Để người cao tuổi sống khỏe, sống vui

Công tác chăm lo cho người cao tuổi trên địa bàn TPHCM luôn đảm bảo 3 tiêu chí: đúng đối tượng, đúng thời gian, đúng định mức, khiến người cao tuổi phấn khởi.

 

Thời gian qua, công tác chăm lo cho người cao tuổi trên địa bàn TPHCM luôn đảm bảo 3 tiêu chí: đúng đối tượng, đúng thời gian và đúng định mức, khiến người cao tuổi rất phấn khởi. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chế độ, chính sách hướng về người cao tuổi cũng đang gặp phải những khó khăn, hạn chế, cần được tiếp tục điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Ước tính hiện nay trên địa bàn TPHCM có hơn 500.000 người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm tỷ lệ khoảng 6,3% dân số toàn thành phố. Với tốc độ già hóa dân số nhanh, dự báo thời gian tới, số người cao tuổi ở TPHCM sẽ tiếp tục tăng nhanh. Năm 2020 là tròn 10 năm thực hiện Luật Người cao tuổi, cũng là năm cuối thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi (2012-2020) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đánh giá của Ban đại diện Hội Người cao tuổi TPHCM, các chế độ chính sách lớn của Đảng, Nhà nước được các cấp, các ngành ở địa phương phối hợp thực hiện tốt.

Quận Tân Bình, TPHCM tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi.

Cụ thể như việc rà soát danh sách hàng năm để chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi làm theo 3 đợt, đảm bảo không sót, đúng đối tượng và kịp thời, đúng theo truyền thống văn hóa của dân tộc. TPHCM cũng có dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà đối với người cao tuổi đi lại khó khăn. Công tác này được thực hiện khá tốt trong thời gian qua, nhất là những ngày cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.   

Bà Trần Mỹ Huệ, Ban đại diện Hội Người cao tuổi quận 2 cho hay: “Một bác sĩ và một y tá đến khám bệnh từng nhà khi mình có yêu cầu. Mình điện thoại báo thì bệnh viện sẽ phân công bác sĩ đến nhà, không tốn tiền gì hết. Khám xong khoảng 2 giờ chiều mình đến bệnh viện lấy thuốc. Còn xét nghiệm máu thì người ta lấy máu tại nhà, rồi mình đến bệnh viện lấy kết quả. Tôi thấy chương trình này rất hay”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm cụ Lê Thị Cách, SN 1927, mẹ VNAH, sinh sống tại quận 1, TPHCM nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/2020).

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Nghê, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi quận Tân Bình, TPHCM, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi ở nơi cư trú được hướng dẫn rất rõ trong Thông tư 35 của Bộ Y tế, yêu cầu các nơi phối hợp thăm khám, kiểm tra sức khỏe, lập sổ theo dõi… Nhưng cái khó là hiện nay lực lượng cán bộ y tế ở TPHCM còn mỏng, nhất là tại các trạm y tế nên công tác này chưa đạt kết quả như mong đợi.

“Việc chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa đảm bảo thống nhất như Thông tư 35, số người được lập phiếu theo dõi chưa đầy đủ. Nhất là người cao tuổi có bảo hiểm y tế, việc phối hợp theo dõi cũng chưa đồng bộ”, ông Đặng Văn Nghê nhấn mạnh.

Đoàn đại biểu TPHCM thăm, chúc thọ người cao tuổi tiêu biểu huyện Bình Chánh nhân ngày Người cao tuổi Việt Nam năm 2020.

Điểm đặc biệt ở TPHCM là tất cả những người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp xã hội khác thì được trợ cấp 380.000 đồng/người/tháng, theo quyết định của UBND TPHCM, cao hơn so với mức chung của cả nước là 270.000 đồng/tháng. Mong muốn chung của đông đảo người cao tuổi ở TPHCM là những người từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi cũng được hưởng trợ cấp của thành phố, bằng với mức chung cả nước là 270.000 đồng/người/tháng.

Một vấn đề khác cũng được nhiều người cao tuổi quan tâm, đó là quy định giảm giá vé tham gia các hoạt động giao thông công cộng hiện nay hầu như không được thông tin rõ ràng, không có hướng dẫn cụ thể. Nếu có cũng chỉ được giảm như những đối tượng khác chứ không được giảm thêm, trong khi điều này được quy định rõ trong Luật Người cao tuổi. Việc tham quan du lịch các danh lam thắng cảnh hiện nay chưa đăng công khai giảm giá vé cho người cao tuổi bao nhiêu phần trăm, thậm chí có nơi không thực hiện.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong mừng thọ 90 tuổi cụ Nguyễn Thị Ớt, ngụ quận 2, nhân ngày Người cao tuổi Việt Nam (6/6/2020).

Ông Võ Hoàng Thu, Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Bình Chánh đề nghị: “Đối với người cao tuổi, việc đi lại rất cần thiết, từ 70-75 tuổi trở đi nhiều người cũng muốn đi xe buýt, phải bố trí chỗ ngồi tiếp đón tận tình, chu đáo, tôn trọng người cao tuổi. Việc giảm giá vé nếu không có CMND thì có thẻ người cao tuổi cũng được giảm giá. Hay các khu vui chơi giải trí cũng vậy, đã có quy định rồi thì nên cố gắng tạo điều kiện cho người cao tuổi được thụ hưởng các dịch vụ vui chơi giải trí”.

Ông Châu Minh Tỷ, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TPHCM cho rằng: Đối với người cao tuổi¸ Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách chăm lo, vấn đề là địa phương phải thực hiện đầy đủ và kịp thời. Ông Tỷ dẫn chứng: người cao tuổi từ 79 lên 80 tuổi được hưởng chế độ hàng năm, làm sao vừa tới tuổi phải được hưởng, tính theo ngày tháng. Khi mừng thọ, ai đến tuổi theo luật quy định là từ 70 tuổi và cách 5 năm được mừng thọ một lần. Tại TPHCM, mỗi năm có 50.000 người được mừng thọ, cho nên công tác này phải làm sao kịp thời và đầy đủ.

“Chủ yếu Hội phải vận động các nguồn lực để chăm sóc cho người cao tuổi. Mỗi năm, xã hội đóng góp chăm lo cho người cao tuổi tổng giá trị khoảng 50 tỷ đồng/năm. Chúng tôi ưu tiên chăm lo cho người cao tuổi khó khăn, cô đơn. Gần đây, TPHCM triển khai CLB liên thế hệ trợ giúp nhau, tạo nguồn hỗ trợ người cao tuổi có hoạt động kinh tế để tăng thu nhập”, ông Châu Minh Tỷ cho hay.

Những người cao tuổi đã dành nhiều năm trong cuộc đời để đóng góp cho xã hội. Chính vì vậy phải làm sao tạo điều kiện để họ được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ cơ bản của đời sống xã hội, có cuộc sống hạnh phúc, tuổi thọ cao và sống khỏe, sống vui trong những năm tháng tuổi già. Do đó, tất cả chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và kế hoạch của UBND các cấp cần có sự phối hợp đồng bộ để tổ chức thực hiện có hiệu quả, rà soát đánh giá, kiểm tra việc thực hiện và đề ra giải pháp mới, tạo sự chuyển biến tích cực, mới mẻ. Có như vậy người cao tuổi mới có thể tiếp tục tham gia đóng góp vào đời sống xã hội bằng những kinh nghiệm, vốn sống và kiến thức được tích lũy./.

Ngọc Xuân/VOV-TPHCM

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận