Đối thoại - chìa khóa tạo sự đồng thuận

Phóng viên VOV và Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao (ảnh nhỏ) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển trao đổi về nội dung này.

 

Đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với người dân để lắng nghe và giải đáp những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách được xem là cách vận động quần chúng linh hoạt, hiệu quả tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. 

Phóng viên VOV và Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển trao đổi về nội dung này.

Thưa tiến sĩ, ông đánh giá thế nào về mô hình đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với người dân lâu nay vẫn được khuyến khích thực hiện tại các địa phương?

Chúng ta cần nhấn mạnh rằng, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với người dân không chỉ được coi như một mô hình được khuyến khích thực hiện. Trước hết, đây là một chủ trương lớn của Đảng: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng.

Và câu chuyện này đã trở thành luật hóa, tức là được thể hiện trong pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn hơn 10 năm nay.

Thứ hai, liên quan đến đối thoại trực tiếp còn có câu chuyện tiếp dân. Trong Luật Tiếp dân nói rất rõ là các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương và người đứng đầu các cơ quan này phải có nghĩa vụ tiếp người dân.

Những quy định về dân chủ cơ sở ở xã, phường tạo cho người dân có quyền đòi hỏi chính quyền xã, phường phải thực hiện các hoạt động về KT-XH; tạo cơ hội cho người dân tiếp xúc với chính quyền và chính quyền có cơ hội hỏi ý kiến người dân.

Thế nhưng cho đến nay, việc thực hiện Luật Tiếp dân vẫn ở trạng thái bị động, tức là khi người dân có bức xúc, kiện cáo, lợi ích của họ trực tiếp bị ảnh hưởng thì họ đến các văn phòng tiếp dân để khiếu nại, lúc đó Ban tiếp dân đứng ra nhận đơn và tiếp công dân.

Cũng rất ít trường hợp có được mô hình trực tiếp đối thoại và đây chưa thành một thiết chế rõ ràng về mặt nghĩa vụ, trách nhiệm của chính quyền đối thoại với người dân về các vấn đề phát triển KT-XH.

Đấy là cái còn thiếu vắng trong khuôn khổ pháp luật, mặc dù đường lối chính sách của Đảng cũng như những bước ban đầu của luật pháp cũng đã đề cập đến công cụ đối thoại trực tiếp với người dân.

Trên thực tế chúng ta cũng thấy rằng nếu thiếu đi sự trao đổi trực tiếp, sự lắng nghe của chính quyền với người dân thì sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy?

Điều đó là chắc chắn. Thực tế cho thấy, khi chính quyền biết đối thoại với người dân sẽ nhận được nhiều kết quả tích cực, như: Sự đồng thuận, tuân thủ và thực hiện nghiêm các quyết định hành chính của chính quyền.
Chính phủ đã có dự kiến xây dựng luật ban hành văn bản quy phạm hành chính. Nếu có luật này sẽ thôi thúc những người đứng đầu phải đối thoại với người dân, phải tiến hành tham vấn ý kiến của các chuyên gia trước khi ra quyết định hành chính bởi vì nó được chế tài hóa, khi ra quyết định hành chính mà sai, gây tổn thất, thiệt hại cũng như xáo trộn xã hội thì người đứng đầu phải chịu chế tài pháp luật.

TP.HCM vừa thực hiện rất thành công chương trình đối thoại trực tiếp “Dân hỏi thành phố trả lời”. Ngay những phút phát sóng đầu tiên của chương trình đã có gần 60 nghìn người theo dõi và liên tục gửi câu hỏi cho người đứng đầu chính quyền thành phố. Theo ông, yếu tố nào tạo nên thành công của chương trình này?

Theo tôi, yếu tố tạo nên thành công cơ bản nhất là người đứng đầu TP.HCM đã sẵn sàng lắng nghe và đối thoại với người dân.

Trước một vấn đề phức tạp, bức xúc xã hội như đại dịch Covid-19, người dân chỉ trông chờ và muốn biết cách giải quyết của chính quyền như thế nào, định hướng ra sao để họ yên tâm. Vì thế, sự sẵn sàng lắng nghe, đối thoại với dân của lãnh đạo thành phố là điều rất quan trọng.

Mỗi ngày một chương trình đối thoại có thể xem là sự dũng cảm của chính quyền TP.HCM không thưa ông, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang rất căng thẳng?

Theo tôi, ở đây là năng lực và cái tâm của người lãnh đạo, nhận thức được đúng đắn rằng người dân là chủ thể, đúng như lời Thủ tướng Chính phủ đã nói: Phải lấy người dân làm chủ thể trong công cuộc chống dịch này chứ đừng coi người dân chỉ là một đối tượng để quản lý, bởi chống dịch mà chỉ có chính quyền thì làm sao làm được.

Động thái này của Chủ tịch UBND TP.HCM còn có một ý nghĩa rất hay, đó là tác động đến tâm tư tình cảm của người dân trong câu chuyện chống dịch. Người dân được đối thoại sẽ có cảm giác được tôn trọng, thấu hiểu, từ đó nâng cao tinh thần tự giác của người dân, họ sẽ sát cánh, đồng hành với chính quyền cùng chống dịch.

Với những địa bàn đang nóng bỏng về công tác phòng chống dịch như TP.HCM, việc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với người dân sẽ là trợ thủ đắc lực cho phép chính quyền thành phố đưa ra quyết định đúng hướng, đúng thời điểm và đúng đối tượng, thưa ông?

Đúng vậy. Ở đây không phải chỉ là vấn đề xử lý tình huống bất cập, khẩn cấp như tình trạng bệnh dịch, mà trong xây dựng phát triển đất nước, trong việc điều hành của Chính phủ với người dân thì việc đối thoại trực tiếp sẽ rất có lợi cho chính quyền về mọi mặt.

Thứ nhất, sẽ thu thập, nắm bắt được thông tin, nguyện vọng của người dân để ban hành những quyết định phù hợp với tâm tư nguyện vọng của dân.

Thứ hai, có thể thu thập được nhiều ý kiến của các chuyên gia trong nhân dân. Có rất nhiều chuyên gia độc lập, họ không ngại nói thật, nói thẳng.

Dựa trên cơ sở những thông tin đó, chính quyền có thể ra được những quyết định hành chính rất tốt, thúc đẩy phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực và cũng phòng ngừa được nhiều tiêu cực.

Còn làm thế nào để ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu, buộc họ phải đối thoại, thì cần phải xem xét lại việc đưa Dự án Luật Ban hành các văn bản quy phạm hành chính ra Quốc hội để Luật được ban hành.

Nếu Luật này được quy định thì trong đó sẽ có một điều khoản, một nguyên tắc rất cơ bản là trước khi ban hành các văn bản quy phạm hành chính, đơn vị đó phải công bố, công khai về nội dung văn bản đó để công chúng góp ý kiến và sau một thời gian nhất định, trên cơ sở tập hợp thông tin, đối thoại… thì mới có thể ban hành.

Những ý kiến nào không chấp nhận thì phải giải trình lại cho nhân dân được biết. Nếu có được công cụ là Luật Ban hành các văn bản quy phạm hành chính thì tôi tin những người nhiệt huyết sẽ hoạt động rất thuận lợi, còn những người chây ỳ, chủ quan cũng buộc phải hành động, đối thoại với người dân chứ không thể tùy tiện ra quyết định.

Cầu thị, chủ động lắng nghe, trao đổi thẳng thắn và chủ động ứng dụng các nền tảng xã hội để gần dân hơn. Đây có phải là bí quyết để mỗi cuộc đối thoại giữa chính quyền với người dân đạt được thành công không, thưa Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao?

Tôi hoàn toàn đồng ý. Chúng ta hiện nay khác xưa rất nhiều. Việc đối thoại với người dân không nhất thiết là tụ họp, mời người dân đến.

Hiện chúng ta có nhiều công cụ lắm, có thể sử dụng công cụ internet để thu thập ý kiến. Trên các trang mạng có rất nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện chống dịch như thế nào của các chuyên gia, có các kênh thông tin truyền thông rất mạnh mẽ và người dân bất cứ lúc nào cũng có thể trực tiếp đối thoại và kết nối với các lãnh đạo.

Tất nhiên việc tổ chức để đối thoại trực tiếp cũng phải nghiên cứu các phương thức và về mặt tổ chức cơ quan nhà nước cũng phải có những bộ phận chịu trách nhiệm về việc này, chứ không phải lúc nào để người đứng đầu cơ quan, đơn vị đứng ra trả lời từng câu hỏi của người dân được... 

Sử dụng công cụ nào, kênh nào, về phía cơ quan nhà nước sẽ sắp xếp lại tổ chức, cơ cấu bộ máy ở từng cấp như thế nào để có thể duy trì được đối thoại trực tiếp giữa người dân với cơ quan nhà nước, lúc đó sẽ phát huy sức mạnh của bộ máy công quyền.

Thế nhưng câu chuyện này rất cần được luật hóa và thiết chế hóa, bởi nó sẽ rất tốt cho hiệu lực quản lý, năng lực cán bộ của bộ máy chính quyền, tạo sự tin tưởng của dân đối với cách thức điều hành của Chính phủ, của các cơ quan chính quyền địa phương. Hơn nữa, không chỉ trong dịch bệnh mà thời gian tới khi chúng ta trở về trạng thái bình thường mới thì phương thức đối thoại trực tiếp với người dân cũng vẫn rất cần được đẩy mạnh.

Xin cảm ơn ông!













 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận