Làm gì để người dân 'miễn dịch' trước tin giả?

Phóng viên VOV bàn luận nội dung này với luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TP.HCM.

 

Nhận diện tin giả, nguyên nhân xuất hiện, tác hại của nó và đề xuất giải pháp ngăn chặn tin giả để người dân có ý thức nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống tin giả, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội là vấn đề vô cùng quan trọng. VOV bàn luận nội dung này với luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TP.HCM.

Ngày 13/7 vừa qua xuất hiện tin giả rằng TP.HCM sẽ áp dụng lệnh phong tỏa toàn thành phố, không cho người dân ra đường và dừng toàn bộ nhà máy sản xuất từ 0h ngày 15/7 khiến nhiều người dân bất chấp lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đổ xô đến các siêu thị, trung tâm thương mại mua tích trữ thực phẩm. Việc tin giả phát tán vào đúng thời điểm này đã gây khó khăn như thế nào cho công tác phòng chống dịch tại TP.HCM, thưa ông?

TP.HCM đang có những biện pháp phòng chống dịch rất tích cực, nhưng với dân số của TP.HCM đông như vậy thì việc xuất hiện tin giả vào thời điểm này gây ảnh hưởng đến thành phố rất nhiều, làm cho giá cả hàng hóa tăng cao, và đây là cái khó khăn cho người dân TP.HCM.

Tin giả đang xuất hiện ngày càng đa dạng với muôn hình vạn trạng, từ công khai trên mạng xã hội cho đến những hội, nhóm kín… Và để tăng thêm phần tin cậy cho tin giả của mình, người tung tin giả đã cài cắm các yếu tố tạo sự gần gũi như: Có ông chú làm ở Ban chỉ đạo chống dịch, có bà chị làm ở UBND quận vừa họp về nhắn nhỏ cho biết. Ông có phân tích gì về kiểu tin giả như vậy?

Ngày 13/7 xuất hiện thông tin giả về việc TP. HCM sẽ áp dụng lệnh phong tỏa thành phố khiến người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Tin giả thời nào cũng có, nhưng mạng xã hội hiện nay là một mảnh đất màu mỡ cho các tin giả lan tràn. Các cá nhân lúc nào cũng sẵn sàng đăng các dòng trạng thái mà họ cho rằng sẽ được nhiều người đọc. Họ thấy sung sướng khi đăng vài câu mà hàng nghìn người vào đọc và chia sẻ, tin càng giật gân thì càng được chia sẻ nhiều.

Điều đáng buồn là bản năng con người đã giúp lan truyền tin giả này. Ai cũng muốn có gì đó mới lạ, đặc sắc để khoe với bạn bè. Ai cũng nghĩ đó là vô hại vì đăng hôm nay, nếu một ngày mai bị phát hiện thì xóa đi. Hoặc còn có kiểu như thách thức pháp luật, nghĩ rằng đang sử dụng tài khoản giả nên các cơ quan chức năng không biết. Hậu quả của những tin giả với hàng loạt thủ đoạn, cách thức cài cắm đang gây ra rất nhiều hậu quả cho xã hội.

Dường như đang ngày càng có nhiều facebooker có sở thích đăng tin giật gân câu view, thậm chí biết tin giả vẫn đăng để tăng lượt follow, lượt like, lượt chia sẻ. Và với những thủ đoạn, cách cài cắm trong tin giả không mới, ví dụ đan xen giữa tin giả và tin thật, tin chưa được kiểm chứng, nhưng vì sao nhiều người dân vẫn bị mắc lừa như vậy?

Theo một nghiên cứu gần đây về Covid-19 thì nạn nhân của tin giả tập trung cao ở những người đọc tin trên mạng xã hội. Nếu chúng ta có thói quen mở facebook đọc tin mỗi ngày thì chúng ta có khả năng bị tin giả qua mặt. Khi nghe nhiều thì tin giả sẽ trở thành đúng và chúng ta sẽ trở thành nạn nhân.

Kể cả khi các trang tin có uy tín xuất hiện trên facebook cũng sẽ bị nuốt chửng bởi tần số và cường độ tin giả chia sẻ với bạn bè, gia đình và các trang không kiểm chứng. 

Sự lo âu của người dân khi đứng trước dịch bệnh là điều đương nhiên và theo tôi việc nghe ngóng tâm tư nguyện vọng cũng như khả năng truyền đạt của chính quyền đến người dân còn hạn chế, tin thật lại luôn đến chậm so với tin giả.

Điều quan trọng là cơ chế đặt ra như thế nào để ngăn chặn được tin giả, thưa ông? 

Xảy ra tình trạng này, theo tôi là do người dân bị thiếu thông tin chính thống. Các báo đài thì đợi chờ thông tin chính thức từ phía chính quyền mới lên tiếng.

Và điều đặc biệt là chúng ta phản ứng chậm. Qua sự việc này, tôi mong Ban Tuyên giáo, các sở thông tin truyền thông hoặc người phát ngôn ở UBND các cấp cần có cơ chế để phản bác một cách nhanh chóng, kịp thời trước các thông tin giả mạo.

Thế còn ở khía cạnh pháp luật, ông có cho rằng mức xử lý đối với người đưa tin giả cần mạnh hơn, thậm chí là xử lý hình sự để tăng sức răn đe?

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 101 nghị định 15 năm 2020 của Chính phủ thì hiện nay chúng ta chỉ có phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với các tổ chức có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật. Đối với cá nhân, mức phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng.

Trong trường hợp người nào có hành vi đưa lên mạng thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc vu khống thì sẽ bị xử lý theo tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015, hoặc chỉ với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200.000.000 đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm. Mức xử phạt này còn rất thấp nên không có tính răn đe và phòng ngừa chung.

Ngoài ra, mức độ xử phạt đến đâu phải được đánh giá phụ thuộc vào độ ảnh hưởng, mức độ nổi tiếng của người đưa tin giả chứ không phải tất cả mọi người đều có mức phạt như nhau.

Xin cảm ơn luật sư!

Thanh Trường thực hiện







 




 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận