Hôm nay đã bước sang ngày thứ năm, hàng ngàn hộ dân sống trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Trì...hoang mang khi nhận thấy rõ mùi khét lẫn với mùi thuốc sát khuẩn clo trong nước sinh hoạt của mình.
Trong khi đơn vị sản xuất nước sạch sông Đà là Viwasupco vẫn im lặng, cơ quan chức năng TP.Hà Nội chưa có khuyến cáo nào và vẫn chờ kết quả phân tích mẫu nước do Sở Y tế Hà Nội thực hiện phải tuần tới mới có, thì người dân vẫn phải sống chung với nước sinh hoạt nặng mùi hóa chất.
Sự vào cuộc, xử lý quá chậm chạm của các cơ quan chức năng của TP Hà Nội khiến người dân sóng trong bất an và lo lắng.
Dân lo lắng, vừa dùng vừa ngóng cơ quan chức năng
Bất an và lo lắng là tâm trạng chung của những người dân dân tại các quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân và huyện Hoài Đức trong mấy ngày qua khi nguồn nước sạch sinh hoạt cấp đến khu vực có "mùi lạ". Theo người dân phản ánh thì nước máy có mùi khét và hắc như khói đốt đồ nhựa.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN trong ngày 13/10, tức là 05 ngày sau khi người phát hiện sự việc, tình trạng nước sinh hoạt nặng mùi hóa chất vẫn tiếp diễn.
Người dân ở nhiều khu vực bị ảnh hưởng từ mấy ngày nay đã phải hạn chế dùng nước sinh hoạt, thậm chí khóa van nước vì sợ nhiễm độc. Có gia đình cho nước qua máy lọc trước khi dùng. Nhiều nhà phải mua nước về sử dụng làm nước ăn và nước sinh hoạt. Tình trạng này kéo dài khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng.
Nhiều toà chung cư đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng nước từ vòi để uống và nấu ăn. Đây không còn là sự việc riêng lẻ nữa mà là sự số trên diện rộng ảnh hưởng tới cả ngàn gia đình. Vì biết đâu, chỉ lọc được tập chất chứ nếu có độc tố thì sao lọc hết được?.
Tại các khu đô thị Linh Đàm, chung cư Kim Văn - Kim Lũ, chung cư HUD3 Linh Đàm tiếp tục phải dùng nước từ xe téc chuyển đến theo nguồn kinh phí của tòa nhà mua về để ăn uống. Còn nước sinh hoạt cấp nguồn nước sạch sông Đà chỉ để rửa tay chân, dội nhà vệ sinh, tắm xong phải lấy nước từ xe téc tráng lại.
“Thất vọng nhất là cơ quan chức năng không có khuyến cáo nào cho dân chúng tôi dù nước sinh hoạt có vấn đề đã vài ngày nay. Dù không yên tâm nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác, vẫn phải dùng nước nặng mùi hôi hôi, khét khét”, ông Thân Thế Linh (cư dân chung cư HH Linh Đàm) bức xúc.
Một số người dân ở Linh Đàm có con nhỏ học tại Trường tiểu học Chu Văn An lo lắng về chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo nên đã thống nhất trong hội phụ huynh mua nước từ xe téc chở đến trường để nấu ăn cho các con.
Tại một số khu dân cư thuộc quận Thanh Xuân, Hà Đông, người dân không thể ăn được cơm canh đã nấu từ vòi nước sinh hoạt do nước có mùi hắc như mùi keo dán ống nước.
Điều đáng nói là tình trạng nước máy có vẩn đục, có mùi khét nồng nặc đã được người dân phản ánh và có ý kiến đến cơ quan chức năng nhưng chưa có câu trả lời.
“Khi tôi mở vòi nước tôi thấy màu vàng đen xì, ra cả cặn, bốc mùi hôi tanh, thực sự khó ngửi, khó chịu. Gần một tuần nay nhà tôi không có nước sinh hoạt, con cái tôi không có nước để tắm giặt, ảnh hưởng đến sinh hoạt của chúng tôi. Phải mua nước ở ngoài dùng mà không biết bao nhiêu cho đủ. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến để kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn đang chờ để giải quyết”, chị Thu Hà, cư dân khu chung cư The Sparks cho biết.
Tại các khu vực quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và huyện Hoài Đức...người dân cũng hoang mang về nước sinh hoạt lấy từ nguồn cung cấp của Viwasupco.
Nhiều người dân ở quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, Hoài Đức chọn cách xin nước giếng khoan lọc của những gia đình có giếng, hoặc nước mưa, hay mua nước đóng bình... để tránh hoặc hạn chế dùng nước sạch sông Đà. Một cách khác của không ít gia đình là sơ tán về quê hoặc đến nhà người thân ở vùng không dùng nước sạch sông Đà do Viwasupco sản xuất để tá túc.
Sự chậm chạm của các cơ quan của Hà Nội
Được biết trong chiều ngày 12/10, đoàn liên ngành thành phố Hà Nội gồm Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố và các đơn vị cung cấp nước sạch sông Đà đã đi kiểm tra “chớp nhoáng”, lấy mẫu nước tại ba địa điểm là: Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), bể chứa trung gian tại huyện Thạch Thất và tại Nhà máy nước sông Đà (tỉnh Hoà Bình).
Đại diện đoàn kiểm tra, ông Lê Văn Du, Phó phòng Hạ tầng kỹ thuật đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Ngoài việc lấy mẫu nước để kiểm tra, đoàn đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà cung cấp toàn bộ nhật ký lịch trình cung cấp nước và quy trình quản lý vận hành cấp nước những ngày vừa qua, trong đó có lịch trình, số lượng các loại hoá chất đã sử dụng.
“Hiện kết quả đang được Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội làm xét nghiệm, sang tuần có kết quả chính xác sở mới có thông tin chính thức về nội dung này. Nguyên nhân ban đầu sau khi lấy mẫu nước, trong quá trình quản lý vận hành, mức độ clo đang ở mức độ cao trong quy chuẩn cho phép. Quy chuẩn giới hạn 0,2mg/l, nhưng hiện nay đang duy trì ở mức 0,5-0,8 mg.l nên có mùi clo còn lưu, chứ chưa thấy có hiện tượng gì khác. Kiểm tra nhà máy thì nhà máy đang hoạt động bình thường, ổn định”, ông Du cho hay.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi, vì sao một sự việc liên quan đến cả nghìn gia đình, tính mạng của rất nhiều người, nhưng các cơ quan chức năng quá thờ ơ và xử lý một các lề mề, khiến người dân càng lo lắng.
“3, 4 ngày nay, nguồn nước sạch nhiều khu vực của Hà Nội có mùi rất kinh khủng, giống như mùi nước bể bơi, sặc sụa, kinh hãi. Không nói đến nấu nướng, chỉ rửa tay mùi hóa chất bám rất lâu, rất kinh rồi. Mấy nay nhà tôi buộc dùng đến nước lavie để nấu ăn. Mà bắt buộc phải tự nấu ăn, không thể ăn ngoài vì chắc chắn nhà hàng họ cũng phải dùng nước đầy mùi hóa chất để nấu nướng”, anh Lê Nam ở khu HH2E Dương Nội bức xúc.
“Đơn vị cung cấp nước sạch là Viwaco nói đang kiểm tra, chờ kết luận của các cơ quan chuyên môn. 3, 4 ngày rồi, không thấy cơ quan có chuyên môn nào lên tiếng. Chính quyền các cấp của Hà Nội cũng lặng thinh đến mức khó hiểu. Giả sử mùi nước lạ có chất độc thì 3,4 ngày đã đủ "giết" cả ngàn người. Dân chúng tôi biết phải làm sao?”, chị Mai Thu ở Mỗ Lao, Hà Đông đặt câu hỏi.
Một chuyên gia về khoan và môi trường ngành nước trao đổi với phóng viên VOV, ông đặt ra 2 giả thiết: Thứ nhất là do hệ thống xử lý nguồn cấp đầu vào có vấn đề. Thứ 2 là hệ thống ống nước cấp có vấn đề.
Với hệ thống bể lọc lắng đầu nguồn bị lỗi, dẫn đến không lọc hết hóa chất xử lý nước là clo, dẫn đến còn mùi clo.
Còn nếu, không phải do hệ thống xử lý đầu vào thì do hệ thống đường ống có vấn đề, bị bục, hở đường ống dẫn đến bị nhiễm tạp chất.
“Nhưng, dù sao thì đây là nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân, cần nhanh chóng vào cuộc xác minh. Xem tạp chất, mùi trong nước là gì, có độc hại hay không và khuyến cáo người dân có được dùng hay không. Việc xử lý chậm chạp, có phần tắc trách của các cơ quan như vậy là không ổn…”, vị chuyên gia ngành nước (xin không nêu tên) nói.
Trong ngày 13/10, phóng viên VOV đã tìm nhiều cách liên hệ, tìm sự phản hồi về tình trạng bất thường của nước sạch từ Viwasupco cũng như các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội nhưng đều không có kết quả, hoặc không nghe điện thoại.
Trong khi chờ kết luận của cơ quan chức năng và y tế về chất lượng nguồn nước thì việc người dân nhiều nơi ở Hà Nội đang hàng ngày phải mua nước đóng bình để ăn uống chỉ là giải pháp tình thế, cực chẳng đã.
Khoảng 70.000 người giữa lòng Thủ đô đang hoang mang lo lắng về chất lượng nguồn nước sinh hoạt là câu chuyện chưa có lời giải.
Còn nhớ đám cháy ở công ty Rạng Đông được dập tắt ngay ngày hôm sau, nhưng "đám cháy" hoang mang trong dân chúng thì còn rất lâu sau đó. Bài học về sự chậm trễ xử lý và công bố kết quả ô nhiễm vẫn còn đang rất nóng.
Nguyên nhân gì, nước đó có đảm bảo an toàn hay không là câu hỏi của cả nghìn người dân đang rất cần được trả lời.
Theo Phi Long/VOV.VN