Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021: Những nút thắt cần tháo gỡ

Phóng viên VOV đã bàn luận về vấn đề này với ông Phan Đức Hiếu, ĐBQH khóa XV

 

Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1082 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Công điện của Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, nhưng việc giải ngân còn chậm do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Phóng viên VOV đã bàn luận về vấn đề này với ông Phan Đức Hiếu, ĐBQH khóa XV.

Ông nhìn nhận như thế nào về tầm quan trọng của nguồn vốn đầu tư công đối với nền kinh tế đất nước, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay?

Có 2 tiêu chí quan trọng khi lựa chọn đầu tư một dự án hay một công trình. Một là tính cấp thiết - nghĩa là chúng ta phải làm ngay vì mục tiêu phát triển đời sống - kinh tế - xã hội (KT-XH). Bởi vậy, nếu nguồn ngân sách hạn hẹp thì thậm chí chúng ta phải tính đến việc đi vay hoặc các khoản ODA để thực hiện được các hoạt động đầu tư này.

Thứ hai là tính lan tỏa. Các công trình này không chỉ đáp ứng ngay một nhu cầu nào đó mà còn tạo ra nền tảng, động lực cho sự phát triển kinh tế và nâng cao năng lực quốc gia.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, nếu không hoàn thành hay không thực hiện theo đúng kế hoạch đầu tư công (ĐTC) thì không chỉ không đáp ứng được mục tiêu đề ra mà còn làm giảm hiệu quả, tăng chi phí của các hoạt động đầu tư, tạo ra những tác động bất lợi khác đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi chúng ta bị đứt gãy các chuỗi cung cầu, sản xuất hàng hóa bị đình trệ, làm giảm sự phát triển của nền kinh tế, thì ĐTC càng phải phát huy vai trò tạo ra động lực tăng trưởng.

Như vậy, ĐTC có 2 tác động rất quan trọng đối với kinh tế đất nước, đó là phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH và tạo ra nền tảng hạ tầng để thực hiện mục tiêu phát triển dài hạn. Trong bối cảnh của dịch Covid-19 hiện nay thì đó là tạo công ăn việc làm, tạo động lực để phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Nếu không giải ngân hết được nguồn vốn ĐTC của năm 2021 theo mục tiêu kế hoạch đề ra sẽ ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế của nước ta, thưa ông?

Nếu tính cả giai đoạn phát triển kinh tế thì năm nay được gọi là năm bản lề cho giai đoạn phát triển kinh tế 2021 - 2025. Kế hoạch ĐTC trong năm bản lề không chỉ là giải ngân nguồn vốn, đóng góp cho sự phát triển thông qua giải ngân đúng kế hoạch mà còn tạo ra nền tảng hạ tầng làm bản lề cho sự phát triển của cả một giai đoạn phát triển KT-XH.

Như vậy, nếu không hoàn thành đúng kế hoạch đề ra thì lợi ích mất đi ở đây không chỉ là dự án, công trình không được hoàn thành mà là mất đi cả một cơ hội kinh doanh cũng như cơ hội phát triển cho giai đoạn tiếp theo. 

Đầu tư công có 2 tác động rất quan trọng đối với kinh tế đất nước, đó là phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH và tạo ra nền tảng hạ tầng để thực hiện mục tiêu phát triển dài hạn.

Bên cạnh đó còn tạo ra những hậu quả khác nữa. Ví dụ, một dự án về cảng hay đường giao thông, nếu chúng ta hoàn thành sớm và đưa vào khai thác thì sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho sự phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.

Ngoài ra là các thiệt hại khác như làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa do hàng hóa không được lưu thông tốt, hay làm tăng chi phí phát sinh do việc chậm thực hiện các hoạt động về dự án ĐTC.

Thủ tướng đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân nguồn vốn ĐTC trong thời gian qua. Theo ông, trong các nguyên nhân đó thì đâu là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến giải ngân chậm nguồn vốn này 7 tháng qua?

Vấn đề giải ngân vốn ĐTC được coi là một trong những ưu tiên cần phải giải quyết trong vài năm qua và được nhấn mạnh nhiều hơn trong 1, 2 năm trở lại đây, đặc biệt trong năm 2021 khi đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Chính phủ và các bộ, ngành cũng có rất nhiều cuộc họp phân tích, đánh giá tình hình, tìm nguyên nhân.

Công điện 1082 của Thủ tướng cũng nêu rất rõ nguyên nhân và khẳng định: Về khách quan, việc chậm giải ngân vốn ĐTC một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính - đó là tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành và quá trình tổ chức, thực hiện dự án đầu tư công. Một số nơi, bộ, địa phương thiếu quyết tâm chính trị, thiếu sự quyết liệt và vai trò của người đứng đầu chưa thực sự phát huy trong việc đôn đốc, thúc đẩy cũng như tổ chức thực hiện ĐTC.

Nhiều nguyên nhân chủ quan nằm trong suốt quá trình tổ chức thực hiện các dự án ĐTC, từ tổ chức thiết kế thi công đến đấu thầu lựa chọn, giải phóng mặt bằng...

Ông nhìn nhận như thế nào về nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công ở địa phương?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến chậm tiến độ thi công dự án ĐTC. Ngoài nguyên nhân giải phóng mặt bằng còn có hiện tượng thi công cầm chừng, và nguyên nhân của thi công cầm chừng thì có rất nhiều. Theo phản ánh của một số DN, việc thi công cầm chừng cũng không hẳn do lỗi ở phía các nhà thi công. Ở rất nhiều dự án, các nhà thi công phản ánh việc cầm chừng là do chậm giao vốn hoặc bàn giao vốn không đủ. Ngoài ra, gần đây có trường hợp thi công cầm chừng là do giá nguyên vật liệu tăng.

Trong trường hợp này, các bộ, ngành và địa phương cần có sự giám sát chặt chẽ, độc lập, khách quan để từ đó có cảnh báo về những công trình chậm tiến độ. Tuy nhiên, việc thực hiện nghiêm trách nhiệm hợp đồng của các bên trong việc thi công các dự án ĐTC là rất quan trọng.

Việc vi phạm hợp đồng cần phải xử lý nghiêm và không phân biệt các bên trong hợp đồng là nhà nước hay doanh nghiệp để từ đó xác định rõ trách nhiệm, tăng tính liêm minh, tính kỷ luật cũng như đảm bảo tiến độ thi công. Như vậy giúp giảm bớt phần nào tình trạng chậm thi công.

Tỷ lệ giải ngân của năm 2021 phải đạt trên 95% kế hoạch để góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thủ tướng cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, cơ quan T.Ư và địa phương. Ông nhìn nhận như thế nào về các yêu cầu này của Chính phủ và Thủ tướng từ Công điện 1082?

Công điện 1082 của Thủ tướng Chính phủ nêu ra các giải pháp khá toàn diện, cụ thể và các giải pháp này đều hướng đến giải quyết các vấn đề là nguyên nhân làm chậm trễ giải ngân vốn ĐTC.

Những giải pháp mà Thủ tướng nêu ra từ việc xử lý nghiêm trách nhiệm hành chính, thậm chí phải thay thế kịp thời những cán bộ công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu tiêu cực khiến làm chậm quá trình thực hiện dự án ĐTC, hoặc thành lập một tổ công tác đặc biệt (TCTĐB) để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC trong từng bộ, từng cơ quan, từng địa phương.

Điều kiện nào để tổ công tác đặc biệt của các bộ, ngành, địa phương hoạt động hiệu quả, thưa ông?

Việc thành lập TCTĐB tại chính các bộ, ngành, địa phương sẽ đảm bảo tính thực tiễn, tính sâu sát và tính quyết liệt rất cao.

Trong bối cảnh này, để TCTĐB hoạt động hiệu quả thì có mấy yếu tố nên lưu tâm. Đầu tiên là tính quyết liệt của TCTĐB và tổ công tác này cũng phải có một số thẩm quyền nhất định.

Công điện của TTCP cũng đã nêu rõ người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải là tổ trưởng TCTĐB. Tuy nhiên, để TCTĐB hoạt động tốt còn phải đảm bảo tổ công tác có tính khách quan và tính độc lập, như vậy sẽ giúp tổ công tác có thể ra quyết định nhanh, kịp thời và đảm bảo được chức năng giám sát, đôn đốc có hiệu quả.

Hiệu lực, hiệu quả của TCTĐB này còn phụ thuộc vào chức năng thứ hai - đó là tính chuyên môn.

Nếu được thành lập với các thành viên có tính chuyên môn cao thì TCTĐB sẽ hỗ trợ ban quản lý dự án và các bên có liên quan trong từng dự án cụ thể về mặt chuyên môn.

Có thể có những dự án chậm triển khai do những lúng túng nào đó về mặt chuyên môn hoặc trong việc tuân thủ các quy định pháp luật thì tính chuyên môn cao sẽ giúp TCTĐB hoàn thiện nhanh nhất các thủ tục, thậm chí phát hiện sớm, kịp thời các sai sót, từ đó giúp các dự án triển khai nhanh, an toàn hơn.

Điều đặc biệt quan trọng ở tính chuyên môn cao là cải cách thể chế - một giải pháp dài hạn rất quan trọng trong công điện của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thể chế.

Theo ông, giải pháp nào giúp đẩy nhanh tiến độ nguồn vốn ĐTC những tháng cuối năm này, và để đảm bảo được những yêu cầu về đẩy mạnh giải ngân nhưng cũng phải đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ĐTC?

Công điện 1082 đã đưa ra rất nhiều giải pháp toàn diện, tổng thể cũng như chi tiết cho những vấn đề bất cập mà chúng ta đã nêu.

Ngoài ra cũng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc thực hiện các giải pháp khác trong phạm vi thẩm quyền của các bộ để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ thực hiện các dự án ĐTC từ nay đến cuối năm. Tôi nhận thấy có mấy điểm cần lưu ý thêm như thế này:

Thứ nhất, về phía các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của TCTĐB trong việc đôn đốc, giám sát và hỗ trợ chuyên môn trong việc thúc đẩy các dự án ĐTC. Giữa các bộ, ngành, địa phương khác nhau thì các khó khăn, vướng mắc và mức độ khó khăn, vướng mắc đối với những dự án đầu tư cũng sẽ khác nhau.

Do đó, TCTĐB của các bộ, ngành, địa phương nếu được thành lập và hoạt động thì ngoài hai nhiệm vụ chính là giám sát, đôn đốc và hỗ trợ chuyên môn thì cần bám sát thực tiễn của địa phương, như vậy mới biết được đâu là những nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc điển hình để tháo gỡ.

Ngoài ra, TCTĐB nên phát huy sáng kiến, sáng tạo từ chính thực tiễn của bộ, ngành và địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương cũng nên phối hợp với nhau để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện giải ngân vốn ĐTC.

Đặc biệt, việc sửa đổi thể chế không chỉ quan trọng trong bối cảnh ngắn hạn mà nó còn tạo ra một nền tảng dài hạn - nghĩa là sẽ đảm bảo cho hoạt động ĐTC đúng kế hoạch, phát huy tối đa các hiệu quả về lâu dài nên việc các bộ, ngành, địa phương rà soát tổng thể, phát hiện những vướng mắc, bất cập về mặt thể chế để từ đó kiến nghị Chính phủ hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi ngay các quy định có liên quan sẽ là một giải pháp rất quan trọng trong các thứ tự ưu tiên.

Xin cảm ơn ông!
Nguyên Long thực hiện













 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận