Những câu hỏi lớn sau vụ cháy Công ty Rạng Đông?

Theo luật sư, từ vụ cháy Rạng Đông cho thấy chính quyền đang lúng túng, người dân thì thụ động trong việc nắm thông tin…

 

Dân có quyền được sống trong môi trường trong lành

Vụ cháy nhà kho thuộc Công ty Rạng Đông đang là chủ đề nóng và được dư luận hết sức quan tâm, đặc biệt là hậu vụ cháy phát sinh nhiều vấn đề sự cố về môi trường độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân.

Sự việc này cũng khiến nhiều người quan tâm đến việc, người dân nói chung và đặc biệt là người dân chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường này cần làm gì, được thực hiện những quyền năng gì để đảm bảo quyền lợi của mình.

Trả lời phóng viên VOV.VN, luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law firm) cho biết, theo qui định tại Điều 43 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Quy định này đặt vấn đề “quyền được sống trong môi trường trong lành” trước khi thực hiện “nghĩa vụ bảo vệ môi trường”, tức là Nhà nước phải có trách nhiệm tạo ra một môi trường sống trong lành cho người dân trước khi yêu cầu họ tham gia bảo vệ môi trường.

Có thể thấy rằng, quyền về môi trường là một quyền con người cơ bản, vừa là quyền cá nhân vừa là quyền của tập thể. Quyền về môi trường bao gồm quyền được sống trong môi trường trong lành, không bị ô nhiễm, quyền được tiếp cận với thông tin về môi trường và quyền được có tiêu chuẩn sức khỏe ở mức cao nhất có thể về môi trường sống, quyền được sử dụng các biện pháp để khắc phục, bồi thường trong những trường hợp quyền này bị vi phạm. Quyền năng này của người dân cũng có mối liên hệ mật thiết với các quyền con người cơ bản khác, nghĩa là không thể được thực hiện nếu tách rời các quyền khác bao gồm quyền sống (được quy định tại điều 19 của Hiến pháp 2013), quyền tiếp cận thông tin (Điều 25 Hiến pháp 2013), quyền về sức khỏe (Điều 20, 38 Hiến pháp 2013), quyền an sinh xã hội (Điều 34, Hiến pháp 2013)…

Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường năm 2014 là luật quan trọng nhất về bảo vệ môi trường, quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường. Các tiêu chuẩn môi trường, bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; bảo vệ môi trường biển, nước sông và các nguồn nước; quản lý chất thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường… và các quyền con người liên quan tới tiếp cận thông tin về môi trường như quyền khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại về môi trường cũng đã được quy định.

Dân “thụ động” trong việc nắm thông tin

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, người dân có quyền trong việc tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình thực hiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật Tiếp cận thông tin 2016 có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 là một đạo luật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc cụ thể hóa quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 - đó là “quyền được biết” của dân. Tuy nhiên, việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên thực tế có nhiều hạn chế. Trong vụ cháy ở Rạng Đông, người dân hoàn toàn bị “thụ động” trong việc nắm thông tin. Một số người còn chưa nhận thức đầy đủ về sự tác động của các sự cố môi trường đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân và cộng đồng dân cư.

Việc các cấp có thẩm quyền có những kết luận khác nhau đánh giá về hậu quả của vụ cháy thể hiện sự lúng túng và thiếu kinh nghiệm, mặc dù trong luật bảo vệ môi trường đã qui định rõ ràng về trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý, các cấp chính quyền địa phương trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, xác định thiệt hại và khắc phục sự cố.

Theo đó, khi xảy ra sự cố, cần phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố. Người đứng đầu cơ sở, địa phương có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố...

Người dân sống cạnh nhà máy thuộc Công ty Rạng Đông lo lắng sau sự việc.

Quyền yêu cầu bồi thường

Theo luật sư Tú, luật bảo vệ môi trường quy định rất cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý, các cấp chính quyền địa phương trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, xác định thiệt hại và khắc phục sự cố.

Theo đó, người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra; Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 03/2015NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường quy định về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường bao gồm: Thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trong các trường hợp sau đây: Môi trường nước, môi trường đất, hệ sinh thái tự nhiên thuộc và không thuộc khu bảo tồn thiên nhiên bị suy thoái; loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật bị chết, bị thương.

Trách nhiệm của chính quyền

Luật sư Tú cho biết, về mặt pháp lý và thực tế cần phải làm như vậy vì tất cả các kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố cũng nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân là trên hết.

“Nguyên tắc của phòng ngừa phải làm thừa hơn là thiếu, phải đưa ra được những quyết định kịp thời. Vì thế, các khuyến cáo đòi hỏi phải được đưa ra sớm, là "thời điểm vàng" để hạn chế tới mức thấp nhất những tác động tới sức khỏe của người dân quanh khu vực. Còn tới khi có đầy đủ các kết quả khoa học, đã xác định được các chỉ số ở ngưỡng an toàn với sức khỏe, khi đó hoàn toàn có thể thu hồi lại các khuyến cáo”, luật sư Tú cho hay.

Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định nguyên nhân hỏa hoạn không phải do yếu tố khách quan mà do lỗi của Nhà máy không thực hiện đúng các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy theo Luật phòng cháy chữa cháy thì Chủ cơ sở hoàn toàn phải chịu trách nhiệm pháp lý về dân sự, hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Tú, về trách nhiệm dân sự, theo qui định tại Điều 602 Bộ luật dân sự 2015 có qui định về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường có qui định “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo qui định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”.

Theo nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người dân trong khu vực có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, tài sản... Nếu muốn được bồi thường người dân sẽ phải thống kê thiệt hại theo Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: “các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị”. Ngoài ra người dân còn có thể yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần theo qui định. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần, vật chất (nếu có) do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Tuy nhiên, để có cơ sở đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì căn cứ pháp lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe cũng như môi trường gồm: Một là, có thiệt hại xảy ra; hai là, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; ba là, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; bốn là, bên gây ra thiệt hại có lỗi (tùy từng trường hợp và theo pháp luật). Trong trường hợp này nếu người dân không thỏa thuận được mức bồi thường thì có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Những người chịu thiệt hại bởi vụ cháy.

Chủ thể có hành vi vi phạm về sự cố môi trường bị xử lý ra sao?

Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã xác định nguyên tắc: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Đồng thời cũng quy định nếu tập thể hay cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường thì phải có trách nhiệm khắc phục và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Cấm việc che giấu hành vi hủy hoại môi trường. Chính vì thế, khi phát hiện một chủ thể có hành vi gây ô nhiễm môi trường, công dân có nghĩa vụ tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền, thực hiện quyền tố cáo được quy định tại Khoản 2 Điều 162 Luật BVMT.

Trong trường hợp chủ thể vi phạm là các nhà máy không thực hiện đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy theo qui định của Luật phòng cháy chữa cháy sẽ phải chịu trách nhiệm theo qui định của pháp luật. Đối với hành vi vi phạm về các qui định phòng ngừa khắc phục sự cố môi trường có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 237 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường áp dụng đối với cá nhân và pháp nhân. Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền đối với cá nhân từ 50 triệu đến 7 tỉ đồng bị phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm, pháp nhân bị phạt tiền từ 1 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh./.

Nguyễn Ngân/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận