Đối phó Covid chớ lơ là ngăn bạo lực gia đình

Trong thời gian ứng phó với dịch Covid-19, không ít người vừa loay hoay tìm kế sinh nhai vừa phải tìm cách ứng phó với bạo lực trong gia đình.

 

Bị bạo lực nhưng không tìm được sự trợ giúp

Chị V.T.L (Kiến Thụy, Hải Phòng) chia sẻ, nếu trước đây thỉnh thoảng chị mới bị chồng đánh thì trong những ngày ở nhà vì bị mất việc làm chị bị đòn như cơm bữa. “Chồng tôi là thợ xây, do dịch Covid-19, anh ở nhà dài ngày nên tâm trạng luôn cáu bẳn. Vợ con làm gì không vừa ý là quát tháo. Các con nhìn thấy bố là nơm nớp lo sợ, muốn tránh bố cũng không được vì các con cũng phải nghỉ học ở nhà. Còn tôi cứ làm gì không vừa ý là bị chồng đánh. Điều làm tôi lo lắng là trước đây khi thấy nhà tôi phát ra tiếng chửi bới, tiếng ném đồ đạc là hàng xóm chạy sang can thiệp. Tuy nhiên hiện nay do lo ngại dịch bệnh, khi tôi bị chồng đuổi đánh, dù đã kêu cứu rất to nhưng không ai dám chạy sang” - chị L bày tỏ.

Chị N.T.H (Phủ Lý, Hà Nam) lo lắng, không biết dịch bệnh còn kéo dài đến bao giờ để chị hết cái cảnh cuộc sống như địa ngục trong gia đình. Chồng chị tuy không đánh đập chị nhưng rảnh rỗi lại quay ra soi mói. Anh vào facebook vợ rồi tra xét từng bức ảnh cũ chị đã đi đâu, đi với ai, đi làm gì. Ai gọi điện, nhắn tin là chồng chị lại tra hỏi. Nếu trả lời không thoả đáng thì chị bị chồng chửi là con nọ con kia, rồi cho rằng chị có tính lăng nhăng, lấy lý do đang dịch bệnh để không cho chị ra ngoài. Đã thế, ngày nào chồng chị cũng đòi hỏi chuyện vợ chồng, nếu chị mệt không đáp ứng là chồng chị lại chửi bới.

Chị Vũ Thị Tuyết Ánh, tư vấn viên Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết, thời gian này CSAGA nhận dược trên 100 cuộc gọi tư vấn mỗi ngày, tăng 87% so với trước. Ở nhà lâu ngày bức bối dẫn tới stress, mâu thuẫn gia đình tăng vọt khi vợ chồng, con cái phải đối diện với nhau, khi kinh tế gia đình không được đảm bảo. 2 vợ chồng phải học cách thích nghi với cuộc sống mới mà chưa có sự chuẩn bị. Họ phải ở nhà nhiều trong khi chưa biết phải làm gì để thích nghi với tình cành mới, dẫn tới khủng hoảng cho cả nam và nữ, gây khó khăn về tâm lý cho cả hai giới. Điều lo ngại là khi bạo lực xảy ra, nạn nhân khó nhận được sự trợ giúp hơn trước do hàng xóm lo sợ dịch bệnh nên ngại tiếp xúc, chính quyền địa phương thì phải dồn lực để đối phó với dịch bệnh nên lơ là những vấn đề xã hội khác.

Nhà báo Hàn Ni (TP.HCM) chia sẻ, giai đoạn này chị nhận được nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn những xung đột nảy sinh trong cuộc sống vợ chồng. Tuy nhiên chị chỉ đồng ý tư vấn khi có sự tham gia của cả hai vợ chồng. “Nếu tư vấn cho một người thì sự chênh lệch về kiến thức xã hội, pháp luật sẽ càng tạo ra khoảng cách giữa hai người. “Tôi thường yêu cầu bật loa để hai vợ chồng ngồi nghe bởi tiếng nói từ hai phía sẽ khách quan hơn và như thế khi đưa ra lời khuyên cũng chính xác hơn. Hơn nữa khi họ cùng ngồi nghe tư vấn, họ sẽ có cùng một cấp độ cảm xúc, suy nghĩ, hiểu biết nên dễ có sự đồng cảm với nhau hơn” - chị Hàn Ni nói.

Hãy tìm sự trợ giúp khi cần thiết

Mới đây, CSAGA đã tổ chức tọa đàm “Bạo lực giới thời Covid-19”.  Tham gia buổi tọa đàm, đạo diễn, diễn viên Vượng râu chia sẻ: “Thời gian dịch bệnh, nhất là đợt cách ly xã hội, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, vợ chồng và 3 đứa con đều ở nhà. Ngày nào cũng vậy, ngày ăn ba bữa rồi nhìn mặt nhau, không được ra ngoài giao lưu với người thân, bạn bè. Những lúc như thế này mà không giữ được thái độ bình tĩnh, an nhiên với cuộc sống thì rất dễ dẫn đến xung đột giữa các thành viên. Chúng tôi bảo nhau hãy bớt để ý nhau, ai ngủ nướng cứ ngủ, ai làm gì cứ làm, chứ trong lúc này mà soi mói nhau hay khuôn phép quá sẽ rất căng thẳng. Chúng tôi bày ra những việc để cùng làm, ví như cùng nhau gói bánh, làm bánh, hát hò. Cứ tự nhủ đây là giai đoạn hưởng thụ, sống ẩn mình đi, buông bỏ hết mọi thứ sẽ thấy nhẹ nhàng hơn”.

Nhà báo Hàn Ni cho biết, khoảng thời gian này chị dành để làm những việc chị thích, là thời gian sống chậm để tận hưởng cuộc sống. Nếu không hiểu điều đó, cứ đứng núi này trông núi nọ sẽ rất căng thẳng, mệt mỏi. Hãy coi đây là khoảng thời gian quý báu mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Có thể nghĩ ra những việc để cùng làm, cùng chơi, thậm chí cá cược với nhau để thêm hứng thú.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA nhận định, không phải vì dịch bệnh mà các vấn đề xã hội khác dừng lại. Bạo lực vẫn tồn tại, thậm chí có sự chuyển biến phức tạp. Thế nhưng đôi khi những lời kêu cứu của các nạn nhân không được xử lý kịp thời và thỏa đáng. “Tôi mong muốn mỗi gia đình có thể tìm ra phương pháp, cách thức để sống vui vẻ với nhau trong mùa dịch bệnh.  Mỗi thành viên cần tự điều chỉnh tâm lý, giảm căng thẳng không cần thiết, hạn chế xung đột dẫn đến bạo lực gia đình. Tuy nhiên, nếu bạn bị bạo lực thì hãy chia sẻ, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ chứ không phải cố gắng chịu đựng” - bà Vân Anh lưu ý.

“Để tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực gia đình, các tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, các trung tâm hỗ trợ cũng nên triển khai hình thức hỗ trợ online để các nạn nhân có thể nhanh chóng tìm kiếm được sự giúp đỡ và đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không nên lơ là nhiệm vụ này ngay cả khi đang phòng chống dịch bệnh” - TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.

Minh Thư 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận