Vắc-xin ngừa Covid-19 của Nga được Tạp chí khoa học uy tín hàng đầu The Lancet đánh giá cao khi cho biết, vắc-xin ngừa Sputnik V đã tạo kháng thể cho tất cả những người tham gia tiêm thử nghiệm trong 2 giai đoạn đầu mà không gây bất cứ vấn đề nào. Tuy nhiên, thành công bước đầu của Sputnik V đã làm gia tăng áp lực cho các nước trong việc tung ra loại vắc-xin nhanh chóng để ngăn ngừa dịch bệnh. Điều này dẫn tới những lo ngại rằng, vắc-xin ngừa Covid-19 có thể được phê chuẩn trước khi chứng minh được tính hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm đại trà.
Trong đăng tải của mình, Tạp chí The Lancet cho biết, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 với vắc-xin Sputnik V được tiến hành trong tháng 6 và tháng 7 năm nay với 76 người tham gia đã tạo ra kháng thể cho tất cả những người tham gia mà không gây bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Theo đó, mức kháng thể ở các tình nguyện viên được tiêm vắc-xin cao gấp 1,4 lần đến 1,5 lần so với kháng thể ở bệnh nhân phục hồi sau khi mắc Covid-19. Mặc dù vậy, bài viết cũng nhấn mạnh vẫn cần các thử nghiệm quy mô lớn và dài hạn để thiết lập tính an toàn và hiệu quả lâu dài của vắc-xin.
Sau khi bài viết được đăng tải, ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết: "Hiện tại chúng tôi đang tập trung sản xuất vắc-xin phục vụ cho người dân Nga. Chúng tôi đang tổ chức sản xuất tại Ấn Độ và các quốc gia khác cho thị trường nước ngoài. Bởi những kết quả thử nghiệm tích cực mà hiện đã có 40 quốc gia đang quan tâm đến vắc-xin ngừa Covid-19 của Nga”.
Hiện các nhà khoa học Nga đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với Sputnik V với khoảng 40.000 người tham gia. Kết quả thử nghiệm dự kiến sẽ được công bố trong khoảng tháng 10 hoặc tháng 11. Hãng thông tấn TASS cho biết, Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya có thể sẽ được cấp phép phát hành lô vắc-xin Sputnik V mới vào tuần tới, nhằm mục đích dân sự.
Để không tụt hậu trong cuộc đua vắc-xin với Nga, Mỹ và Anh cũng đã chấp thuận việc rút ngắn quá trình công bố vắc-xin ngừa Covid-19 đang phát triển tại những quốc gia này.
Theo ông Stephen Hahn, người đứng đầu Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), cơ quan này sẵn sàng cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 trước khi kết thúc giai đoạn 3 của cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người, nếu thấy “lợi nhiều hơn hại”. Ông Stephen Hahn khẳng định quyết định cấp phép khẩn nếu được đưa ra sẽ hoàn toàn dựa trên khoa học, y tế và dữ liệu, chứ không bị tác động bởi yếu tố chính trị, như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Bộ Y tế Anh mới đây cũng cho biết đang tính tới việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo nước này có thể cấp phép cho loại vắc xin trong năm nay nếu có đủ bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả.
Trước khả năng các nước có thể vội vàng phê chuẩn vắc-xin ngừa Covid-19, nhiều chuyên gia cảnh báo, điều này có thể khiến đại dịch Covid-19 tồi tệ hơn vì dễ tung ra thị trường vắc-xin kém chất lượng. Hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã nhấn mạnh sẽ không phê chuẩn một vắc-xin nào chưa chứng minh được độ an toàn và hiệu quả. Trưởng nhóm các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới, bà Soumya Swaminathan nhấn mạnh, các nhà sản xuất không nên bỏ qua các bước cần thiết trong quá trình thử nghiệm.
“Sẽ không có vắc-xin nào được triển khai hàng loạt trước khi các nhà quản lý, các chính phủ và Tổ chức Y tế thế giới chắc chắn rằng các vắc-xin này đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn và hiệu quả", bà Swaminathan khẳng định.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện toàn thế giới có hơn 250 loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang được phát triển và thử nghiệm, trong đó có 7 loại tiềm năng nhất được thử nghiệm lâm sàng trên người ở giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng. Tổ chức Y tế thế giới cho rằng không nên kỳ vọng việc phổ biến vắc-xin ngừa bệnh Covid-19 trước giữa năm 2021./.
Vũ Anh Tuấn/ VOV1
Tổng hợp