Sự bùng nổ về thông tin đang mang đến cả những cơ hội và thách thức đối với các cơ quan báo chí. Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đang thay đổi để thích ứng với môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt bằng chính những tác phẩm báo chí chất lượng, chuyên nghiệp, đội ngũ làm báo đa phương tiện của mình.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo TNVN đã trò chuyện với nhà báo Phạm Mạnh Hùng (ảnh nhỏ), Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN về câu chuyện làm báo của nhà Đài.
Từ một đài phát thanh, đến thời điểm này, Đài TNVN là một trong những cơ quan truyền thông đầu tiên có đủ 4 loại hình báo chí: Phát thanh - Truyền hình - Điện tử - Báo in. Mỗi loại hình có một đặc thù khác nhau, nhưng cùng chung một tiêu chí cốt lõi - đó là đưa sự thực tới công chúng một cách nhanh nhất. Tiêu chí này đang được VOV thực hiện như thế nào, thưa ông?
Đài TNVN là một trong những cơ quan báo chí chủ lực Quốc gia. Với thế mạnh là cơ quan truyền thông đa phương tiện, các tác phẩm báo chí của Đài được thể hiện một cách chuyên nghiệp và được phân phối trên các nền tảng, giúp Đài khẳng định được uy thế, uy lực về báo chí, khả năng tiếp cận đến đông đảo công chúng, qua đó, Đài thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng, về các vấn đề thời sự nóng nhất trong mọi lĩnh vực đến với công chúng trong và ngoài nước bằng các ngôn ngữ khác nhau.
VOV nói riêng cũng như báo chí nói chung đang đứng trước những cơ hội, cũng là những thách thức rất lớn - đó là sự bùng nổ về thông tin. Do sự phát triển của các nền tảng công nghệ xuyên quốc gia, các mạng xã hội lớn, công chúng tiếp cận được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau một cách tức thời.
Chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh, mỗi cá nhân có thể tự sản xuất tin tức, nội dung ở cả dạng sơ khai lẫn chuyên nghiệp và đưa lên mạng xã hội. Điều này tạo ra một không gian thông tin rất lớn nhưng phức tạp, trong đó có cả sự tốt đẹp, tử tế và cả rác rưởi.
Đối với đội ngũ làm báo đa phương tiện của Đài TNVN, đây được coi là cơ hội để nhìn lại mình, làm sao đưa tin một cách nhanh, chính xác và thật chất lượng đến công chúng. Để làm được như vậy thì kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ PV, BTV là yếu tố hàng đầu, sau đấy là sự hỗ trợ của các công cụ và nền tảng kỹ thuật mà Đài TNVN đang sở hữu.
Đồng thời phải xác định không chỉ chiến thắng ở tốc độ mà còn về chất lượng thông tin, ở cách đưa tin một cách chuyên nghiệp. Chừng nào chúng ta kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa sự nhanh nhạy, bản lĩnh, sáng tạo, sắc bén của người làm báo với các nền tảng, thành tựu công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật thì chúng ta sẽ chiếm lĩnh được công chúng và góp phần định hướng dư luận bằng những thông tin chủ động, tích cực của mình.
Đối tượng công chúng hiện nay rất đa dạng. Các kênh thông tin của VOV có chia thành các phân khúc để đáp ứng mọi đối tượng tiếp nhận không, thưa ông?
Giữa dòng thác lũ thông tin ngồn ngộn như hiện nay thì dần dần người đọc sẽ quan tâm nhiều đến những thông tin mang tính trí tuệ, mang lại kiến thức, có giá trị để phục vụ nhu cầu trong đời sống, trong công việc.
Tôi rất tâm huyết với phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khi làm việc với một số lãnh đạo báo chí: “Vai trò quan trọng nhất của báo chí là hoạt động trong vùng xám”. “Vùng xám” ở đây có nghĩa là khi thông tin còn chưa rõ ràng, chưa ai nhìn ra, dư luận còn băn khoăn thì báo chí xuất hiện, phát hiện ra và thể hiện được chính kiến, khẳng định điều ấy là đúng hay sai, sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?… Đấy chính là sự nhạy bén của báo chí, cũng là một phần của câu chuyện mà chúng ta đang nói tới là báo chí phải vừa nhanh, vừa có trí tuệ, vừa có tầm.
Đài TNVN - một cơ quan truyền thông Quốc gia, là một công cụ thông tin sắc bén của Đảng và Nhà nước, là một diễn đàn của quần chúng nhân dân, vừa thỏa mãn nhu cầu thông tin, nâng cao tri thức, bảo tồn văn hóa dân tộc, giải trí thì càng cần tăng cường trí tuệ trong mỗi sản phẩm báo chí; đồng thời những thông tin, bài viết phải mang tầm của một cơ quan báo chí quốc gia. Các tác phẩm báo chí vừa phục vụ yêu cầu của đời sống, của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, mở cửa hội nhập, vừa phải tạo ra được cảm hứng, khát vọng đổi mới phát triển đất nước. Làm được như vậy, chúng ta sẽ chinh phục được công chúng, khẳng định được uy tín với công chúng.
Ngoài phân khúc về thông tin, đẩy mạnh hoạt động của báo chí trong “vùng xám” như ông vừa nói thì Đài TNVN hẳn cũng xác định rõ từng đối tượng thính giả khác nhau để cung cấp thông tin cho phù hợp, thưa ông?
Trong 4 loại hình báo chí Đài TNVN hiện có, đối với phát thanh, chúng ta đang tổ chức theo hướng chuyên biệt hơn để đáp ứng nhu cầu thông tin rất đa dạng của công chúng nhưng thuộc từng lĩnh vực cụ thể. Đối với Kênh VOV Giao thông, Đài sẽ tăng diện phủ sóng của kênh này nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thông tin về giao thông và đời sống đô thị.
Hiện Kênh VOV Giao thông đã vào thị trường phía Nam, được công chúng vùng châu thổ sông Mê Kông đón nghe. Chúng ta phải tiếp tục phát huy lợi thế này để mở rộng, phát triển Kênh VOV Giao thông hơn nữa, phát huy tính chuyên biệt của Kênh là phục vụ những người đang di chuyển và các vấn đề của đời sống đô thị.
Kênh Thời sự VOV1 - kênh chủ lực quan trọng nhất của Đài - đang được đẩy mạnh tính chuyên biệt hóa, chuyên về các tin tức thời sự, phân tích các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế, mục tiêu trở thành một kênh phát thanh tin tức thời sự lớn nhất Việt Nam. Với 2 tờ báo điện tử (VOV.VN và VTCNews), yêu cầu đặt ra là phải chiếm lĩnh được càng nhiều công chúng mạng càng tốt, xây dựng được thương hiệu của Đài; đồng thời tích hợp được tính đa phương tiện trong mỗi tác phẩm trên báo điện tử.
Báo in Tiếng nói Việt Nam phải đi vào chuyên sâu, bởi không thể giải quyết vấn đề về tốc độ trong bối cảnh hiện nay. Mức độ chuyên sâu của báo in, nhất là với tạp chí Sóng Việt, yêu cầu còn cao hơn các sản phẩm Multimedia hay Longform trên hệ thống điện tử, phải thực sự là sản phẩm báo chí đặc sắc, có chiều sâu và chất lượng trình bày cao nhất thì mới hấp dẫn được bạn đọc, mới bán được báo.
Để quy hoạch các kênh phát thanh, các kênh truyền hình, báo in, báo điện tử theo hướng chuyên biệt, chuyên sâu, chuyên nghiệp, hiện đại, thì phải đổi mới chính tư duy quản trị báo chí và đổi mới năng lực làm báo trong đội ngũ nhà báo của Đài TNVN. Và yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất.
Con người phải có khát vọng đổi mới, có niềm đam mê, tinh thần dấn thân, có niềm tự hào và trách nhiệm với lịch sử hơn 76 năm của Đài TNVN thì mới có quyết tâm cao nhất để đổi mới, phát triển Đài TNVN xứng đáng là một trong những cơ quan báo chí chủ lực hàng đầu Quốc gia. Uy tín của VOV với công chúng không phải được tạo nên một sớm một chiều mà qua bề dày lịch sử, là quá trình làm việc chăm chỉ, chuyên cần, chuyên nghiệp và đam mê, dấn thân của đội ngũ phóng viên của Đài thế hệ sau tiếp nối thế hệ đi trước.
Với thế mạnh là cơ quan truyền thông đa phương tiện, VOV làm thế nào để tích hợp hiệu ứng xã hội của 4 loại hình báo chí trong một chiến dịch truyền thông, thưa ông?
Hiện nay khả năng điều phối thông tin trên 4 loại hình truyền thông của Đài đang thực hiện tương đối tốt. Thông qua các buổi giao ban hằng ngày, chúng ta đánh giá thông tin trên tất cả các kênh của Đài ở 5 trụ cột: Thời sự chính trị - Kinh tế - Xã hội - Thể thao và Văn hóa - Thế giới, để nhận thấy những gì làm được - chưa làm được. Qua chỉ đạo của Tổng Giám đốc và trên cơ sở diễn biến tình hình tin tức thực tế, chúng ta chọn những tuyến vấn đề để triển khai thực hiện trên tất cả các kênh, báo của Đài.
Trong việc kết hợp sức mạnh của 4 loại hình báo chí, chúng ta tiến tới bước nữa là phối hợp giữa các kênh có nội dung gần nhau, ví dụ về tin tức thời sự thì VOV.VN, VTCNews, VOV1 và các kênh truyền hình có thể phối hợp để đẩy vấn đề đó lên, tạo sự lan tỏa và sức mạnh trong công chúng. Về đối ngoại thì VOV5 và VTC10 có thể kết hợp làm cùng nâng cao tuyến vấn đề...
Hoặc chúng ta có thể sản xuất những sản phẩm báo chí mang tính chiều sâu, phát một phần trên hệ thống phát thanh, truyền hình, mặt khác thể hiện trên nền tảng báo điện tử và báo in. Nhiều hình thức thể hiện, và trên nhiều nền tảng như vậy sẽ tạo ra hiệu ứng cao hơn về mặt thông tin. Đây là một lợi thế mà không phải cơ quan báo chí nào cũng có.
Có một thực tế là dư luận xã hội hiện có cái nhìn thiếu thiện cảm với nhà báo do tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”, khiến những nhà báo chân chính ít nhiều chạnh lòng. Nhân Ngày Báo chí cách mạng 21/6, ông có chia sẻ điều gì với các phóng viên, biên tập viên của VOV?
Để người ta nhìn xấu về nhà báo có một phần lỗi của các nhà báo. Rõ ràng ngoài đại bộ phận giới báo chí là những người chuyên nghiệp, có phẩm chất về đạo đức và tính chuyên nghiệp, khiến xã hội nể trọng qua các bài viết, cách đưa tin, cách làm việc với đối tác, với cơ sở, với công chúng thì vẫn còn một bộ phận nhỏ nhưng tác động lớn - đấy là những nhà báo vì lợi ích vật chất mà làm những điều trái với đạo đức nghề nghiệp, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cơ sở, đưa tin thiên vị một chiều, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức…
Để xã hội nhìn nhà báo với sự nể trọng thì về mặt quy trình tác nghiệp, quy chế nghề nghiệp, quy định nội bộ của từng Ban biên tập, từng tờ báo phải chặt chẽ, quán triệt tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, kiểm soát, giáo dục - đào tạo bài bản và khi có vi phạm thì phải xử lý nghiêm, cầu thị.
Một tờ báo có ngay ngắn hay không là do người đứng đầu. Và tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp là: Danh dự, uy tín, giá trị của Đài đã được nhiều thế hệ dày công vun đắp thì chúng ta phải biết trân trọng, gìn giữ và phát huy. Thời nay có nhiều thách thức lớn hơn ngày xưa và kinh tế báo chí cũng đang đứng trước những thử thách rất khó khăn nhưng không vì thế mà ta chùn bước.
Phải biết cách đổi mới để từng kênh, báo trong Đài TNVN nói riêng và Đài TNVN nói chung trở thành một cơ quan báo chí được công chúng tin tưởng, yêu mến.
Nghề báo không phải nghề mang lại sự giàu sang. Nếu chọn nghề báo để làm giàu thì có lẽ ai đó đã chọn sai. Chọn nghề báo là chọn sự dấn thân và phụng sự. Nếu làm báo đúng nghĩa của một nhà báo chân chính thì nghề báo là nghề vinh quang, được xã hội nể trọng, công chúng tin yêu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Vũ thực hiện