Bộ Xây dựng họp báo thường kỳ giải đáp về những vấn đề nóng

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 30/9, Bộ Xây dựng đã thông tin, giải đáp những vấn đề nóng liên quan đến ngành.

 

Đảm bảo quyền lợi cho dân ở những dự án sai phạm

Về những dự án chung cư sai phạm nhưng vẫn bán cho dân, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đối với những dự án do chủ đầu tư sai phạm nhưng người dân đã mua và đến ở ổn định, ví dụ như dự án của Tập đoàn Mường Thanh tại Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), Bộ Xây dựng bày tỏ quan điểm, Nhà nước cần giải quyết trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người dân.

Nếu công trình phù hợp quy hoạch, nên giải quyết cho người dân tiếp tục ở. Trong trường hợp không phù hợp quy hoạch, cần phải xử lý tài sản đã bán cho người dân, Bộ Xây dựng cho rằng, phương án yêu cầu chủ đầu tư phải mua lại là rất phức tạp, thành phố Hà Nội cần lấy ý kiến nhiều chuyên gia, bộ, ngành để tìm cách xử lý hiệu quả.

Người mua nhà tại chung cư sai phạm sẽ được giải quyết trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người dân

Về tình trạng một số dự án sai phạm về cấp phép xây dựng, vi phạm về số tầng, mật độ chiều cao… song vẫn tồn tại và tiếp tục được xây dựng, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) khẳng định: Không có chuyện phạt cho tồn tại nữa mà sẽ yêu cầu dỡ bỏ.

Đại diện Vụ Pháp chế cho biết, theo Nghị định 139 của Chính phủ, từ ngày 1/1/2018, các công trình sai phép, không phép phải khôi phục theo đúng quyết định chứ không có chuyện “phạt cho tồn tại” nữa.

Tuy nhiên, Điểm D Khoản 11 Điều 15 có quy định: Nếu công trình đang thi công mà có sai phạm thì sẽ dừng thi công và cho phép trong 60 ngày xin cấp phép xây dựng tiếp. Nếu trong thời gian này, cơ quan quản lý xem xét công trình xây dựng đúng quy hoạch và cho cấp phép xây dựng tiếp thì công trình đó sẽ tiếp tục được xây dựng, còn nếu không cho phép thì sẽ yêu cầu phá dỡ.

Về dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chung cư đang được Bộ Xây dựng công bố để lấy ý kiến, trong đó có quy định căn hộ chung cư phải có tối thiểu 1 phòng ở, 1 phòng vệ sinh với diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25m², Bộ Xây dựng cho biết đã tham khảo quy chuẩn của nhiều quốc gia để đưa ra diện tích này. Để tránh áp lực về dân số lên hạ tầng tòa nhà và khu vực, Bộ Xây dựng yêu cầu, các dự án nhà ở thương mại phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ có diện tích dưới 45m² không vượt quá 30% tổng số căn hộ.

Bộ Xây dựng không quản lý đầu tư nước ngoài

Còn trước thông tin về người Trung Quốc “núp bóng” mua nhà, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, Bộ không quản lý về đầu tư nước ngoài, dù là đầu tư của người Trung Quốc hay nước nào khác.

Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo thống kê, đến nay có khoảng gần 3.000 tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Cụ thể, có 944 tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, được cấp giấy chứng nhận, được cơ quan Việt Nam công nhận. Ngoài ra, có 2034 người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Về mặt pháp lý, ông Ninh cho biết, Luật Nhà ở, Nghị định 99, thông tư 19 quy định rất rõ khu vực nào được mua, đối tượng nào được mua, điều kiện nào được mua. Điều vướng mắc thời gian qua là khu vực an ninh quốc phòng, có địa phương chưa được công bố rõ ràng.

Trong Nghị định 99 nêu, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với các địa phương công bố rõ khu vực đất không ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng để người nước ngoài được phép mua nhà.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, đã có văn bản trả lời, đôn đốc các tỉnh. Tỉnh nào còn vướng thì làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để công bố cho rõ. Hiện nay, rất nhiều địa phương như Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An… đã công bố khu vực an ninh quốc phòng, chỗ nào người nước ngoài được phép mua nhà.

Về việc người Trung Quốc "núp bóng" người Việt Nam mua nhà, ông Ninh nói, về đầu tư nước ngoài, phải hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Đầu tư nước ngoài dù người Trung Quốc, Hàn Quốc, hay nước nào nữa thì thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, ông Ninh cho hay.

Ngày 19/9, tại buổi tiếp xúc của đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, có cử tri cho rằng, người Trung Quốc đứng tên đất ven biển Đà Nẵng là một thực trạng đáng lo ngại.

Theo đó, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực Sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn) hiện có 246 lô đất. Trong số này có 21 trường hợp người Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, trả lời kiến nghị cử tri thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại các địa phương.

Bộ Xây dựng khẳng định pháp luật về quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam đến nay đã được xây dựng tương đối đồng bộ và đầy đủ. “Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại các địa phương như kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ”, đại diện Bộ Xây dựng cho biết.

Châu Anh/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận