Học cách 'buông' để con trưởng thành

Trong một xã hội tiềm ẩn nhiều mối nguy, cha mẹ có xu hướng bao bọc con quá mức. Điều này sẽ gây những tác hại không nhỏ cho quá trình trưởng thành của trẻ.

 

Có nên bao bọc con quá mức?

Dù con đã học lớp 10 nhưng chị Thùy Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn ngày ngày đèo con đến trường và đến các lớp học thêm. Những buổi dã ngoại của lớp, của trường hay sinh hoạt ngoại khóa, chị Linh hầu như không cho con tham gia. Chị Linh lý giải về điều này như sau: “Ngày nào cũng nghe tin về các vụ tai nạn giao thông khiến tôi rất sợ. Rồi là đủ mọi thứ tệ nạn xã hội rình rập nên tôi không thể yên tâm khi con rời xa tầm tay của  mình. Tôi chấp nhận mất công một chút để đưa đón con nhưng đổi lại là sự yên tâm. Còn dã ngoại thì gia đình có xe riêng, con muốn đi đâu có bố mẹ đưa đi, lo cho con mọi thứ từ bữa ăn đến giấc ngủ chẳng sướng hơn sao”.

Kết quả là Minh Tú (con của chị Linh) khá nhút nhát. Trong lớp, con không hòa đồng mà chỉ chơi với một vài bạn ngồi gần. Bất kỳ việc gì dù lớn hay nhỏ Tú đều không thể quyết định được mà đều gọi điện xin ý kiến bố mẹ. Ở trường hay về nhà, Minh Tú cũng chỉ thích quanh quẩn trong 4 bức tường mà không muốn ra ngoài giao lưu, gặp gỡ mọi người.

Theo các chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ không được chơi ngoài sân sẽ chẳng bao giờ bị ngã và chúng không biết việc bị ngã sẽ đau như thế nào. Điều này trở thành rào càn khiến chúng không dám thỏa sức làm những điều chúng muốn. Trẻ con nên được biết ngã để biết tự đứng dậy, nên bị xước xát để hiểu rằng nó đau đớn ra sao, phòng tránh nó thế nào. Những đứa trẻ thiếu trải nghiệm sẽ không hoàn thiện được kỹ năng của mình để làm chủ cuộc sống, để trở thành những lãnh đạo sau này. Việc bao bọc con quá mức khiến trẻ mất đi sự dũng cảm đối mặt với những khó khăn của cuộc sống.

Những đứa trẻ thiếu trải nghiệm sẽ không hoàn thiện được kỹ năng của mình để làm chủ cuộc sống, để trở thành những lãnh đạo sau này. Ảnh TruBe

Nới dần sự tự do khi con trưởng thành

 TS. Ernest Wong (Singapore) với hơn 35 kinh nghiệm giảng dạy và thường được mời đến Việt Nam giảng dạy những lớp học về kỹ năng sống chia sẻ, không ít phụ huynh đang mắc sai lầm là khi con còn nhỏ thường để cho con tự do thoải mái được làm những điều các con thích, không ép buộc phải thế này hay thế khác. Hệ quả là khi lớn lên, con không có kiểm soát, không có giới hạn, không tuân theo kỷ luật, chỉ thích làm theo những thứ các con thích. Tầm con 12-13 tuổi thấy con bừa bãi, không có kỉ luật, bố mẹ mới giật mình tìm cách khép con vào khuôn khổ thì rất khó. Lúc đó, con không đồng ý với mình nữa đâu, con sẽ tìm cách chống đối, thậm chí có đứa còn dọa bỏ nhà ra đi.

Vì thế lời khuyên của TS. Ernest Wong là khi con còn nhỏ, bố mẹ cho con ít sự tự do thôi, hãy khép con vào kỷ luật và biết tuân theo quyết định của người lớn. Tất nhiên, bố mẹ vãn phải lắng nghe cảm xúc của các con nhưng đặt ra giới hạn cho phép con được làm gì và không được làm gì. Sự tự do sẽ được nới dần khi các con khôn lớn, cho đến khi con đủ kỹ năng và kiến thức thì bố mẹ hãy cho chúng tự quyết định việc của mình.

Nhà văn Hoàng Anh Tú nhận xét, sự bao bọc quá mức của các bậc phụ huynh sẽ khiến đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi. Sự bao bọc quá mức này thể hiện ở những biểu hiện sau: Trẻ con thì phải được vui chơi nên cha mẹ làm bài tập về nhà cho con; Trẻ con chưa biết gì nên cha mẹ theo sát con mọi lúc; Trẻ con chưa hiểu biết (nên cha mẹ) tham gia giải quyết mọi tranh cãi của con cái; Trẻ con đứa nào chả hiếu động nên cha mẹ không bao giờ trách phạt khi con hư, có lỗi; Trẻ con non nớt, vụng về nên cha mẹ không cho con làm việc nhà; Trẻ con mỏng manh, dễ tổn thương nên cha mẹ ngăn cản con không gặp thất bại; Trẻ con chưa đủ lớn nên cha mẹ không tập trung được vào công việc khi con đi học hay đi chơi; Trẻ con thì biết cái gì nên cha mẹ không cần để ý tới ý kiến hay cảm xúc của con; Không để con đưa ra sự lựa chọn phù hợp lứa tuổi; Giám sát con kể cả khi tham gia ngoại khóa.

“Khi các con còn nhỏ, bố mẹ cho các con ít sự tự do, khép con vào kỷ luật, giới hạn và biết tuân theo quyết định của người lớn. Sự tự do sẽ được nới dần khi các con khôn lớn, lúc đó các con sẽ biết trân trọng sự tự do mà chúng có” TS. Ernest Wong.

Theo nhà văn Anh Tú, xã hội thời hiện đại 4.0 đã chứng kiến quá nhiều thay đổi. Lũ trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách trong tương lai mà kiến thức của bố mẹ làm sao đủ, đúng và chuẩn khi mà chúng ta vẫn chỉ đang là 2.0, 3.0. Đơn cử như việc ăn uống cho con hay cách sử dụng thuốc, chăm sóc sức khoẻ con cái cũng khác khi thế giới đã bổ sung, thậm chí khoa học đã tiến bộ thay thế hoàn toàn những kiến thức khoa học cũ. Thế giới của 4.0 vào năm 2022 dự báo sẽ có 75 triệu công việc cũ biến mất và thay vào đó là 133 triệu công việc mới. Chúng ta cứ bao bọc con mãi thì bao giờ con mới có thể tự giải quyết được những thử thách của xã hội khi chúng trưởng thành? Vì thế, bố mẹ hãy học cách “buông tay con” bằng việc tin rằng con chúng ta sẽ ổn thôi, chúng sẽ làm được! Hãy cho chúng cơ hội bước ra bên ngoài, trải nghiệm thế giới xung quanh, học cách tự giải quyết những vấn đề của chính lứa tuổi chúng.

Minh Thư
 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận