Cứu trợ người dân vùng lũ: Cần phải trúng và đúng

Cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung đang oằn mình trước thiên tai, bão lũ là nghĩa cử vô cùng cao quý, là truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái...

 

Cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung đang oằn mình trước thiên tai, bão lũ là nghĩa cử vô cùng cao quý, là truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam.

Nhưng để công tác cứu trợ sao cho trúng, cho đúng, cho công bằng và an toàn là trách nhiệm của các cơ quan chính quyền, đoàn thể. Trong những ngày qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Phát quà cứu trợ người dân tại xã Gio Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Tâm An

Thực hiện 4 tại chỗ, đảm bảo hàng cứu trợ đến tận tay người dân

Bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, cho biết, những ngày qua, hàng hóa của một số đơn vị cứu trợ thông qua cơ quan điều phối của tỉnh được phân bổ kịp thời về cho người dân. Tiếp nhận lượng hàng nào thì phân bổ ngay. Nhưng cũng có nhiều đoàn tự phát, đi trực tiếp không thông qua mặt trận và các cơ quan khác, chúng tôi không quản lý được. Việc đó tỉnh cũng đã nhận định thấy từ rất sớm rồi. Nói chung tinh thần, tình cảm của họ thì mình trân quý, ghi nhận; ai cũng muốn kêu gọi, cũng muốn tiếp cận người dân vùng lũ cả. Chính quyền không ngăn cản nhưng không có mối liên hệ để kết nối, hỗ trợ hậu cần nên chuyện hàng hóa dồn ứ đã xảy ra.

Để hoạt động cứu trợ được thông suốt, TƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo các địa phương vùng lũ đang thực hiện công tác 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Theo ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch TƯ MTTQ Việt Nam, công tác cứu trợ còn cần phải truyền thông kịp thời cho mọi người hiểu được tại thời điểm này người dân miền Trung đang thật sự cần gì. Khi tình hình bão lũ chưa ổn định, chúng ta không thể đi xây nhà, hỗ trợ sinh kế... Công tác cứu trợ phải được truyền thông rộng rãi để mọi người bám sát tình hình thực tế của nơi mình đến cứu trợ.

“Công tác cứu trợ cũng cần có tổ chức, tối thiểu phải thông qua tổ chức chính thống để có thể đến đúng nơi, đúng địa chỉ cần cứu trợ, bảo đảm an toàn. Vấn đề này cũng phải truyền thông rộng rãi để những người có mục đích muốn đi làm cứu trợ phải biết được đến đó họ cần liên lạc và gặp ai, phải làm gì. Có như thế, những nghĩa cử cao đẹp, những tấm lòng hảo tâm mới đạt được hiệu quả cao nhất. Thêm nữa, người dân vùng lũ cũng rất mong chờ mọi sự cứu trợ mà không nhận được thì thật đáng tiếc”, ông Hầu A Lềnh bày tỏ quan điểm.

MTTQ tỉnh tổ chức đơn vị tiếp nhận đóng tại các xã, ở địa điểm tương đối thuận tiện để tiếp nhận các đoàn cứu trợ (Ảnh: Phát hàng cứu trợ đến từng gia đình bị thiệt hại do lũ tại Hà Tĩnh)

Theo ghi nhận nhiều ngày qua, gần như cấp cơ sở ở nhiều địa phương vùng lũ bị quá tải. Nhân lực và phương tiện của cấp xã thiếu, vì thế đặt ra vấn đề về vai trò điều phối và huy động của địa phương cấp cao hơn.

Bên cạnh đó, nhiều đoàn thiện nguyện thiếu thông tin, không thuộc địa hình khi đến cứu trợ nên xảy ra tình trạng cứu trợ không đúng đối tượng, nơi thuận lợi thì nhiều đoàn đến trao quà, nơi ngập sâu, khó khăn thì ít ai đến.

