Thất nghiệp, người lao động lao đao

Hàng vạn công nhân, người lao động làm việc tại các nhà máy, công xưởng, cơ sở dịch vụ… vẫn chưa thể trở lại với cuộc sống bình thường bởi lý do chung: Mất việc

 

Hơn 2 tháng kể từ khi chấm dứt giãn cách xã hội, hàng vạn công nhân, người lao động làm việc tại các nhà máy, công xưởng, cơ sở dịch vụ… vẫn chưa thể trở lại với cuộc sống bình thường bởi một lý do chung: Mất việc.

Người lao động lao đao

Khoảng 18h hằng ngày là thời điểm người lao động tấp nập trở về các khu nhà trọ sau một ngày làm việc như thường lệ. Vậy nhưng những ngày giữa tháng 7/2020, cánh cửa ngoài các khu nhà trọ quanh khu vực đường Tân Khai, Lĩnh Nam (Hà Nội) vẫn im lìm cùng tấm biển báo “còn phòng cho thuê”.

Một chủ nhà trọ trên đường Lĩnh Nam cho biết: Nhà trọ để không suốt mấy tháng dịch Covid-19. Sau thời gian giãn cách xã hội, khách thuê trọ có trở lại nhưng giảm đi một nửa. Nhiều khách thuê lâu dài, có cặp vợ chồng thuê trọ ở đây đã vài năm nhưng cũng không quay lại, dù đã đặt tiền giữ chỗ suốt 3 tháng dịch, nghe bảo hết dịch công ty không ký tiếp hợp đồng lao động. Khách thuê trọ hiện nay hầu hết là sinh viên và người lao động tự do. Công nhân, người làm thuê trở lại rất ít, hoặc thuê nhà nhưng để chờ xin việc mới hoặc làm lao động tự do, xe ôm… Vậy nên khu trọ hơn chục phòng, giờ một nửa không có người thuê.

Khu vực du lịch, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng. Ảnh: T.C

Cũng tại Lĩnh Nam, phóng viên Báo TNVN gặp chị Vân (quê Thanh Hóa) khi chị đang may vá đồ cũ bằng chiếc máy may trong gian phòng trọ nhỏ của 2 vợ chồng. Chị Vân chia sẻ: “Trước dịch Covid-19, 2 vợ chồng em thuê làm cho 1 xưởng gia công bao bì ở Thanh Trì. Hết dịch thì cũng hết việc, giờ ở nhà may vá vặt cho người dân xung quanh, chồng thì chạy xe ôm”.

Sau thời gian nghỉ hơn 2 tháng do dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Châm (Nam Trực, Nam Định) trở lại nhà máy và nhận được thông báo, chị nằm trong số 2.000 công nhân phải nghỉ việc do nhà máy không có việc làm. Chị Châm cho biết: nhà máy nơi chị làm việc có khoảng 3.000 công nhân, chuyên sản xuất túi xách xuất khẩu. Sau thời gian nghỉ dịch, 2/3 số công nhân bị chấm dứt hợp đồng do không có việc làm. Số còn lại cũng chỉ làm việc cầm chừng, thu nhập sụt giảm nhiều. “Chồng em làm cho một nhà máy sản xuất giày da tại thành phố Nam Định và cũng bị chấm dứt hợp đồng nên rất khó khăn. Trước kia 2 vợ chồng cùng làm, cả tiền tăng ca thì mỗi tháng thu nhập khoảng 12 triệu đồng. Nay mất việc, khoản hỗ trợ 1,8 triệu đồng của nhà nước như công ty thông báo sẽ chi trả cũng chưa thấy đâu. Gia đình hiện lâm vào khó khăn”, chị Châm lo lắng.

Làm cùng nhà máy da giày với chồng chị Châm, chị Đào may mắn hơn khi xin được việc làm mới tại một xưởng may của tư nhân. Tuy nhiên, để có được công việc này, chị phải chấp nhận làm việc với mức lương chỉ bằng hơn một nửa mức lương trước kia ở công ty cũ, cho dù chị là thợ có tay nghề cao: “Có việc làm là may lắm rồi, ở xã em bây giờ thanh niên thất nghiệp nhiều lắm, về quê quanh quẩn ruộng vườn thì sống sao được, làm gì có tiền cho con cái học hành…”.

Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và việc làm của người lao động, khiến gia tăng tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm.

Tỷ lệ lao động thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 30,8 triệu người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập, thất nghiệp...

Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 ngàn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động.

Trở lại với công việc bình thường là mong ước của nhiều lao động. Ảnh: T.C

Cụ thể, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. “Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) đánh giá.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 525 ngàn đồng so với quý trước và giảm 279 ngàn đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%). Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng tới 16,6%.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, một trong những địa phương có số lượng người lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp cao nhất cả nước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nửa đầu năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 150.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng, 54.000 lao động nghỉ việc không lương. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận hơn 57.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó gần 50.000 lao động đã có quyết định hưởng trợ cấp.

Còn tại Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lượt người, đạt hơn 38% kế hoạch, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỉ lệ giải quyết việc làm thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong tháng 5, tháng 6, ngành may mặc xuất khẩu của Việt Nam mất 50% đơn hàng, còn lại là hoãn, chuẩn bị hủy, chậm giao hàng và chậm thanh toán. Giá sản phẩm giảm 20%. Tổng cục Thống kê khảo sát 3.143 doanh nghiệp may cho thấy số lao động còn giữ lại chỉ bằng 20% so với năm ngoái.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - cho biết những thông số khá bi quan: Sức mua hàng thời trang trên thế giới sẽ tiếp tục chiều hướng giảm. Chuỗi cung ứng đứt gãy và thiết lập mới, các nhà bán lẻ sẽ chú ý yếu tố “gần cận” hệ thống phân phối. Những nước hùng mạnh về lực lượng lao động giỏi nghề, giá nhân công “mềm” như Việt Nam bị mất ưu thế, vì không còn những đơn hàng lớn, không cần lực lượng công nhân đông nữa. Các nước gia công với giá lao động rẻ hơn, mới nổi, như Myanmar, Campuchia... sẽ đóng cửa nhà máy và mất việc hàng loạt.

Tổng cục Thống kê bày tỏ lo ngại khi tỷ lệ thất nghiệp trong quý II năm 2020 là 2,73%, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị là 4,46%, cao nhất trong vòng 10 năm qua./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận