Thúc đẩy cuộc cách mạng về đường sắt

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về những khó khăn của ngành đường sắt và giải pháp tháo gỡ.

 

Ngành đường sắt đang đối mặt với những khó khăn kinh niên như hạ tầng yếu, công nghệ lạc hậu, chưa được đầu tư xứng đáng... Nay thêm tác động của đại dịch Covid-19, ngành đường sắt đã khó lại càng lao đao. Có thể nói, đường sắt tụt hậu là một sự lãng phí nguồn lực của đất nước.

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh (ảnh trên), Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về những thách thức hiện hữu của đường sắt Việt Nam, giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải tạo, xây mới đường sắt để phát triển đất nước.
Ông từng phân tích, để đường sắt không ở mãi trong một cái áo chật thì yếu tố quan trọng nhất là nguồn lực Nhà nước đầu tư vào hạ tầng. Vậy theo ông, nên tập trung vào những yêu cầu nào để có thể khắc phục được điểm yếu về hạ tầng đường sắt hiện nay?
Yêu cầu quan trọng nhất là Nhà nước đầu tư, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng trực tiếp chạy tàu hiện hữu nhằm nâng cao năng lực thông qua của hạ tầng. Đây là điều kiện tiên quyết. Chỉ khi năng lực hạ tầng được nâng cao thì năng lực vận tải, nhu cầu vận tải mới tăng lên. Từ đó, kinh doanh kho bãi, nhà ga và các dịch vụ lân cận khác mới phát triển và đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa khối lớn, tuyến dài cũng như nhu cầu vận tải hành khách tuyến ngắn và tuyến trung bình.
Trong một tọa đàm gần đây, ông có nói khó khăn lớn nhất của ngành đường sắt hiện nay là tổ chức thực hiện. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Đó chính là trong phân bổ nguồn vốn trung hạn cho các dự án cải tạo nâng cấp đường sắt. Yếu tố thứ hai là nâng dần nguồn lực, chi phí của ngân sách về kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho công tác bảo trì cũng như đảm bảo an toàn giao thông. Thứ ba, nguồn vốn để thực hiện xóa các lối đi tự mở cũng như giải quyết từng bước việc xâm lấn hành lang an toàn giao thông vận tải đường sắt. 

Ảnh: Huy Hùng

Một giải pháp đột phá hiện nay là định giá lại 297 khu ga và giao cho doanh nghiệp tổ chức quản lý, khai thác. Vậy tiến độ của kế hoạch này đến đâu rồi, thưa ông?
Thực hiện Nghị định 46 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Đường sắt sửa đổi năm 2017, trong đó yêu cầu Bộ GTVT xây dựng đề án quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã phối hợp với Bộ để xây dựng và trình Thủ tướng. Hiện nay Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng như ý kiến của các bộ, ban, ngành để hoàn thiện và trình lại Chính phủ.

Sau khi đề án được phê duyệt thì Tổng Công ty sẽ triển khai thực hiện, trong đó gồm hai phần: Phần thứ nhất là kết cấu hạ tầng trực tiếp tiếp tục giao cho Tổng Công ty quản lý, khai thác và sử dụng như trước đây. Phần thứ hai là tách các tài sản nhà ga cũng như bãi hàng của 297 khu ga để giao cho Tổng Công ty theo hình thức tăng vốn Nhà nước. Khi đó, Tổng Công ty sẽ quản lý, vận hành, bảo trì cũng như thực hiện đầu tư, cải tạo, xây mới các khu ga có các bãi hàng này theo quy hoạch của địa phương và quy hoạch của ngành nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành chi phí logistic, đặc biệt là khai thác để hạn chế sự lãng phí rất lớn mà trong thời gian vừa rồi chúng ta chưa làm được.
Thưa ông, công tác giải ngân gói 7.000 tỷ đồng tới nay đã đạt đến tiến độ như thế nào?
Gói 7.000 tỷ thì hiện nay Bộ GTVT làm chủ đầu tư và đã giao cho Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ và Ban 85 làm chủ đầu tư 4 gói dự án này. Tổng Công ty đang phối hợp với 2 Ban quản lý dự án để thực hiện triển khai trong công tác cải tạo nâng cấp và kết hợp với đảm bảo an toàn chạy tàu trong quá trình thực hiện 4 gói dự án này.

Ảnh: Huy Hùng

Ông cũng đặt ra một vấn đề là đối với hơn 265.000 tỷ đồng phân bổ cho hạ tầng giao thông với 5 phương thức giao thông vận tải thì đường sắt đang chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Ở góc độ tài chính, bài toán vốn ông có quan điểm như thế nào?
Tôi chỉ mong muốn với gói vốn trung hạn cho giai đoạn 2021 - 2026 dành cho ngành giao thông vận tải thì Bộ GTVT quan tâm tới lĩnh vực đường sắt, bố trí nguồn vốn thực hiện triển khai các dự án để cải tạo những nút thắt trong vận tải đối với đường sắt hiện nay, trong đó tập trung chính vào cải tạo, nâng cấp đường chính tuyến cũng như một số tuyến đường quan trọng để nâng cao năng lực thông qua của hạ tầng.
Bộ GTVT đã nhận ra cái yếu kém nhất hiện nay là công tác kết nối, và đặc biệt để giảm chi phí logistic thì đã xác định thế mạnh của đường sắt là vận tải siêu trường siêu trọng. Vậy cần tập trung ưu tiên như thế nào cho tương ứng với tiềm năng của đường sắt để có thể khai thác đồng bộ, hiệu quả và mang tính chất kết nối cao 5 phương thức vận tải hiện nay, thưa ông?
Bộ GTVT đã quyết định phê duyệt chiến lược phát triển đường sắt giai đoạn 2015 - 2030, trong đó đã có đầy đủ tất cả dự án, hạng mục sẽ triển khai từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, với chi phí rất lớn là 110.000 tỷ đồng ở thời điểm xây dựng và đến nay chúng ta mới có gói 7.000 tỷ đồng đầu tiên đang triển khai. Tôi hy vọng trong giai đoạn 2021 - 2026 cũng như giai đoạn 2026 - 2030, Bộ GTVT sẽ tập trung nguồn lực phân bổ một cách hợp lý hơn, quan tâm đến đường sắt hơn để chúng ta triển khai thành công chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ GTVT phê duyệt.

Ông kỳ vọng như thế nào về thị phần vận tải đường sắt trong giai đoạn 10 năm tới?
Trong vòng 10 năm tới đối với hạ tầng đường sắt hiện hữu chúng ta chỉ có thể cải tạo nâng cấp. Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi là đạt được chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt. Tuy nhiên, với nguồn vốn lớn, chúng ta khó bố trí theo chiến lược đó. Chúng tôi đề xuất là các nguồn vốn bố trí tập trung vào cải tạo nâng cao năng lực thông qua của hạ tầng chứ không phải rút ngắn thời gian chạy tàu. Còn đối với những hạng mục cũng cần thiết nhưng nó chưa phục vụ trực tiếp cho nâng cao năng lực thông qua của hạ tầng thì chúng ta có thể để lại sau.
Trân trọng cảm ơn ông!


Hà Nho thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận