Cần dẹp loạn các kênh youtube nhảm nhí

VOV trò chuyện với nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú

 

Tuần qua, cộng đồng mạng bày tỏ sự bức xúc trước việc youtuber Thơ Nguyễn - chủ một kênh Youtube chuyên dành cho trẻ em với hàng triệu lượt người theo dõi, đăng tải clip cho búp bê “kumathong” uống coca để xin vía học giỏi mang tính mê tín dị đoan, ma mị và độc hại. Sự việc như giọt nước tràn ly về thực trạng ngày càng nhiều youtuber đăng clip nhảm nhí, độc hại. VOV trò chuyện với nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú xung quanh vấn đề này.

Thưa anh, là một phụ huynh có con đang ở lứa tuổi học sinh thì cảm xúc của anh như thế nào khi nghe và xem youtuber Thơ Nguyễn cho búp bê “kumathong” uống coca để xin vía học giỏi?
Ngay khi các cha mẹ gửi cho tôi link câu chuyện này, tôi đã rất phẫn nộ. Tôi lo lắng về một sự truyền bá mê tín dị đoan đang bắt đầu manh nha và phát triển trên youtube. Tôi lo sợ cho những đứa trẻ.
Còn ở góc độ một nhà báo, đồng thời là một chuyên gia tâm lý thì theo anh, những youtube như thế này tác động tiêu cực ra sao tới tâm sinh lý cũng như nhận thức của trẻ em và hậu quả của nó là gì?
Những luồng thông tin này gây ra những lầm tưởng, những suy nghĩ lệch lạc của các con. Các con sẽ hiểu rằng, học giỏi không cần sự nỗ lực mà chỉ cần xin vía của búp bê, chỉ cần cho búp bê uống nước ngọt và sự lầm tưởng này khiến những đứa trẻ bắt đầu tin vào thế lực siêu nhiên nhiều hơn tin vào năng lực của chính bản thân.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng chính sức hút về truyền thông, sức hút về lượt tăng view, từ đó có thu nhập cho chủ kênh mà những youtuber, facebooker bất chấp để làm những việc trái với thuần phong mỹ tục, thậm chí là vi phạm pháp luật. Anh có bình luận gì về điều này? 
Chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều những youtuber, facebooker như thế, đặc biệt trong thời gian qua tại lễ tang của các ngôi sao. Tôi đồng ý với luật sư Nguyễn Thế Truyền là cơ chế xử phạt hiện nay mang tính răn đe nhiều hơn là chặn đứng những điều như thế. Hiện nay mới chỉ xử phạt hành chính. Tôi không mong muốn sẽ phải hình sự hóa những youtuber, facebooker này. Tuy nhiên, dường như mức xử phạt hành chính còn quá thấp so với lợi nhuận mà họ thu được khi làm những clip như vậy.
Vậy theo quan điểm của anh, cần cơ chế xử lý mạnh hơn như thế nào?
Pháp luật vẫn là cơ chế chính xác nhất. Nhưng chính cơ chế mềm - đó là sự lên tiếng, quan tâm của dư luận xã hội mới là mức hình phạt mạnh hơn nữa. Cho nên khi truyền thông lên tiếng sẽ giúp cho mọi người dân đều biết, từ đó có thể quay trở lại để kiểm soát con mình. Khi ấy, những youtuber này không còn nguồn để phát triển được. Và khi đã không có người xem, theo dõi, họ sẽ phải thay đổi.
Nhưng có một thực tế là chính những thứ gây tò mò lại càng thu hút được lượng khán giả lớn dù họ biết đó là nhảm nhí?
Tôi đồng ý với anh ở điểm này. Trong số những người theo dõi clip của youtuber Thơ Nguyễn, khá đông là các bậc cha mẹ, là những người ghét Thơ Nguyễn bởi cho rằng mình phải theo dõi kênh đó để biết được xem lúc nào thì nó đăng tải những clip sai trái như thế. Chúng ta thấy có một mâu thuẫn ở đây, dường như khá nhiều người đang vô tình tiếp tay cho những youtuber nhảm nhí, độc hại. Cho nên qua câu chuyện này, chúng ta tự nhắc nhở nhau rằng có cần thiết phải theo dõi, lên tiếng với một youtuber như thế hay không.

 

 

Ngày càng nhiều youtuber đăng những clip nhảm nhí, độc hại.

 

Từ một nền tảng chia sẻ video hấp dẫn thì gần đây trên youtube đã lộ ra những mặt trái khi không ít youtuber lợi dụng công cụ này để công kích người khác, gây nhiễu xã hội, tuyên truyền phi văn hóa, thậm chí có cả những videoclip đe dọa trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của giới trẻ, đặc biệt là trẻ em. Theo anh, ngoài những lý do như cơ chế xử lý chưa thỏa đáng, sự hiếu kỳ của người xem thì còn lý do nào nữa khiến các kênh youtube nhảm nhí này có đất sống?
Tôi thấy còn một vấn đề nữa, đó là trẻ em đang quá thiếu những sân chơi, những kênh để được tiếp cận một cách lành mạnh. Thời của chúng ta còn có sách, báo, nhà văn hóa, nhưng hiện nay, hầu hết mọi thứ đang được chuyển hóa lên mạng, cho nên toàn bộ những hoạt động của các con đều ở trên mạng, trong khi người lớn lại không kiểm soát được thời gian lên mạng của con, địa chỉ mà con đang tới, dẫn đến trẻ con hiện nay ở trên mạng đang đi một cách bừa phứa, không có một hướng dẫn, định hướng nào. Và dường như mạng xã hội, youtube, tiktok để ngỏ cho toàn bộ trẻ con, trẻ con tự do trên đấy và đương nhiên những cái xấu độc sẽ có cơ hội ảnh hưởng lên con của chúng ta.
Một rào chắn chặn những thông tin độc hại đến với con em mình, đó chính là những bậc làm cha mẹ. Nhưng dường như sức đề kháng của những bậc làm cha mẹ trước những youtube độc hại thế này cũng rất yếu. Nhiều cha mẹ cũng không biết đâu là cái nhảm, đâu là cái giải trí. Rất nhiều cha mẹ cũng xem các clip của Khá bảnh, Huấn hoa hồng và họ cảm thấy đấy là một cái để xả stress, và không ít cha mẹ cũng chửi tục ở trên mạng. Rõ ràng chính người lớn mới là nguồn cơn khiến trẻ đang thay đổi như thế này.
Từ kinh nghiệm của anh thì anh có chia sẻ gì với các bậc phụ huynh?
Tôi mong các bậc cha mẹ hãy dừng lại một chút bên cạnh con mình, lắng nghe con mình, hiểu con mình nhiều hơn; hãy biết được rằng con mình đang xem gì và nếu có thể hãy xem cùng con. Tôi biết nhiều cha mẹ phải lo mưu sinh, tất bật với công việc nhưng mỗi ngày dành cho con mình một ít thời gian để có thể ngay lập tức chia sẻ được với con về những đúng - sai trong cuộc sống. Tôi nghĩ rằng mỗi đứa trẻ đều cần cha mẹ để có thể trưởng thành.
Nhiều bậc cha mẹ bày tỏ rằng, có những youtuber nói nhiều kiến thức bổ ích, nhân văn, thi thoảng mới cài vào đó những thông tin độc hại, trái với thuần phong mỹ tục nên họ gặp khó trong việc kiểm soát và cảnh báo cho các con?
Chính xác. Đó là một mẹo mực, một cách thức của khá nhiều youtuber hiện nay. Những trường hợp như thế, nó là một sự mất uy tín, và như thế đồng nghĩa với việc youtuber ấy không còn nằm trong danh mục mà cha mẹ cho con cái xem. Cho nên một lần nữa tôi mong các cha mẹ xem cùng con nhiều hơn, và không phải thấy an toàn thì cứ thế để con xem tự do. Cuộc sống trên mạng nguy hiểm hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng.

Nhiều ý kiến cho rằng, với những youtuber đăng thông tin độc hại nhưng chưa đến mức xử lý  hành chính hay hình sự thì cần cấm các youtuber này hoạt động trong một thời gian nhất định, như vậy sức răn đe sẽ lớn hơn rất nhiều. Anh nghĩ thế nào về quan điểm này?
Việc cấm các youtuber đó, tôi nghĩ nó nằm ở người xem. Chính chúng ta là người quyết định trang đó có tồn tại hay không, bởi tất cả youtuber đều sợ mọi người không xem mình, không report.
Tuy pháp luật vẫn phải là cơ chế để xử lý đầu tiên, thế nhưng việc pháp luật xử lý ra sao cũng rất cần có sự hỗ trợ từ kênh phản hồi. Nếu các bậc cha mẹ tạo được một kênh kết nối mạnh hơn nữa và các cơ quan quản lý lắng nghe nhiều hơn và xử lý nhanh hơn, sau khi xử lý thì thông tin rộng hơn nữa tới mọi người về cách đã xử lý thì đó cũng là một sự răn đe rất lớn.
Ngoài cái anh nói về cơ chế là sự miễn dịch của cộng đồng, rồi về luật pháp, phải chăng ở đây cũng đòi hỏi phông văn hóa của những youtuber, họ nhìn thấy cơ hội kiếm tiền, nhưng rất có thể họ mắc phải sai lầm mà có khi chính họ cũng không nhận ra?
Tôi nghĩ đa phần các youtuber là như vậy. Khi đồng tiền đến với họ quá nhanh, việc kiếm tiền quá dễ, chỉ cần làm thế nào có đông người xem thì vô hình chung làm cho những đứa trẻ hiện nay ảo tưởng về nghề nghiệp, cho rằng không cần làm gì chỉ cần kiếm được nhiều khách, trở thành youtuber nổi tiếng là kiếm được nhiều tiền. Và đó thực sự là điều đáng phải cảnh báo trong câu chuyện này.
Xin cảm ơn anh!

Thanh Trường thực hiện



 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận