Đây là các ý kiến được đưa ra tại buổi Tọa đàm về giá nước do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức sáng 28/11 tại Hà Nội.
Sau vụ nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn hộ dân thuộc nhiều quận, huyện của thủ đô Hà Nội, thông tin tới đây Hà Nội sẽ mua nước của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống với giá cao đang thu hút sự chú ý của dư luận bởi nước là mặt hàng đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe của hàng triệu người dân. Chính vì vậy giá của mặt hàng đặc biệt ấy luôn là vấn đề “nóng” được cả xã hội quan tâm.
Các ý kiến tham dự hội thảo cho rằng, nước sạch và cung cấp nước sạch, bảo đảm chất lượng an toàn đến người sử dụng là vấn đề đang được xã hội quan tâm, ngoài việc đảm bảo này thì giá nước sạch được mọi người dân quan tâm đặc biệt.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, cho biết, tính đến nay, nước ta đã ban hành 5 văn bản Luật, Nghị định, Thông tư liên quan đến giá nước. Tại điểm d, khoản 3, Điều 19, Luật giá năm 2012 quy định nước sạch sinh hoạt do Nhà nước quy định khung giá và mức giá cụ thể. Theo ông Thỏa, đánh giá các Thông tư tính đến nay còn khá phù hợp, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ phải có những chỉnh sửa để phù hợp với tình hình thực tế.
“Có nhiều cái pháp luật quy định có thể là hợp với ngành này nhưng không hợp với ngành khác, trong đó ngành nước là ngành phải đảm bảo an ninh và an ninh có đó có thể còn cao hơn cả an ninh năng lượng. Cho nên có thể phải rà lại để sửa một số quy định liên quan đến cơ cấu tính giá như thế nào? Lãi vay như thế nào? Cái này phải sửa rất nhiều luật chứ không phải chỉ cái hướng dẫn về giá”, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho hay.
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến giá nước như: Vì sao giá nước tại các địa phương lại khác nhau? Làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp và người dân?