Không để nơi ùn ứ, nơi trắng tay

Theo tinh thần Nghị định 64/CP của Chính phủ, MTTQ sẽ thực hiện công tác chủ trì, thành lập các ban cứu trợ tại các tỉnh, thành phố, huyện, xã... Thành viên của Ban cứu trợ gồm các bộ, ban, ngành liên quan và ngoài ra, còn có các tổ chức chính trị xã hội liên quan như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...

Trao đổi với ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, được biết, Hà Tĩnh thành lập Ban Cứu trợ và chỉ đạo các huyện, xã, nhất là 4 huyện thiệt hại nặng nhất là Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh, Lộc Hà thành lập Ban Cứu trợ tại địa phương để sẵn sàng tiếp nhận các nguồn hỗ trợ. Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh tổ chức đơn vị tiếp nhận đóng tại các xã, ở địa điểm tương đối thuận tiện để tiếp nhận các đoàn cứu trợ. Ban Cứu trợ đã công bố số điện thoại tiếp nhận cứu trợ của MTTQ tỉnh, huyện, xã, nhất là các xã bị ngập lụt nặng cần cứu trợ ngay. Nhờ đó, MTTQ trở thành đầu mối để các ngành, các cấp, các cá nhân, tổ chức liên hệ khi cần.

“Tôi nghĩ những cá nhân kêu gọi ủng hộ miền Trung đều xuất phát từ cái tâm muốn làm việc thiện, từ tình thương yêu người dân vùng bị bão lũ. Có thể ban đầu họ không nghĩ rằng sẽ kêu gọi được số tiền lớn như vậy nên đến tận nơi để trao cho người dân. Đó là những tấm gương, nghĩa cử cao đẹp cần nhân rộng.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục cứu trợ tự phát như vậy sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề. Họ có thể đi đến vùng lũ, nhưng chưa chắc vào được những vùng sâu, nơi người dân đang thực sự cần cứu trợ. Từ đó cộng đồng sẽ sinh ra sự so bì, cảm giác nơi này được quan tâm, nơi khác không được quan tâm. Hơn nữa, trong mưa lũ, những hoạt động cứu trợ tự phát sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của họ và những người khác.

Tôi hiểu mỗi người đều có tấm lòng tốt hướng đến đồng bào đang gặp hoạn nạn nhưng làm thế nào để việc cứu trợ đạt hiệu quả. Đơn cử, nếu cho người dân đang trong lũ mấy gói mì tôm, mấy cân gạo thì họ lấy đâu ra nước, bếp, lửa để nấu ăn. Vì vậy, cần có tổ chức sắp xếp, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của xã hội được sử dụng hiệu quả…”

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các điểm tiếp nhận hàng cứu trợ để tiếp nhận hàng hoá, nhu yếu phẩm từ các đoàn thiện nguyện cá nhân để phân phối đến đúng nơi, đúng người cần hỗ trợ, tránh hiện tượng nơi thì ùn ứ hàng cứu trợ, nơi lại chẳng có gì.

“Đối với những đoàn có nhu cầu trao quà hỗ trợ trực tiếp cho người dân, chúng tôi hướng dẫn, chỉ đường thậm chí đi cùng đến tận nơi, chúng tôi tổ chức phân bổ ngay bằng cách vận dụng luôn các xe chở hàng bố trí tại các điểm tiếp nhận, bố trí xuồng, ghe phối hợp với các đoàn cứu trợ, không để các đoàn tiếp nhận đi một mình vừa đảm bảo an toàn, vừa phân bổ được đều”, ông Hùng cho biết.

Sự phối hợp của các đoàn từ thiện với chính quyền, đoàn thể sẽ giúp những người có chức trách điều phối hợp lý, công bằng những món quà được chắt chiu từ công sức, tiền của, tình cảm của người dân khắp nơi trong và ngoài nước đến tận tay người dân vùng lũ. Đây là thông điệp từ vị đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình.

MTTQ trở thành đầu mối để các ngành, các cấp, các cá nhân, tổ chức liên hệ khi cứu trợ bà con vùng lũ (Ảnh: Phát quà cứu trợ tới tay người dân tại Hà Tĩnh)

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hân, Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Bình, công tác cứu trợ người dân vùng lũ trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều bất cập, mà có thể nói đây là câu chuyện muôn thuở của công tác cứu trợ, nhân đạo. “Đó là tình trạng cứu trợ tự phát, không thông qua chính quyền, hoặc thông qua chính quyền nhưng lại chọn trước địa điểm làm từ thiện. Điều này sẽ xảy ra hai vấn đề: Tính an toàn đối với người đi cứu trợ và sự hợp lý, công bằng đối với người dân vùng lũ”, bà Hân nhận định.

Thực tế, trong những ngày qua đã có những đoàn cứu trợ tự phát bị lật thuyền, lật đò khi đi cứu trợ; hay cùng bị thiệt hại trong lũ, nhưng một số nơi thì thừa mứa hàng cứu trợ, còn có nơi không thấy bóng dáng đoàn cứu trợ nào. Có gia đình hiện có cả 100 thùng mỳ tôm chất đống trong nhà, trong khi đó có nơi người dân thiếu từ gói mỳ tôm để cầm hơi. Bởi vậy, bà Hân mong muốn các đoàn cứu trợ hãy tin tưởng vào chính quyền và các đoàn thể của Quảng Bình. “Chúng tôi đã và đang làm hết sức mình để những món quà cứu trợ của người dân khắp nơi trong và ngoài nước đến tận tay người dân một cách sớm nhất, đúng đối tượng nhất và công bằng, hợp lý nhất”, bà Hân bày tỏ.

Còn tại Hà Tĩnh, trong những ngày đầu nước lũ rút, hàng trăm đoàn cứu trợ không thể tiếp cận được với người dân do tất cả mọi ngả đường đều ngập sâu trong nước, phương tiện di chuyển chỉ có thể là thuyền và ca nô. Trong khi đó, thuyền và ca nô đang được lực lượng vũ trang Hà Tĩnh dành cho công tác ứng cứu người dân nên các phần quà hỗ trợ bị “tắc” trên đường, khiến một số thành viên của các đoàn thiện nguyện lo lắng, bức xúc.

Còn tại Quảng Trị, Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Quan điểm của tỉnh là mọi sự hỗ trợ, dù nhỏ nhất cũng rất đáng trân trọng, chính quyền rất mong muốn mọi nguồn lực tập trung về một đầu mối để công tác cứu trợ được sâu rộng, toàn cảnh, vừa đảm bảo an toàn cho các đoàn cứu trợ vừa không để một người dân vùng lũ nào thiệt thòi. Tuy nhiên, nếu các nhà hảo tâm muốn trực tiếp về với người dân vùng lũ, MTTQ các cấp sẽ cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ tối đa”.

Hiện nay, ở mỗi địa phương đều có đăng tải thông tin về địa chỉ tiếp nhận ủng hộ bão lụt trên trang thông tin điện tử UBND tỉnh, Sở TT-TT, website của Ủy ban MTTQ tỉnh và một số cơ quan báo chí để người dân tiếp cận, kết nối với từng địa phương, đảm bảo công tác cứu trợ đúng người, đúng chỗ, kịp thời, minh bạch, an toàn.

Đến lúc này, bên cạnh việc chủ động đối phó với bão số 9 thì các tỉnh miền Trung cũng đang làm hết sức mình để cứu trợ bà con vùng lũ. Việc cá nhân, các đoàn thiện nguyện cũng chạy đua với thời gian, quyên góp, ủng hộ, cứu trợ đồng bào vùng lũ là những tình cảm trân quý, nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, cứu trợ tự phát có thể gặp rủi ro, vì thế, trước khi thực hiện cứu trợ, các đoàn thiện nguyện cần thiết tìm hiểu thông tin nơi cứu trợ; liên hệ với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để được hướng dẫn cứu trợ. Bên cạnh đó, đòi hỏi các cấp chính quyền cần thông tin, tuyên truyền mạnh hơn nữa; phải tìm cách “kết nối” thông suốt, hiệu quả hơn để các chuyến hàng cứu trợ không bị nghẽn./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận