Bền bỉ hành trình thiết lập phòng vắt trữ sữa cho lao động nữ

Lợi ích không thể nghi ngờ của nuôi con bằng sữa mẹ đối với sức khỏe của trẻ nhỏ.

 

Lợi ích không thể nghi ngờ của nuôi con bằng sữa mẹ đối với sức khỏe của trẻ nhỏ và bà mẹ chính là động lực khiến bà Phan Thị Hồng Linh, Phó Giám đốc Alive & Thrive khu vực Đông Nam Á luôn đau đáu khi thực hiện các hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ và bảo vệ quyền nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt cho các lao động nữ.

Xin chúc mừng Alive & Thrive và cá nhân bà sau những nỗ lực để quy định thiết lập phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc trở thành bắt buộc đối với doanh nghiệp sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên. Được biết, quy định này nằm trong Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động vừa được thông qua vào cuối năm 2020, vậy ý nghĩa cụ thể của quy định này là như thế nào, thưa bà? 

Đây là tin vui được lao động nữ, cơ quan công đoàn, những tổ chức và những người làm chương trình nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) như tôi nhiệt liệt đón nhận. Vì những lợi ích không thể nghi ngờ của NCBSM đối với trẻ nhỏ, người mẹ, gia đình và xã hội, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khuyến nghị các bà mẹ cho con bú sớm và bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho con bú kết hợp với ăn bổ sung hợp lý cho đến khi trẻ 2 tuổi hoặc lâu hơn. NCBSM là một điều tự nhiên, nhưng để “thành công” trong việc này, người mẹ cần sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng, nơi làm việc và cả xã hội. 
Tại Việt Nam, chính phủ đã tạo môi trường thuận lợi cho các bà mẹ làm công ăn lương có thể cho con bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu khi tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng từ ngày 1/5/2013. Tuy nhiên, sau khi đi làm lại, bà mẹ gặp nhiều rào cản để tiếp tục cho con bú đến 2 tuổi và lâu hơn. Dù có quy định lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày, phần lớn các nơi làm việc đều chưa có cơ sở vật chất và hỗ trợ giúp vắt và trữ sữa tại chỗ. Do đó, trong những năm qua, cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), Alive & Thrive và các tổ chức như UNICEF, WHO, UN Women và Mạng lưới các tổ chức vì dinh dưỡng đã bền bỉ thực hiện các chương trình thúc đẩy, hỗ trợ và bảo vệ NCBSM, bao gồm việc xây dựng, tuyên truyền và thực hiện các quy định hỗ trợ nữ lao động NCBSM tại nơi làm việc. Theo tính toán của chúng tôi, quy định doanh nghiệp (DN) sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên phải có phòng vắt trữ sữa sẽ bao phủ đến 40% lao động nữ làm công ăn lương tại Việt Nam, tức là khoảng 2,5 triệu lao động nữ.

Phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho lao động nữ và xã hội.

Được biết Alive & Thrive đã triển khai chương trình hỗ trợ NCBSM tại nơi làm việc từ nhiều năm qua. Bà có thể chia sẻ về hành trình nhiều ý nghĩa này? 

Alive & Thrive phối hợp với TLĐLĐVN và các DN, cơ quan cùng thực hiện chương trình hỗ trợ NCBSM tại nơi làm việc từ năm 2012. Thời gian đầu, Alive & Thrive hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để lắp đặt các phòng vắt sữa mẹ, tuyên truyền về lợi ích NCBSM cho không chỉ lao động nữ và cán bộ công đoàn mà còn cho lãnh đạo DN và lao động nam để họ cùng hiểu, từ đó hỗ trợ và tạo điều kiện cho lao động nữ. Chúng tôi được nghe nhiều tâm sự xúc động của lao động nữ, có những người tiếc nuối vì không thể cho con bú lâu dài, có những tấm gương vượt khó, vượt định kiến, kiên trì vắt trữ sữa, mang về cho con. Họ là động lực để chúng tôi thêm vững tin vào công việc của mình. Qua một thời gian, chương trình lan tỏa rộng hơn, TLĐLĐVN và công đoàn cơ sở cũng hỗ trợ thiết lập thêm nhiều phòng vắt trữ sữa. 
Đến năm 2014, tổng số có 70 DN và một số cơ quan nhà nước thiết lập phòng vắt trữ sữa. Hơn 180.000 lao động được truyền thông về NCBSM và chính sách pháp luật liên quan tới lao động nữ. Nhiều DN nhận thức được lợi ích của chương trình và do nhu cầu của lao động nữ đã tự thiết lập thêm nhiều phòng vắt sữa. Cán bộ TLĐLĐVN rất nhiệt tình và sâu sát để hỗ trợ DN, họ chính là điểm mấu chốt để chương trình thành công như vậy. Chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi được làm việc với họ. Nhờ tác động tích cực của chương trình thí điểm này, đến năm 2015, Nghị định 85/2015/NĐ-CP về chính sách đối với lao động nữ đã có quy định khuyến khích DN thiết lập phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc.

Nghị định 85/2015/NĐ-CP chỉ quy định khuyến khích DN thiết lập phòng vắt trữ sữa. Chặng đường để quy định này trở thành bắt buộc như hiện nay hẳn không hề dễ dàng. Bà và cộng sự đã phải làm thế nào để có thể thuyết phục được cơ quan làm luật?

Theo báo cáo của TLĐLĐVN, tính đến tháng 5/2020 sau gần 5 năm thực hiện Nghị định 85/2015/NĐ-CP, cả nước có 826 phòng vắt trữ sữa được thiết lập ở 515 cơ quan, DN ở 40 tỉnh và thành phố. Nếu nhìn vào tổng số DN trên cả nước là hơn 620.000 DN, trong đó có gần 30.000 DN sử dụng nhiều lao động nữ thì con số 515 này quá nhỏ nhoi. TLĐLĐVN, Mạng lưới các tổ chức vì dinh dưỡng trong đó có Alive & Thrive nhìn thấy khoảng trống trong quy định này và đã cùng nhau tập hợp các bằng chứng khoa học, quy định của các nước trên thế giới, lợi ích kinh tế - xã hội để trình bày với cơ quan làm luật. 
Tôi nghĩ việc phân tích lợi ích kinh tế - xã hội rất quan trọng để các cơ quan làm luật cân nhắc. Cụ thể, với chi phí 15 triệu đồng cho một phòng vắt sữa, nếu tất cả DN sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên thiết lập phòng vắt trữ sữa, tổng chi phí phát sinh ở cấp độ toàn xã hội là khoảng 12 tỷ đồng. Trong khi đó, xã hội tiết kiệm được ít nhất 1.000 tỷ đồng mỗi năm từ việc các gia đình người lao động không phải mua sữa bột cho trẻ. 12 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, nếu được lựa chọn thì tất nhiên chúng ta chọn khoản chi phí nhỏ hơn. 
TLĐLĐ cũng đã tiến hành khảo sát thực trạng đời sống gia đình công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại 10 tỉnh, thành. Tổng cộng đã có 20 DN và 1.000 người lao động tham gia khảo sát thì thấy gần 100% người lao động tham gia hài lòng và gắn bó hơn khi làm việc tại DN có chính sách hỗ trợ NCBSM tốt và ủng hộ quy định “Mỗi DN nên có tối thiểu một phòng vắt, trữ sữa”. 95% đại diện DN tham gia khảo sát đồng ý rằng DN hoàn toàn có thể chi trả được chi phí thiết lập phòng vắt, trữ sữa. Tất cả các bằng chứng khoa học, phân tích lợi ích chi phí, kết quả khảo sát này đã được trình bày với cơ quan làm luật. Chúng tôi trình bày ở nhiều cuộc hội họp liên quan, nói đi nói lại, bền bỉ với thông điệp của mình. Và rất tuyệt vời là nguyện vọng của người lao động đã được ghi nhận trong Nghị định 145/2020/NĐ-CP với quy định DN sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên phải thiết lập phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc.

Bà Phan Thị Hồng Linh - Phó Giám đốc Alive & Thrive khu vực Đông Nam Á.

Việc thiết lập phòng vắt trữ sữa đã trở thành bắt buộc đối với các DN sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên. Tâm nguyện đau đáu suốt bao năm đã thành hiện thực, giờ đây bà còn mong mỏi điều gì? 

Ước mơ của tôi là mọi DN, tổ chức dù chỉ có một lao động nữ cũng có phòng vắt trữ sữa. Đây là một thông điệp mà qua đó DN mạnh mẽ khẳng định cam kết ủng hộ bình đẳng giới, tạo điều kiện cho lao động nữ vừa đi làm vừa yên tâm nuôi con nhỏ. Vì phụ nữ là 50% lực lượng lao động của hiện tại và chăm sóc nuôi nấng 100% lực lượng lao động của tương lai, chúng ta hãy bảo vệ quyền thai sản và NCBSM của họ. Tôi mong sẽ không phải nghe hay nhìn thấy cảnh chị em vào nhà kho hay phòng vệ sinh vắt trữ sữa, thấp thỏm không thoải mái. Sẽ cực kỳ tuyệt vời nếu phòng vắt sữa trở thành một tiêu chí lựa chọn nơi làm việc của lao động nữ.
Cảm ơn bà về những chia sẻ này! 

Lưu Hường thực hiện




 



 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận