TS.BS Đỗ Ngọc Sơn: Hỗ trợ tâm lý góp phần vào thành công điều trị

Đây là điều mà TS.BS Đỗ Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai nhấn mạnh

 

Đây là điều mà TS.BS Đỗ Ngọc Sơn (ảnh nhỏ) - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai nhấn mạnh trong việc điều trị của Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 BV Bạch Mai, tại tâm dịch TP.HCM khi trao đổi với Báo Tiếng nói Việt Nam.

Là chuyên gia hồi sức cấp cứu đầu ngành từng “chinh chiến” hỗ trợ các tâm điểm từ các đợt bùng dịch trước, xin ông cho biết nhiệm vụ của các y bác sĩ BV Bạch Mai ở đợt xuất quân chi viện cho miền Nam lần thứ 4 này?

Từ khi dịch bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phía Nam, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đã chi viện cho TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL hơn 500 cán bộ chủ yếu bác sĩ, điều dưỡng là những chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, gây mê hồi sức, hô hấp, tim mạch, truyền nhiễm, chống nhiễm khuẩn, các chuyên ngành nội…

Đây là lực lượng đã kinh qua “chiến trường” tại các vùng dịch như Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang. 

Chúng tôi đảm trách xây dựng 1 Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 BV Bạch Mai (gọi tắt là Trung tâm) đặt tại BV Dã chiến số 16 (ở đường Đào Trí, quận 7, TP.HCM) hiện đại bậc nhất, quy mô 500 giường hồi sức tích cực với kỹ thuật cao cấp nhất.

Trung tâm đang triển khai một cách đồng bộ thu dung những bệnh nhân (BN) mắc Covid-19 từ nặng đến nguy kịch từ các BV dã chiến và những cơ sở y tế không có khả năng điều trị.

Gần đây, Bạch Mai đã huy động một đoàn công tác khổng lồ với 850 thành viên thuộc Trường Cao đẳng Y tế BV Bạch Mai vào TP.HCM với tinh thần xung phong xung kích, tham gia trực tiếp hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng theo lời kêu gọi của Bộ Y tế. Đây là 1 trong những lần mà BV Bạch Mai xuất quân với số lượng lớn nhất và quy mô lớn nhất.

Đảm trách chính hoạt động của cả BV Dã chiến số 16 có tổng cộng gần 3.000 giường, trong đó 500 giường thuộc Trung tâm HSTC, BV Bạch Mai cử rất nhiều chuyên gia liên quan từ hồi sức đến các lĩnh vực điều trị các bệnh nền.

Thậm chí, chúng tôi còn cử 1 đội về sức khỏe tâm thần vừa để hỗ trợ điều trị bệnh đồng thời tăng cường trị liệu về tâm lý cho BN. Và với số lượng nhân viên y tế đặc biệt dày dặn kinh nghiệm từ các chuyên ngành kể trên, tôi tin tưởng đây là một Trung tâm rất tốt để anh em vận hành hết công suất mọi công tác điều trị. 

Trong quá trình triển khai thiết lập Trung tâm, các y bác sĩ của BV Bạch Mai phải đối mặt với những khó khăn gì? Và kết quả đạt được tới thời điểm hiện tại như thế nào, thưa ông?

Đợt bùng phát dịch thứ 4 này ở TP.HCM, chúng tôi chứng kiến mức độ dịch rất khủng khiếp với số ca mắc rất nhiều, đặc biệt là số ca chuyển nặng nhanh và nguy kịch.

Vì vậy, công tác chuẩn bị thiết lập Trung tâm của chúng tôi vô cùng vất vả. Chúng tôi phải chạy đua với thời gian, chỉ hơn 1 tuần lễ để thiết lập xong tất cả các hạng mục được gọi là quan trọng nhất của một Trung tâm HSTC hiện đại ngang hàng thế giới. Ví dụ: hệ thống oxy, máy thở, máy theo dõi, bơm tiêm truyền dịch, máy ECMO, máy lọc máu, hệ thống camera theo dõi trung tâm, các cơ sở hạ tầng… 

Do áp lực về thời gian, tiến độ nên chúng tôi làm việc 24/7, không có ngày nghỉ, không phân biệt đêm ngày và nghỉ ngơi để làm sao có thể hoàn thành được Trung tâm sớm nhất, đưa vào phục vụ cứu chữa cho thật nhiều BN trên địa bàn TP.HCM.

Sau 1 tuần khánh thành, Trung tâm đã tiếp nhận gần 200 BN nặng. Có 20 ca đã hồi phục, các BN khác được áp dụng đúng các phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Và những ngày tiếp theo, số BN tiếp tục tăng, hiện nay Trung tâm chúng tôi đang điều trị những ca nặng nhất của TP.HCM, có những ca nguy kịch phải làm ECMO (tim phổi nhân tạo).

Vì là tuyến điều trị BN nặng nên y bác sĩ tại đây bất kể ngày đêm đều luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận, đưa BN vào điều trị khẩn trương nhất. Từng phòng cấp cứu đều có chuông báo động và các hoạt động được kết nối với Trung tâm điều hành qua hệ thống camera. Bất cứ biến chuyển nào của BN đều nắm được ngay để có hướng điều trị hợp lý.  

Trong những ngày qua, lực lượng y bác sĩ của BV Bạch Mai từ Hà Nội vào làm việc tại Trung tâm đã vượt qua nỗi nhớ nhà, chạy đua với thời gian để làm sao điều trị có hiệu quả cho BN. Đến nay, sau hơn 2 tuần vận hành, trong tổng số hơn 450 lượt BN nặng đang được tiếp nhận điều trị tại đây thì có tới 50 BN đã bỏ máy thở, đang trong giai đoạn bình phục.

Đặc biệt, có BN đã hồi phục một cách ngoạn mục. Điển hình như cô gái 24 tuổi, nặng 130kg bị tổn thương phổi quá nặng, nghiêm trọng, trên nền bệnh béo phì, sau khoảng 10 ngày, với sự nỗ lực của BN và đội ngũ y bác sĩ xuyên ngày đêm cứu chữa đồng thời trấn an tâm lý kịp thời, cô gái trẻ đã cai được máy thở.

Những kết quả đó vừa là động lực vừa là món quà vô giá đối với chúng tôi.

Rõ ràng, việc bố trí cả 1 đội ngũ hỗ trợ điều trị về tâm lý, vừa giúp các thầy thuốc giảm nhiều áp lực vừa giúp người bệnh chuyển biến tích cực?

Đấy là điều đương nhiên rồi. Chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ là điều trị bệnh, mà còn phải quan tâm đến điều trị tâm lý cho họ.

Và cách tiếp cận người bệnh như một người bình thường cũng là một biện pháp đã giúp BV Bạch Mai đạt được những kết quả cao trong điều trị BN Covid-19 tại Trung tâm HSTC ở TP.HCM.

Đối với người bệnh Covid phải chịu tác động chính của virus trên hệ thống mạch máu và phổi, hệ thống tim mạch, thận, đồng thời có thể tác động trực tiếp trên não.

Chính sự thay đổi về não bộ như vậy, BN có thể sẽ gặp các rối loạn về mặc cảm.

Ngoài ra, các triệu chứng về khó thở, tim mạch sẽ ảnh hưởng đến thần kinh làm cho BN Covid có thể rối loạn về tâm thần. Khi ấy chúng tôi có những tình nguyện viên đến nói chuyện, thậm chí hỗ trợ họ kết nối qua Zalo, Viber... để có thể trao đổi trò chuyện với họ.

Qua đó, chúng tôi nhận thấy những chuyển biến rất tích cực. Đơn cử, có những BN chưa bao giờ sống trong một tập thể, hay sống xa nhà…

Khi họ phải vào Trung tâm HSTC điều trị bệnh thì họ gặp rối loạn thần kinh trầm trọng như lo lắng, loạn thần, đại tiểu tiện mất tự chủ…

Nhưng được các tình nguyện viên đến động viên, trao đổi, sau đó kết nối điện thoại để họ nói chuyện với người thân trong gia đình, sau đấy tinh thần họ được thoải mái và dần trở về trạng thái bình thường, yên tâm điều trị bệnh.

Ngoài nhiệm vụ chữa trị BN nặng tại Trung tâm, đội quân chi viện lần này còn đảm trách những công việc gì, thưa ông?

Ngoài công tác vận hành Trung tâm HSTC hàng đầu của Việt Nam, Bộ Y tế còn giao cho Bạch Mai giúp BV dã chiến số 16, BV quận 7, BV quận 8, BV huyện Cần Giờ, BV Nhà Bè, BV dã chiến số 1 Thủ Đức, BV dã chiến Tâm Đức, BV Pháp Việt, BV Tân Hưng…

Những cơ sở này chúng tôi phải liên tục trao đổi, đào tạo giúp anh em có thể tiếp cận, bố trí công việc để phân luồng BN tốt hơn, điều trị BN tốt hơn.

Chúng tôi còn kết hợp với Sở Y tế TP.HCM đào tạo 3.000 - 4.000 nhân viên y tế trên địa bàn TP.HCM về các kỹ thuật chăm sóc, điều trị và hồi sức cho BN Covid-19, với mục tiêu bằng mọi giá giảm thiểu tình trạng BN nặng và tử vong thấp nhất có thể.

Với số lượng nhân viên y tế như hiện nay, liệu có đáp ứng được số BN ngày một đông. Và kịch bản tiếp theo của BV Bạch Mai sẽ như thế nào?

Ngoài đội ngũ hơn 200 bác sĩ và 400 điều dưỡng, Trung tâm còn được các tôn giáo đến hỗ trợ, giúp sức cho nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị BN. Nhờ sự chăm lo chu đáo của các tổ chức thiện nguyện, tinh thần, ý chí của tập thể thầy thuốc ở đây vẫn rất tốt.

Nếu số lượng BN tiếp tục tăng thì chắc chắn công việc của bác sĩ và điều dưỡng ở đây vô cùng vất vả.

Do vậy, tới đây chúng tôi lên kế hoạch thay đổi về nhân lực trong 1 khoảng thời gian nhất định để anh em có thời gian nghỉ ngơi, tránh những áp lực căng thẳng, đồng thời đặt ra cái đích về thời gian để anh em có gắng hoàn thành, để các đội quân khác của Bạch Mai luân phiên hỗ trợ cho TP.HCM.

Tình hình dịch bệnh ở TP.HCM hiện nay có những yếu tố diễn biến rất khó lường, bởi số ca mắc vẫn tiếp tục tăng. Như vậy, chúng tôi thấy vai trò của các Trung tâm HSTC như của Bạch Mai là vô cùng quan trọng. Chúng ta phải chờ đến đỉnh dịch thì sau đó mới dự đoán được chính xác có bao nhiêu ca mắc và chuẩn bị đón nhận BN như thế nào.

Tuy nhiên, chúng tôi đã có những kịch bản đặt ra đối với dịch bệnh tại TP.HCM. Chúng tôi đã có danh sách tới 4 con số về lĩnh vực cấp cứu, hồi sức tích cực đăng ký tình nguyện sẵn sàng lên đường chi viện cho TP.HCM. Và tôi chắc chắn rằng, chỉ 1 lời kêu gọi của ban giám đốc và công đoàn BV Bạch Mai sẽ có rất nhiều nhân viên y tế của Bạch Mai lên đường.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có sự hỗ trợ của rất nhiều đoàn công tác của các BV Trung ương như: BV Tai mũi họng Trung ương, BV Mắt Trung ương, BV 71 của Thanh Hóa, và tới đây Sở Y tế Bắc Ninh... sẽ cử những đoàn công tác với các chuyên gia về hồi sức cấp cứu tham gia cùng chúng tôi.

Có được một hậu phương rất vững chắc như vậy, chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Khi đó, vai trò của BV Bạch Mai như là người anh cả, dẫn dắt những người em cùng chiến đấu trong 1 chiến trường. 

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Lưu Hường thực hiện









 





 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận