'Nhân tài thật' nhìn từ câu chuyện đào tạo tiến sĩ

GS Phạm Hồng Quang cho rằng căn cốt để đánh giá một con người là chất lượng thật, năng lực thật, học thật, thi thật.

 

Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2019-2030 (Đề án 89). Trước Đề án 89 đã có Đề án 322 và 911 về đào tạo tiến sĩ cho các CSGDĐH bằng ngân sách nhà nước, mỗi đề án có kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Dư luận đặt rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của những đề án trên. GS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên trao đổi với VOV về nội dung này.

Hiện nay có xu hướng là không ít cử nhân ra trường chưa xin được việc làm nên lựa chọn đi học thạc sĩ, tiến sĩ hoặc đi học chỉ để làm đẹp hồ sơ. Ông suy nghĩ gì về xu hướng này?

Sau khi có trình độ cử nhân, người học có nguyện vọng, nhu cầu học thạc sĩ, tiến sĩ là khát vọng, nhu cầu chính đáng của mỗi người. Điều quan trọng nhất là bản thân người học phải xác định rõ đầu ra, gắn với địa chỉ cụ thể - nơi mình sẽ làm việc và cống hiến - để tránh sự lãng phí.

Nói về chuyện lãng phí trong đào tạo thì những năm gần đây, vấn đề đào tạo tiến sĩ luôn nhận được những ý kiến trái chiều. 3 đề án đào tạo tiến sĩ: 322, 911, 89 thì có 2 đề án triển khai không hiệu quả và 1 đề án thì sắp triển khai. Vậy theo ông, vì sao những đề án 322, 911 chưa đạt được những mục tiêu đề ra?

Trong các trường đại học hiện nay, xét trên cả nước thì tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ chưa cao, khoảng trên dưới 30%. Nhiều trường đại học trên thế giới, tỷ lệ tiến sĩ thậm chí là 100%. Chính vì vậy, mục tiêu của đề án 322 và 911 vừa qua là đúng đắn. 
Thế nhưng, nếu cho rằng số lượng đạt được là một chỉ tiêu thì chúng ta chưa cân nhắc đầy đủ. Chúng ta nghĩ rằng với điều kiện kinh phí, với điều kiện học tập và các nước tư bản cũng như các nước phát triển sẽ thu hút được số lượng lớn cán bộ có trình độ cử nhân ở các trường đại học. Tuy nhiên, trong đầu vào của giảng viên đại học hiện nay, đặc biệt là giai đoạn vừa qua thì số lượng cán bộ đủ năng lực được đi học ở nước ngoài không nhiều. Chính vì vậy, thu hút đầu vào học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài của đề án 322 và 911 tuy chưa đạt được chỉ tiêu đề ra nhưng có chất lượng cao.

Thưa ông có hay không bệnh bằng cấp gắn với cơ hội thăng tiến nên khá nhiều người đã lựa chọn đi học thạc sĩ, tiến sĩ mà không gắn với công việc chuyên môn của mình?

Ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, trong các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, khi chúng ta đã quy định là phải có trình độ học vị ở mức độ nào thì các ứng viên phải phấn đấu theo hướng như vậy. Nên theo tôi, vị trí việc làm để chúng ta đặt ra một nhu cầu về vấn đề bằng cấp mà như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu là yêu cầu phải học thật, thi thật và nhân tài thật, có nghĩa là bằng cấp, học vị đạt được dù cao hay thấp thì cũng phải đúng bản chất, đúng với năng lực và phải phù hợp với công việc sẽ làm và đang làm.
Vấn đề nữa là chính sách. Nhiều khi nếu chỉ dùng bằng cấp để quy đổi ra những chế độ chính sách thì vẫn chưa đủ mà quan trọng nhất là năng lực thực tế của nhà tuyển dụng mong muốn. Như vậy trở lại là vấn đề tiêu chuẩn của chúng ta phải rõ ràng ở từng vị trí công tác. Từ đây mới tạo ra được sự đáp ứng của các ứng viên trong bảng kê khai lý lịch cũng như quá trình công tác của cán bộ. Về cơ bản là chúng ta cũng nhìn thấy một dấu hiệu bằng cấp trong đó học hàm, học vị. Tuy nhiên, rõ ràng năng lực vượt trội của một con người mới là quan trọng.

GS Phạm Hồng Quang cho rằng căn cốt để đánh giá một con người là chất lượng thật, năng lực thật, học thật, thi thật.

Vậy theo ông, làm thế nào để việc học tiến sĩ quay về đúng ý nghĩa của nó rằng đây là nhu cầu tự thân của mỗi người?

Trong quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ xác định rất rõ việc này, có nghĩa là với một nền tảng bắt đầu từ thạc sĩ, thì người học làm nghiên cứu sinh có 2 cấu phần rất quan trọng, đó là học mô - đun, học tín chỉ, có thể nói là rất quan trọng ở từng chuyên ngành sâu và học với tính chất nghiên cứu, với sự dẫn dắt và chủ yếu là hình thức học ở trường đại học mang tính chất nghiên cứu sâu và độc lập. Và quá trình này cũng được kiểm định, được đánh giá, được khẳng định bằng những bộ môn khoa học ở trường đại học.

Điều này khác với một thời gian chúng ta chủ yếu tập trung vào luận án tiến sĩ. Giai đoạn vừa rồi, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường đại học đặt ra vấn đề học nghiên cứu sinh cùng với làm luận án hết sức nghiêm túc và chắc chắn. Thực sự đây là một quá trình tích lũy kiến thức khoa học, sáng tạo đổi mới, làm sao người có trình độ tiến sĩ có tư duy phương pháp luận đúng, có kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu hiện đại. Và đặc biệt là sản sinh ra những ý tưởng, những kết quả để cống hiến cho những lĩnh vực họ đang làm.

Cho nên nếu trong quá trình làm nghiên cứu sinh mà chúng ta quản lý chặt chẽ từ đầu vào quá trình đào tạo ở các trường đại học, các viện nghiên cứu lớn thì tôi cho rằng kết quả chắc chắn sẽ tốt.

Bất cập lớn nhất từ các đề án đào tạo tiến sĩ từ ngân sách nhà nước là số lưu học sinh là sinh viên đi học trở về nước rất ít được các cơ quan nhà nước tuyển dụng với lý do hạn chế chỉ tiêu và điều kiện tuyển dụng cán bộ. Theo ông, cần làm gì để khi đi học xong họ về phục vụ đất nước?

Ở đây có 2 vấn đề xuất hiện trong quá trình triển khai đề án 322, 911 ở các trường đại học. Một là nghiên cứu sinh không về nước. Đây cũng là một hiện tượng mà ta gọi là bình thường trong xã hội hiện nay. Khi người ta học, làm ở một nước môi trường phát triển, theo đuổi một nội dung nghiên cứu rất đam mê thì họ nhận thấy ở môi trường đó người ta sẽ cống hiến được tốt hơn. Và tôi cũng cho rằng quan điểm của Nhà nước có lẽ cũng cần phải xác định rõ là sau khi cống hiến ở nước ngoài, học hành ở nước ngoài đến một ngưỡng nào đó họ quay về đất nước thì điều đó cũng tốt và chính đáng.

Chúng ta cũng không nên căn ke theo kiểu thời gian cụ thể bắt buộc phải quay về nước để phục vụ, tùy theo khát vọng cống hiến nhưng có trường hợp đặc biệt chúng ta cũng phải xem xét trong tình huống cụ thể.

Vấn đề thứ hai là theo đề án 322 và 911, những tiến sĩ theo học ở nước ngoài theo nguyên tắc là phải về tại chỗ mà mình đã ra đi. Tuy nhiên, một số tiến sĩ không muốn ở trường đại học mà muốn di chuyển ra ngoài, thậm chí sang doanh nghiệp. Đây là một xu hướng mà chúng tôi cho rằng cũng phải tính đến và thực tiễn đã xảy ra rồi.

Cho nên trong kết quả hướng dẫn về xử lý hậu tiến sĩ khi học ở nước ngoài về theo đề án 89 tới đây, chúng tôi cũng mong muốn bộ, ngành liên quan có những quy định rõ hơn về vấn đề này, bởi suy cho cùng khi người ta có trình độ tiến sĩ sử dụng đồng tiền của Nhà nước với mục tiêu về cống hiến giảng dạy nghiên cứu cho trường đại học thì chắc chắn họ phải cống hiến đủ số thời gian, đủ điều kiện.

Như vậy Nhà nước, đặc biệt là các trường đại học cũng cần tạo ra môi trường để thu hút nhân tài về nước, tránh chảy máu chất xám, thưa ông?

Đối với một người có trình độ, đặc biệt là đối với giảng viên đại học, dù ở trình độ nào cũng được gọi là những trí thức trong các trường đại học và đào tạo ra những cử nhân. Và đối với một trí thức, theo tôi, điều quan trọng số một là vấn đề đối đãi với chính sách rất cụ thể. Tôi vẫn có mong muốn làm sao để giảng viên trường đại học toàn tâm toàn ý giảng dạy nghiên cứu có chất lượng.

Muốn như vậy, đồng lương và thu nhập của họ phải ở mức khá. Thứ hai, đối với một tiến sĩ, nhà khoa học, điều quan trọng số 2 và quyết định - đó là môi trường làm việc. Môi trường làm việc ở đây không hẳn chỉ là cơ sở vật chất, còn cả môi trường học thuật, môi trường sáng tạo, môi trường dân chủ và đặc biệt là môi trường để họ được cống hiến. Môi trường ấy có thể bằng tư duy của người lãnh đạo quản lý, bằng không khí học thuật, bằng việc cộng hưởng, trí tuệ của họ phải được tôn vinh, được ứng dụng. Điều thứ ba nữa là cơ hội thăng tiến.

Trong bất cứ một trường đại học nào chúng ta cũng nhìn thấy các giảng viên đại học trình độ tối thiểu là thạc sĩ, họ phải có cơ hội để phấn đấu, để cống hiến, được sáng tạo, được chủ trì những đề tài, chương trình. Và đây là trách nhiệm không chỉ riêng các trường đại học mà phải là vấn đề của xã hội, vấn đề định hướng của Đảng và Nhà nước. 

Vừa rồi chúng ta đã có nhiều nghị quyết về trọng dụng nhân tài, coi trọng người có trình độ, có những cống hiến. Tôi cho rằng đã khá đầy đủ. Nhiều trường đại học đã có sức bật rất mạnh mẽ, thực sự đây là môi trường học thuật và sáng tạo, thu hút, giữ chân được đội ngũ cán bộ khoa học rất tốt. Tuy nhiên, đâu đó có nhiều trường đại học chưa làm được điều này, có thể do thiếu nguồn lực, có thể do tư duy vẫn còn khác nhau.

Trong buổi làm việc với Bộ GD&ĐT mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Vậy theo ông, để có “nhân tài thật” theo như chỉ đạo của Thủ tướng thì ngành giáo dục cần phải làm những việc gì?

Theo tôi, muốn có nhân tài không phải tự nhiên mà phải có quá trình chuẩn bị. Trong Điều 2 của Luật Giáo dục năm 2019 đã có sự thay đổi rất quan trọng, phù hợp với định hướng của Nghị quyết 13 của Đảng, đó là mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện con người.

Cho nên ngành giáo dục đã bắt đầu theo đuổi từ Nghị quyết 29 để đổi mới căn bản toàn diện, tạo cơ hội cho tất cả  tiềm năng của đứa trẻ  phát triển từ mầm non đến giáo dục phổ thông. Điểm thứ hai là phát triển giáo dục đại học và đang hướng đến chuẩn quốc tế, chuẩn khu vực nên tôi cho rằng việc chuẩn bị của ngành giáo dục cũng phải nằm trong bối cảnh chuẩn bị của xã hội.

Thêm một yếu tố cuối cùng nữa, đó là vấn đề văn hóa - xã hội. Văn hóa của người Việt chúng ta trọng chữ nghĩa thì đến thời đại này, đến giai đoạn này chúng ta cũng phải trở lại cái căn cốt khi đánh giá một con người, đó là chất lượng thật, năng lực thật, học thật, thi thật và nhân tài thật. 

Xin cảm ơn ông!

Lê Thu thực hiện










 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận