Đến Tây Nguyên thưởng thức ẩm thực đại ngàn

Không chỉ được biết đến bởi cồng chiêng và những bản trường ca, sử thi nổi tiếng, Tây Nguyên còn là sự hòa quyện, giao thoa của văn hóa ẩm thực độc đáo để tạo nên bức tranh đa màu đặc sắc của những con người nơi đây.

 

 

 

Hằng năm, vào khoảng tháng ba hoặc tháng tư dương lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, lúa đã đổ đầy gùi, công việc đồng áng được gác lại thì người Tây Nguyên bắt đầu vào mùa lễ hội và chuẩn bị Tết. Tết của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên thường vào thời điểm giao thoa giữa hai mùa mưa và mùa khô, đây là thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo và là thời điểm tốt nhất để tổ chức lễ tạ ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu và cầu cho vụ mùa gieo hạt mới được mưa thuận gió hòa.

Ảnh Rơ Châm Kdam Mơ Ai

Để chuẩn bị đồ cúng tế thần linh trong những ngày tết, người dân thường gieo cấy lúa trên những khoảng ruộng riêng và nuôi nhốt riêng một số gia súc, gia cầm làm thực phẩm cho những ngày này. Bởi theo quan niệm của người Tây Nguyên, những vật phẩm dùng để tế lễ phải là thực phẩm ngon nhất, đẹp nhất và sạch sẽ nhất, được nuôi trồng và chăm sóc cẩn thận nhất. Có như vậy, khi lễ vật được dâng lên thì thần linh mới chứng giám và ban cho họ một cuộc sống yên ổn, sức khỏe dồi dào, no ấm. Vì thế, ẩm thực truyền thống của người Tây Nguyên trở thành đặc sản có sức hấp dẫn nhiều người khi ghé qua đây.

Heo rẫy nướng

Heo rẫy nướng là món ăn phổ biến và là đặc sản của vùng đất Tây Nguyên, món ăn này xuất hiện nhiều trong các dịp lễ, Tết. Heo rẫy là loại heo được người dân Tây Nguyên nuôi thả tự nhiên. Loại heo này khi nướng lên có mùi thơm hấp dẫn rất đặc trưng. Món heo rẫy nướng đúng chuẩn người Tây Nguyên chỉ nặng khoảng 5-8kg, có lớp da mỏng, nhưng giòn, ít mỡ; thịt bên trong mềm và ngọt nhưng rất săn chắc.

Ảnh Rơ Châm Kdam Mơ Ai

Người dân ở Kon Tum thường chế biến heo rẫy thành hai món ăn thuộc hàng hảo hạng, gồm có heo rẫy nướng muối ớt và heo rẫy nướng cao nguyên nức tiếng. Với món heo rẫy nướng cao nguyên thì heo rẫy được làm sạch và tẩm ướp khá nhiều loại gia vị: củ nén, gốc mùi, ngò gai, ớt, sả,...

Để lớp da heo bên ngoài khi quay vẫn giữ được màu vàng óng bắt mắt thì những người nướng heo thường phết lên một lớp hỗn hợp nước so-da cùng mạch nha, nước cốt chanh hoặc mỡ nước pha loãng với hạt nêm. Cuối cùng than hồng được đốt lên và tiến hành nướng thịt heo rẫy. Khi chín, thịt heo rẫy tỏa mùi thơm béo đặc trưng quyện cùng mùi gia vị tẩm ướp trước đó, lớp mỡ mỏng sẽ cháy tan để lại lớp da chín giòn cùng lớp thịt nạc béo ngậy, ăn không ngán. Ăn kèm với heo nướng là các loại lá lộc vừng, lá bơ, lá chanh non... Nhưng thứ quyết định hương vị, sự độc đáo của món heo nướng này là muối chấm. Theo khẩu vị của người Tây Nguyên thì thịt nướng càng thơm thì muối ớt càng cay.

Độc đáo món ăn từ tổ kiến

Từ tổ kiến, người Tây Nguyên có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, như món muối kiến vàng, món gỏi kiến đu đủ...

Anh Rơ Châm Kdam Mơ Ai chia sẻ, nói đến món gỏi kiến đu đủ, người dân Tây Nguyên ai ai cũng biết. Để làm được món này việc đầu tiên là săn kiến vàng. Những chàng trai sẽ đảm nhận vai trò lên rẫy, vào rừng để săn tổ kiến vàng. Thời gian săn tổ kiến thường từ tháng 10 đến tháng 2 hằng năm, bởi theo quan niệm của người dân, đây là thời điểm lấy tổ kiến vàng sạch nhất. Thời gian bắt kiến từ 5h - 9h sáng, vì thời điểm ấy có sương đọng lại không gây động đến các tổ kiến khác. Khi bắt kiến, người Tây Nguyên sẽ dùng bao hoặc gùi. Chỉ chọn những tổ lớn, lá trên tổ hơi vàng thì chắc chắn tổ đó có trứng.

Ảnh Rơ Châm Kdam Mơ Ai 

Bắt kiến tuy dễ nhưng cũng khá nguy hiểm, xếp về độ nguy hiểm chỉ sau tổ ong vò vẽ, đụng vào tổ thì kiến vàng ùa ra, không xuống cây kịp thì bị kiến vàng cắn, vết cắn sẽ sưng tấy và đau nhức mấy ngày. Vì thế, người được chọn bắt tổ kiến thường phải là trai tráng khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ngoài ra, phải biết cách bắt để giữ được độ chua của kiến. Khi bắt kiến thì 1 người cầm bao hoặc gùi, 1 người cầm tổ kiến giũ giũ cho kiến rơi vào bao, gùi là được. Tiếp đó, người cầm bao, gùi lắc giũ nhiều lần cho kiến bắn ra chất chua, chất chua càng bắn ra nhiều càng tốt. Lúc đấy kiến sẽ chết và dính keo lại. Sau đó, đem về nhà ngâm rửa, nhặt hết lá cây còn sót lại, làm sạch, phơi 1 nắng là được.

Khi đã có tổ kiến, sẽ hái ớt, đu đủ xanh rồi bắt tay vào làm món gỏi đu đủ. Đu đủ gọt bỏ vỏ, bằm nhỏ, rửa hết nhựa và cho vào cối giã chung với muối ớt, bột ngọt, sau cùng cho kiến vào. Vị chua chua của kiến quyện với cay của ớt, giòn giòn của đu đủ tạo nên hương vị ngon tuyệt, nhớ mãi bởi không lẫn vào hương vị của bất cứ món ăn nào.

Ảnh Rơ Châm Kdam Mơ Ai 

Trong các bữa ăn hằng ngày của người Tây Nguyên không thể thiếu các loại muối chấm, đặc biệt là muối kiến vàng. Nguyên liệu để làm muối kiến gồm: muối, bột ngọt, ớt, sả, riềng, lá é, kiến vàng... giã nhuyễn sẽ tạo thành một loại gia vị chấm vừa cay, vừa chua. Muối Kiến vàng có thể ăn không hoặc ăn với cơm trắng, dùng chấm rau luộc, thịt luộc, hoặc bò, heo nướng... Vị cay của ớt, mặn của của muối và đặc biệt chua thanh thanh, nồng nồng, béo béo, ngòn ngọt của kiến vàng sẽ làm cho ai một lần được nếm qua chắc chắn sẽ không bao giờ quên được hương vị độc đáo này.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận