Cuộc sống của người dân bị đảo lộn
Thời điểm này, một số hộ dân sống quanh khu vực Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã phải di dời ra xa khu vực cháy. Nhiều cửa hàng tạm thời đóng cửa hoặc chuyển đến địa điểm khác để kinh doanh. Cuộc sống người dân quanh khu vực Công ty Rạng Đông bị đảo lộn.
Cuối giờ chiều 9/9, tại Khu chung cư 54 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, mấy ngày nay, không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp cư dân đi làm về, tiếng cười nói của con trẻ chơi đùa dưới sân. Người dân khu chung cư những ngày này vẫn phải sống trong bầu không khí khét lẹt, luôn phải đeo khẩu trang bảo hộ. Hầu hết các gia đình lo ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe đã khóa cửa, di dời đi nơi khác.
“Nhà tôi vì mưu sinh nên mới phải ở lại đây, còn nhiều gia đình họ đã đóng cửa nhà, chuyển đi nơi khác. Những người ở lại đây là không có khả năng về tài chính để chuyển đi nên đành phải sống chung với lũ. Buổi tối chẳng có mấy nhà bật đèn. Cuộc sống bị xáo trộn.”- bà Nguyễn Thị Giáp, ở tầng 12 nhà A2, Khu chung cư 54 Hạ Đình chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hương, người dân ở khu chung cư cho biết, từ khi xảy ra vụ cháy đến nay, chưa thấy đại diện của phường, quận tới hỏi thăm, động viên người dân.
“Khu nhà tôi, 1 tầng gồm 8 hộ dân, bây giờ chỉ còn 1 hộ ở lại. Có nhà còn vào cả trong khu phố cổ để thuê nhà. Người dân sống quanh khu vực Công ty Rạng Đông chỉ mong tiến độ thu gom, xử lý chất độc được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo an toàn môi trường để người dân sớm trở về nhà. Từ khi xảy ra vụ cháy đến bây giờ, không có động thái nào từ Công ty. Người dân chúng tôi cần những thông tin minh bạch và rõ ràng hơn, sớm có thông tin hướng dẫn và đảm bảo sức khỏe cho người dân sống quanh khu vực.”- bà Nguyễn Thị Hương nói.
Người dân ồ ạt đi khám bệnh
Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ sáng 6/9, tại 2 điểm là trạm y tế phường Hạ Đình và trạm y tế phường Thanh Xuân Trung, Sở Y tế Hà Nội, TTYT quận Thanh Xuân đã tổ chức tư vấn và khám sức khỏe miễn phí cho người dân sống trong khu vực ảnh hưởng bởi vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Thời gian khám đến hết ngày 12/9. Đối tượng khám là tất cả những người dân sinh sống tại khu vực bán kính 500m nơi xảy ra vụ cháy.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước mắt, tại mỗi điểm khám, ngành y tế Hà Nội bố trí 8 bác sĩ khám được huy động từ các bệnh viện đa khoa hạng I của thành phố gồm: Xanh Pôn, Đức Giang, Thanh Nhàn và Hà Đông. Đồng thời, tổ chức huy động y, bác sĩ của TTYT quận Thanh Xuân trực 24/24 giờ tại các điểm trạm. Đảm bảo cung cấp đủ nhân lực, trang thiết bị, các điều kiện về cơ sở vật chất sẵn sàng khám sức khỏe miễn phí cho người dân.
Ông Đoàn Văn Sơn, người dân sống ở phường Hạ Đình cho biết, trong quá trình chữa cháy, ông cũng có mặt và tham gia cùng với người dân và các lực lượng chức năng để dập lửa. Mấy ngày gần đây, ông bắt đầu có dấu hiệu mỏi mệt, khó thở, ho nặng nên đã đi khám. “Trạm y tế cũng cử các bác sĩ ở một số bệnh viện về khám cho người dân. Các bác sĩ cũng tư vấn cho tôi theo dõi thêm vài ngày nữa. Nếu thấy triệu chứng nặng hơn thì sẽ chuyển lên bệnh viện tuyến trên để làm các xét nghiệm. Tôi cũng rất lo lắng cho sức khỏe của mình và những người thân trong gia đình”- ông Sơn nói.
Tại Trạm Y tế phường Hạ Đình, cuối giờ chiều 9/9, vẫn có nhiều phụ huynh đưa trẻ nhỏ tới khám. Chị Phạm Thị Phương có con nhỏ hơn 9 tháng tuổi chia sẻ, đã nhiều ngày sau vụ cháy nhưng không khí vẫn nặng mùi khét lẹt, trẻ nhỏ sức đề kháng kém nên liên tục mắc các bệnh về đường hô hấp.
Ghi nhận của phóng viên, đến chiều 9/9, đã có khoảng hơn 1.000 người dân gần nơi xảy ra đám cháy tới đăng ký tư vấn, khám bệnh.
Ngành y tế Hà Nội khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng mà cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động đến khám sức khỏe tại các điểm khám và tư vấn miễn phí theo hướng dẫn của ngành y tế.
Về việc xử lý hậu quả vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy; đôn đốc, hướng dẫn, giám sát thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường, đồng thời điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo ký hoạch đã được chỉ đạo./.
Theo VOV.VN