Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Cấm hay siết chặt quản lý?

Dịch vụ thu nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế khách quan trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

 

Dự thảo mới nhất của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có nội dung đưa ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Dịch vụ thu nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế khách quan trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Khi nền kinh tế phát triển thì các quan hệ vay nợ, đảm bảo lợi ích cho cả bên hai bên phát triển rất mạnh. Trên thực tế thường có hai hình thức để giải quyết vấn đề thu nợ, một là khởi kiện ra tòa, hai là nhờ một đơn vị trung gian để đứng ra đòi nợ thay.

Điều đó cho thấy dịch vụ thu hồi nợ là một dịch vụ quan trọng và giúp xử lý mối quan hệ giữa người đi vay và người cho vay để đảm bảo nền tảng giữa sự phát triển kinh tế cũng như sự chấp nhận của các vấn đề liên quan đến xã hội. Đây có thể coi là một quyền dân sự của công dân.

Theo một thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho thấy tỷ lệ thành công khi dùng những dịch vụ thu hồi nợ đạt 70-80% và thời gian chỉ từ 2 đến 3 tháng.

Trong khi nếu sử dụng phương án khởi kiện tại tòa thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài đến hơn 1 năm. Vậy nên cách thứ 2 thường được người dân lựa chọn nhiều hơn.

Tuy nhiên gần đây, nhiều công ty thu hồi nợ đã bị biến tướng, hoạt động mang tính chất xã hội đen, hành xử một cách manh động, uy hiếp, gây áp lực, cưỡng đoạt tài sản của người nợ... Điều này cũng đang đe dọa đến an ninh, trật tự của người dân. Một ví dục điển hình, tại xã Xuân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình, gần chục gia đình có người thân phải bỏ nhà trốn đi nơi khác vì lỡ vay "tín dụng đen".

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, với những công ty thu hồi nợ, nếu sử dụng công cụ không hợp pháp hay thậm chí vi phạm pháp luật thì cần phải ngăn ngừa, có những biện pháp chấm dứt hoạt động như vậy.

Ông Vũ Đình Ánh cho rằng, chúng ta cần bình tĩnh trong việc phân tích những điểm được cũng như điểm chưa được trong hoạt động của các công ty thu hồi nợ trong thời gian vừa qua để có định hướng, biện pháp tốt hơn trong thời gian tới. Bởi sự ra đời của các công ty thu hồi nợ hoàn toàn phù hợp quy luật khách quan vận động của thị trường cũng như là các nhu cầu xã hội, đặc biệt là nhu cầu vay ngày càng đa dạng, phức tạp với quy mô ngày càng lớn hơn, do đó vai trò của họ rất quan trọng. Thêm nữa công cụ họ sử dụng phần lớn đạt kết quả cao, đáp ứng được nhu cầu khách hàng liên quan tới các vấn đề hợp pháp, hợp lệ.

Trong một số trường hợp mới có hiện tượng biến tướng, vi phạm pháp luật, đó là mảng tiêu cực chúng ta phải ngăn chặn vì nó gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Do đó, phải ngăn chặn, trừng phạt những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy ước xã hội, chúng ta phải công nhận, đánh giá cao những gì họ làm được, phù hợp với các quy tắc xã hội.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng khẳng định, muốn siết chặt quản lý liên quan đến hoạt động thu hồi nợ của các công ty thì trước tiên phải thay đổi về mặt tư duy. Đầu tiên là phải dựa trên nền tảng bình đẳng giữa người đi vay và cho vay trong các quy định mà trường hợp cụ thể ở đây là công ty thu hồi nợ.

Thứ hai là phải hoàn thiện các quy định pháp luật, đặc biệt là công cụ mà các công ty thu hồi nợ có thể hoạt động một cách hợp pháp. Đồng thời phải đảm bảo hiệu quả giống như là chức năng nhiệm vụ, mục tiêu ra đời của các công ty thu hồi nợ.

Thứ ba phải nâng cao tính chuyên nghiệp cho các công ty thu hồi nợ, kể cả tầng lớp quản lý, đội ngũ nhân sự của họ để giúp họ giảm bớt tiêu cực, đồng thời phát huy những điều hợp lý, tích cực của các công ty thu hồi nợ.

Như vậy, việc bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý loại hình kinh doanh nhạy cảm này./.

Thanh Hương/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận