân. Đừng vì người thân mà chấp nhận dấn thân vào mối quan hệ phức tạp. “Tôi khuyên các bạn không chọn giải pháp này vì chúng ta buộc phải có trách nhiệm với chính mình, không nên hy sinh bản thân vì những lý do khác. Kết hôn là chuyện lớn, không nên kết hôn vì ai đó” - luật sư Tú nhấn mạnh.
Hành trình tìm kiếm hạnh phúc
Chị Phan Thị Thanh, cộng đồng Nữ yêu nữ chia sẻ, để có được hạnh phúc như ngày hôm nay chị và bạn gái đã trải qua bao khó khăn, rào cản. Trước đây, chị đã từng cố che giấu đi con người thật để lập gia đình và có một bé trai 8 tuổi. Tuy nhiên sống trong cuộc hôn nhân không có tình yêu, chị thấy như địa ngục. Buồn chán, chị lên mạng chia sẻ thì tìm được sự đồng cảm từ người bạn gái trong Phan Thiết. Chị đã quyết định chia tay chồng, từ miền Bắc vào Phan Thiết lập nghiệp để được gần gũi bạn gái. Tuy nhiên chị gặp phải sự kỳ thị, ngăn cản của bố mẹ bạn gái vì cho rằng chị đang lừa đảo con gái họ và tìm cách lừa đảo gia đình họ. Không chịu được áp lực, chị Thanh quyết định ra Bắc và rủ bạn gái theo.
3 năm trôi qua, chị Thanh đã lo được cho hai người một cuộc sống ổn định. Mới đây, khi đưa bạn gái trở về Phan Thiết thăm gia đình, chị Thanh cảm thấy khá ngỡ ngàng và cảm động khi bố mẹ bạn gái không còn hắt hủi chị như trước. Dù họ không lên tiếng thừa nhận nhưng họ đã coi chị như con cái trong gia đình, đối với chị Thanh như thế đã là thành công.
Năm 2019, trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã có 27 quốc gia/vùng lãnh thổ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới. Có hơn 80 quốc gia/vùng lãnh thổ coi hành vi đồng tính luyến ái là tội phạm, một số còn áp dụng hình phạt tử hình đối với những người có hành vi đồng tính luyến ái. Số quốc gia/vùng lãnh thổ còn lai có chính sách trung dung, không coi đồng tính luyến ái là bất hợp pháp nhưng cũng không công nhận hôn nhân đồng tính. (theo vi.wikipedia.org)
|
Bà Phạm Thị Hiền, thành viên trong cộng đồng PFLAG (cộng đồng cha mẹ, bạn bè của người đồng tính) chia sẻ, người mẹ nào cũng đặt những kỳ vọng nhất định cho những đứa con của mình nhưng khi con không theo số đông thì mình cũng cần điều chỉnh. “Tôi đã lên mạng tìm hiểu thông tin, tham gia các lớp tập huấn. Khi hiểu vấn đề rồi cách ứng xử của tôi với con cũng khác. Trước đây, tôi đánh giá con học đòi bắt chước, hư hỏng. Nhưng sau này khi hiểu vấn đề, tôi thấy mình đã quá cổ hủ. Giờ bất cứ chuyện gì, tôi luôn đặt mình vào vị trí của con để biết con muốn gì và không áp đặt con nữa” - bà Hiền chia sẻ.
Bà Nguyễn Vân Anh nhận xét, có nhiều người trong chúng ta đang phải sống trong sự kỳ vọng của người khác. Bố mẹ thường kỳ vọng con phải đỗ đạt làm cho bố mẹ mát mặt, phải có vợ, có chồng để bố mẹ không bị mang tiếng… Trong xã hội văn minh, việc này cần thay đổi. Bố mẹ phải cảm thấy hạnh phúc khi con mình được sống là chính mình và tìm thấy hạnh phúc đích thực, chứ không phải bắt con sống theo kỳ vọng của mình./.