Trong mọi trường hợp, công đoàn dành ưu tiên hàng đầu cho người lao động

Báo Tiếng nói Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

 

Liên quan đến câu chuyện 11.315 người lao động (NLĐ) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang bị nợ lương, đứng trước nguy cơ phải bỏ việc, cùng với đó là thực trạng một số doanh nghiệp nợ lương, không đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ, Báo Tiếng nói Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đảm bảo quyền lợi, đời sống cho NLĐ.

Trong hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, kéo đời sống của NLĐ chao đảo theo. Vậy công đoàn đã có những hỗ trợ cụ thể nào cho NLĐ?
Tổng Liên đoàn đã có rất nhiều sự chỉ đạo bằng văn bản, cũng như trực tiếp đi kiểm tra, động viên công nhân. Thứ nhất, chỉ đạo thực hiện chống dịch một cách nghiêm túc, đo thân nhiệt, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn, làm việc giãn cách. Các bữa ăn ca phải được tăng cường chất lượng hơn, bổ sung thêm vitamin để tăng cường sức đề kháng cho công nhân... Với những doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, chúng tôi xác định phải chăm lo, hỗ trợ công nhân. Những công nhân không về quê được vì dịch bệnh, chúng tôi vận động chủ nhà giảm giá nhà trọ. Nhiều chủ nhà trọ miễn 2 - 3 tháng tiền nhà, hoặc giảm 30% giá thuê nhà cho công nhân.
Ngoài ra, các cấp công đoàn còn hỗ trợ công nhân các thực phẩm thiết yếu, các cây ATM gạo được hình thành, mỗi công nhân được phát 5 - 10kg gạo/đợt phát. Các gian hàng 0 đồng với các hàng hóa thiết yếu được đưa xuống cho công nhân. Ví dụ, ở Bắc Ninh đã huy động được tới 145 tấn gạo để giúp công nhân các khu công nghiệp đảm bảo, duy trì cuộc sống. Giữa các cấp công đoàn có sự giúp đỡ lẫn nhau. Những nơi có dịch bệnh thì được công đoàn nơi khác hỗ trợ thuốc, khẩu trang, nước sát khuẩn.
Chúng tôi cũng kiến nghị để tăng số công nhân được hỗ trợ trong gói 62.000 tỷ đồng. Song song với việc phối hợp cùng các ban chỉ đạo chống dịch của địa phương để chăm lo đời sống cho công nhân. Tổ chức công đoàn bằng nguồn kinh phí của mình đã xây dựng nhiều mức hỗ trợ NLĐ khi thu nhập giảm: Công nhân mất việc 2 - 3 tháng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng; Nếu cả hai vợ chồng đều bị mất việc hoặc giảm việc thì đều được nhận hỗ trợ. Giáo viên mầm non cũng được nhận hỗ trợ từ kinh phí của công đoàn. Tổng hợp lại, các cấp công đoàn đã hỗ trợ tới hơn 2 triệu lượt NLĐ với số tiền gần 800 tỷ đồng.

Ngoài những đóng góp thiết thực cho đời sống của NLĐ thì ở một số nơi công đoàn hoạt động còn mang tính hình thức. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Bản chất công đoàn là đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, trong 63 tỉnh, thành và 20 ngành Trung ương thì ở đâu đó cũng có những công đoàn hoạt động chưa hiệu quả, người sử dụng lao động coi nhẹ hoạt động công đoàn khiến vai trò công đoàn không được phát huy, bản thân cán bộ công đoàn cũng chưa trang bị đủ kiến thức, kinh nghiệm, chưa có phương pháp hoạt động hiệu quả, thiếu tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm... Đây là một thách thức, một cái yếu của tổ chức công đoàn. Do đó, những năm gần đây, Tổng Liên đoàn có sự chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn.
Hiện cả nước có khoảng gần 8.000 cán bộ công đoàn chuyên trách nhưng cán bộ công đoàn các cấp là hơn 700.000 người. Đây là lực lượng rất lớn, tuy vậy, họ làm kiêm nhiệm, không ăn lương công đoàn, chỉ làm việc bằng sự nhiệt tình, bằng uy tín do công nhân bầu lên. Do đó, chúng tôi phải trang bị phương pháp hoạt động cho đội ngũ này bằng cách đào tạo, tập huấn, trao đổi, cung cấp thông tin và chia sẻ kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, để hoạt động công đoàn cơ sở đi vào thực chất, chúng tôi nhân rộng những mô hình tốt, những cách làm hay, lan tỏa những cái đẹp của các cấp công đoàn. Ví dụ, tại Bắc Giang, các doanh nghiệp có công nhân làm thêm, họ xây dựng những ki-ốt đưa tới 3.000 mặt hàng vào phục vụ công nhân thì chúng tôi chủ trương nhân rộng những mô hình này trên cả nước; hoặc tại Công ty May 10, chất lượng bữa ăn hằng ngày được chấm điểm giữa các phân xưởng đã tạo ra sự thi đua tích cực. 2 năm nay, chúng tôi có giải thưởng dành cho cán bộ công đoàn, tôn vinh những chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu trong đối thoại xây dựng quan hệ lao động hài hòa để làm gương điển hình. 

Các cấp công đoàn luôn chăm lo, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa người sự dụng lao động và người lao động.

Nhiều tổ chức công đoàn mỗi khi có xung đột quyền lợi giữa NLĐ với lãnh đạo doanh nghiệp thì công đoàn hoặc im lặng, hoặc đứng về phía lãnh đạo. Để tránh tình trạng như vậy thì cần giải pháp nào, thưa ông?
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là sự giám sát của công đoàn cấp trên để phát hiện những vấn đề bất ổn trong hoạt động công đoàn ở nơi đó, như: không bảo vệ, không chăm lo cho NLĐ hoặc hoạt động công đoàn xao nhãng. Khi phát hiện vấn đề, chúng tôi đều xem xét để có phương án giải quyết, chấn chỉnh, thậm chí kỷ luật, đưa ra khỏi Ban chấp hành.
Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn có một lực lượng theo dõi để nắm bắt tình hình về mọi mặt trong đời sống NLĐ ở các cơ sở. Bởi vậy, những công đoàn cơ sở nào có vấn đề, cán bộ công đoàn sai, chủ sử dụng lao động sai, thì thông qua phản hồi của NLĐ, hộp thư góp ý, đơn thư, mạng xã hội, chúng tôi nắm bắt được thì Ủy ban kiểm tra sẽ đến tận nơi, dứt khoát giải quyết đến nơi đến chốn, thậm chí đưa ra tòa để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Ngược lại, nếu từ phía NLĐ không thực hiện theo công đoàn, không hợp tác thì cũng sẽ có biện pháp xử lý, chấn chỉnh. Chúng tôi phối hợp với các lực lượng an ninh, các địa phương để xử lý một cách thấu tình đạt lý.
Trong sự vận hành chung của tổ chức công đoàn, rất cần có sự thông tin từ công đoàn cấp dưới, và sự kiểm tra chính xác của công đoàn cấp trên về những vấn đề còn bất cập để xử lý hài hòa quan hệ lao động. Và đội ngũ cán bộ công đoàn đóng vai trò quyết định trong vấn đề này.

Hiện nay, ngành đường sắt đang nợ lương hàng nghìn NLĐ, đẩy đời sống của họ vào cảnh bấp bênh. Theo ông, câu chuyện nợ lương này phải được giải quyết ra sao?
Trường hợp ngành đường sắt, chúng tôi đã nắm được thông tin. Trong hơn 30 năm đổi mới, đường sắt đang bị lãng quên, cơ sở vật chất xuống cấp, trở nên lạc hậu. Đấy là trách nhiệm của quốc gia và hậu quả thì công nhân đường sắt đang bị lĩnh đủ. Hiện nay, ngành đường sắt có khoảng 26.000 công nhân, và những đơn vị phục vụ việc duy tu bảo dưỡng toàn tuyến có hơn 11.000 công nhân không có lương trong suốt vài tháng nay. Ngành đường sắt, công đoàn đường sắt đã có văn bản về Tổng Liên đoàn. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng có văn bản với Chính phủ. Công đoàn chúng tôi chia sẻ với ngành đường sắt, đồng thời cũng là một trong những kênh thông tin để vận động chính sách. Chúng tôi chỉ đạo công đoàn ngành phải thực hiện nghiêm các chế độ chính sách cho những công nhân này.
Chúng tôi cũng mong muốn, đối với việc nợ lương hơn 11.000 công nhân thì Ban Quản lý vốn Quốc gia dành nguồn lực ở mức độ nào đó để giải quyết tình thế, hỗ trợ, đảm bảo cuộc sống những NLĐ này. Thứ hai là lãnh đạo của ngành, công đoàn ngành phải có các giải pháp để nhanh chóng khắc phục được tình trạng này. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có đề nghị lên cấp trên, lên Văn phòng Chính phủ hỗ trợ giải quyết vấn đề nợ lương của công nhân ngành đường sắt.

Quyền lợi cơ bản nhất của NLĐ là được nhận lương đầy đủ và được đóng BHXH. Nhưng có không ít doanh nghiệp nợ NLĐ 2 thứ quan trọng này. Vậy tổ chức công đoàn cần có giải pháp nào để giải quyết 2 vấn đề này cho NLĐ, thưa ông?
Một trong những chức năng của tổ chức công đoàn là thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với NLĐ. Việc bảo vệ ở đây phải hiểu là việc xây dựng chính sách tùy theo từng cấp, từng trách nhiệm của tổ chức. Ví dụ, Tổng Liên đoàn phối hợp với các bộ khác để xây dựng chính sách tiền lương tối thiểu; xây dựng những chính sách về bảo hộ lao động, điều kiện lao động... Nhưng khi đã thành một văn bản, một quy định, một chế độ, chính sách rồi thì trách nhiệm của các cấp công đoàn là giám sát việc thực hiện đó. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn sẽ tạo được uy tín, niềm tin của NLĐ đối với tổ chức công đoàn.
Thứ hai là trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp. Khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản thì công đoàn cấp trên trực tiếp phải có sự theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp giải quyết, đảm bảo quyền lợi về lương, BHXH cũng như tìm cơ hội việc làm mới cho NLĐ. Với những doanh nghiệp không gặp khó khăn nhưng vẫn trốn đóng BHXH cho NLĐ thì công đoàn thậm chí sẽ khởi kiện. Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách phải được làm một cách hệ thống và thường xuyên.
Tôi cũng nhấn mạnh rằng, tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp phải nắm bắt được sức khỏe của doanh nghiệp mình, để lường trước được sự việc, từ đó có hướng giải quyết hợp lý. Công đoàn cơ sở cũng phải chủ động báo cáo, chia sẻ tình hình thực tế ở đơn vị mình lên công đoàn cấp trên để cùng tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và NLĐ, giúp mối quan hệ đó được hài hòa, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Xin cảm ơn ông!

Ngọc Vũ thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận