Người lao động chật vật tìm việc làm mới

Dự báo từ nay đến cuối năm, trung bình mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 120 nghìn người mất việc làm, chủ yếu là lao động ngành dịch vụ và du lịch.

 

Theo Cục việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), do ảnh hưởng của dịch Covid 19, chỉ trong quý 2/2020 đã có 1,3 triệu người trong độ tuổi lao động mất việc làm. Dự báo từ nay đến cuối năm, trung bình mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 120 nghìn người mất việc làm, chủ yếu là lao động ngành dịch vụ và du lịch. Những ảnh hưởng nghiêm trọng đã khiến cuộc sống của họ ngày càng khó khăn hơn khi mất đi nguồn thu nhập.

Những ngày này, tại 15 điểm giao dịch việc làm của thành phố Hà Nội vẫn tấp nập người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đợt dịch thứ 2 bùng phát đã “dập tắt” hy vọng được quay trở lại công việc hàng ngày. Không có thu nhập suốt nửa năm qua, anh Nguyễn Văn Nam, lái xe cho một Công ty du lịch chuyên chở khách quốc tế đau đầu trong việc tìm kiếm việc làm.

Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải người lao động đến làm hồ sơ hưởng BHTN.

“Khách nước ngoài họ không được nhập cảnh nên không có khách. Mình đã đi tìm việc rất nhiều nơi, để kiếm việc thì chỉ có chạy ở khu công nghiệp hoặc đưa đón học sinh hoặc chạy xe buýt. Tuy nhiên những người có bằng cao thì mới chạy được xe buýt còn không thì khó xin việc lắm. Hiện tôi vẫn chưa xin được việc vì học sinh đang nghỉ hè còn khu công nghiệp rất nhiều người rồi, giờ lúc mình cần tìm việc thì hơi khó khăn”, anh Nguyễn Văn Nam chia sẻ.

Với nhiều người lao động mối quan tâm nhất lúc này không phải là mức lương bao nhiêu mà là có làm mới có thu nhập. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, bên cạnh chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì việc tư vấn việc làm cho người lao động giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp tạm thời phù hợp sẽ giảm khó khăn trong cuộc sống. Hiện tại các ngành marketting, kinh doanh online, giao hàng vẫn có nhu cầu cao.

 “Một trong những mục tiêu của BHTN là nhanh chóng đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động bằng công tác tư vấn giới thiệu việc làm. Chúng tôi đang thực hiện với mô hình gắn kết hàng ngày, mời lao động đến kê khai tình trạng việc làm hàng tháng để có phân tích xem lực lượng lao động này tập trung vào lĩnh vực ngành nghề nào để giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Tất nhiên việc này cũng phụ thuộc nhiều vào ý thức người lao động có sẵn sàng làm việc không, đó là điều quan trọng nhất”.

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm mới để duy trì cuộc sống.

Dịch Ccovid-19 tái bùng phát, các doanh nghiệp càng lao đao, người lao động mất việc tiếp tục tăng, nhiều nhất là ngành du lịch, dịch vụ. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, hơn 400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động với hàng chục nghìn lao động không có việc làm. Ngành du lịch, dịch vụ khách sạn gần như đóng băng. Đơn cử như khách sạn Fortuna, Hà Nội có 390 phòng nhưng hiện nay chỉ có 10 phòng có khách và 500 người lao động đang phải nghỉ chờ việc hoặc nghỉ hưởng BHTN. Nhân viên Cảng hàng không tiếp tục phải nghỉ luân phiên, giảm lương, các ngành dịch vụ khác cũng trong tình trạng này. 90% người lao động bị giảm thu nhập, có nơi người lao động bị giảm 50%, có nơi giảm 20-30%, kể cả khối nhà nước và khối tư nhân.

Ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, những giải pháp căn bản kèm các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từ Chính phủ sẽ phần nào giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. “Trong bối cảnh như hiện nay, làm sao mà doanh nghiệp giữ được việc làm, người lao động không bị mất việc đã là thành công. Việc này cũng rất khó, không phải để người lao động mất việc hay chờ việc cũng là điều hạnh phúc rồi và cố gắng của doanh nghiệp những cũng khó”, ông Thịnh cho hay.

Thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), riêng quý 2 năm nay, số lao động thất nghiệp trên cả nước là 1,3 triệu người. Hàng nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự báo từ nay đến cuối năm, mỗi tháng sẽ có thêm 110.000-120.000 người mất việc làm, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch, hoạt động lưu trú ăn uống, xây dựng vận tải, chế biến chế tạo, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động. Các doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến sa thải hàng loạt lao động là vấn đề quan ngại nhất hiện nay.

Ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng Cục việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Với tình hình diễn biến của dịch như thế, mặc dù đã có kiểm soát nhưng bây giờ cũng đang có chiều hướng chưa biết thế nào nên chúng tôi dự báo như thế và thấy rằng tình hình khó khăn đến hết năm nay. Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp có phục hồi được nhanh thì cũng phải hết năm 2021. Về phía Chính phủ đã, đang có nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Về phía ngành cũng mong muốn chia sẻ, doanh nghiệp làm thế nào để ổn định sản xuất, duy trì được việc làm cho người lao động, tránh sa thải hàng loạt”.

Các chuyên gia nhận định bức tranh kinh tế năm nay và năm tới vẫn là một “màu xám”, tiên lượng ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Theo ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động-Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), giải pháp cần quyết liệt hơn nữa và có tính bền vững là hỗ trợ yếu tố đầu tư giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động: “Từ Chính phủ đến các đối tượng đều quan tâm chính sách hỗ trợ với mục tiêu giữ được việc làm. Doanh nghiệp có duy trì được việc làm, giữ chân người lao động thì các yếu tố về tâm lý đầu tư, nhập ngành, xuất ngành hay phá sản, hay thành lập doanh nghiệp là những yếu tố ảnh hưởng to lớn. Về phía người lao động cũng cần có sự đồng thuận hay chia sẻ. Đã có nhưng cần thiết phải có tuyên truyền, truyền thông tìm sự đồng thuận để ủng hộ doanh nghiệp, ủng hộ sản xuất để duy trì việc làm cho người lao động”.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp tạm thời như: Cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương hoặc giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm lương và thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Do đó, việc phân tích, dự báo cụ thể về thị trường lao động, tăng cường kết nối với các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, đào tạo nghề là những giải pháp được các địa phương thực hiện đồng bộ để thiết thực hỗ trợ người lao động tìm việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống./.

Kim Thanh/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận