Cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới

Phóng viên VOV trao đổi với TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu & Quản lý kinh tế Trung ương.

 

Trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 15, vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh được rất nhiều đại biểu quan tâm. “Cải thiện Môi trường kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cũng là chủ đề phóng viên VOV trao đổi với TS. Nguyễn Minh Thảo (ảnh nhỏ) - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu & Quản lý kinh tế Trung ương.

Có nhiều ý kiến cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh trong giai đoạn Covid-19 nên là quan hệ sản xuất phải thúc đẩy lực lượng sản xuất chứ không phải cản trở lực lượng sản xuất. Đấy là cái lâu dài, bền vững. Bà nghĩ sao về quan điểm này?

Tôi rất đồng tình rằng môi trường kinh doanh phải thúc đẩy sản xuất. Trong thời gian qua, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận là những sự thay đổi, cải cách chưa đồng đều, có lĩnh vực chúng ta tạo ra sự chuyển biến, nhưng vẫn còn những lĩnh vực chậm, thậm chí không có sự thay đổi nào. Điều đó cho thấy trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn như thời gian Covid-19 vừa qua thì càng cần hơn nữa sự quan tâm, chú trọng của Chính phủ cũng như của tất cả các cấp, ngành, địa phương đối với việc tạo ra sự thông thoáng, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, từ đó thúc đẩy được sản xuất.

Đã có những tính toán cho thấy công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nhiều địa phương bị thụt lùi bởi những tác động của dịch Covid-19. Theo nghiên cứu của bà, những tác động từ thủ tục, từ việc tăng thêm các điều kiện chống dịch trên thực tế ra sao và ảnh hưởng như thế nào tới DN và nền kinh tế?

Ở đây tôi thấy có 2 vấn đề. Thứ nhất là dịch Covid-19 đã thu hút sự quan tâm của các bộ, ngành và địa phương vào công tác chống dịch và các gói hỗ trợ, vì thế, những cải cách về quy định hay thủ tục hành chính dường như có xu hướng chững lại, ít được chú trọng hơn.

Thậm chí dịch bệnh khiến việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với DN còn trở nên khó khăn gấp bội bởi hầu hết các thủ tục hiện nay đều thực hiện giao dịch trực tiếp, thủ công, mặc dù theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thì việc kết nối các thủ tục hành chính ở mức độ 3, 4 khá nhiều.

Cần có giải pháp nhằm cắt giảm hiệu quả chi phí tuân thủ pháp luật trong DN. 	Ảnh: Hà Nguyên

Thứ hai, do những yêu cầu về phòng chống dịch nên một số địa phương đặt ra thêm các quy định, điều kiện, tiêu chí về an toàn trong phòng chống dịch. Điều này khiến chi phí của DN tăng cao, nhiều DN thậm chí không có khả năng để trụ vững nữa, buộc phải tạm dừng hoạt động.

Việc này kéo theo nhiều hệ lụy đối với sản xuất, kinh doanh, việc làm, an sinh xã hội và sau đó là sự phát triển của địa phương. Không chỉ thế, chúng tôi cũng thấy có việc địa phương này xây dựng tiêu chí đối với DN thì địa phương khác cũng học như vậy, dẫn tới rào cản trong môi trường kinh doanh hiện hữu không chỉ ở một địa phương nhỏ lẻ mà lan ra nhiều địa phương hơn. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhưng cũng có nhiều kinh nghiệm ở địa phương này có thể trở thành kinh nghiệm cho các địa phương khác, thưa bà?

Mỗi địa phương có các kinh nghiệm khác nhau về cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy về đầu tư. Ngoài Thừa Thiên Huế, ở Quảng Ninh có mô hình Ban Xúc tiến đầu tư và thành lập tổ Invester care - tức là chăm sóc các nhà đầu tư. Tổ này có ở các sở, ban, ngành và địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hỗ trợ nhà đầu tư và đảm bảo các dự án đầu tư đều được hỗ trợ một cách hiệu quả và tích cực. Ở Thừa Thiên Huế cũng có mô hình về thẻ điện tử DN, tức là các dữ liệu về DN được tích hợp trên thẻ đó.

Khi DN đến làm thủ tục tại các cơ quan quản lý Nhà nước thì không cần phải nộp lại các thông tin cũ nữa mà đã có sẵn ở trên thẻ. Đây là một ví dụ mà tôi nghĩ khá là hiệu quả. Ở Bắc Ninh có mô hình bác sĩ DN mà chúng ta có thể nhân rộng ở các địa phương trong việc hỗ trợ cho các nhà đầu tư, các DN.

ĐBQH đã đề nghị một số giải pháp nhằm cắt giảm hiệu quả những chi phí tuân thủ pháp luật trong DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó ĐBQH Đồng Ngọc Ba đưa ra 5 nhóm giải pháp. Bà nhìn nhận như thế nào về các giải pháp của đại biểu này?

Tôi đồng tình với các kiến nghị của ĐBQH Đồng Ngọc Ba. Tuy nhiên, tôi muốn làm rõ thêm một số nội dung. Trước hết, chúng ta cần xác định một cách rõ ràng hơn về việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN. 3 giải pháp mà ĐB Đồng Ngọc Ba đưa ra như: Cắt giảm về điều kiện kinh doanh hay cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về văn bản quy phạm pháp luật thì cũng là nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ.

Và theo tôi, cắt giảm chi phí tuân thủ là mục tiêu chung và cần có giải pháp cụ thể, rõ ràng hơn để đạt được mục tiêu  chung, đó là cắt giảm về chi phí. Và các giải pháp mà tại Nghị quyết 02 cũng đưa ra rất nhiều giải pháp để nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ cho DN. ĐB Đồng Ngọc Ba cũng kiến nghị tập trung vào cải cách thủ tục trong những lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, quản lý thị trường... Những bất cập này đã được nhận diện từ lâu nhưng chưa có giải pháp và phương án thỏa đáng và đây là lĩnh vực cần được chú trọng trong thời gian tới.

Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện khá tốt những cải cách về điều kiện kinh doanh nhưng đối với các nhóm điều kiện về đầu tư kinh doanh thì chủ yếu liên quan tới các luật. Do đó, cần có sự quan tâm của Quốc hội đối với cải cách này. Vậy cải cách không chỉ thuộc trách nhiệm của Chính phủ mà cần có sự quan tâm hơn từ phía Quốc hội.

Ngoài ra, tôi cũng rất chia sẻ với kiến nghị của ĐB Đồng Ngọc Ba về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về quy phạm văn bản pháp luật bởi hiện nay văn bản pháp luật của chúng ta khá nhiều và khó theo dõi. Vì vậy, khi DN muốn tìm hiểu các hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan thì rất khó để tìm hiểu văn bản nào điều chỉnh các hoạt động của họ.

Do vậy, nếu chúng ta xây dựng một cơ sở dữ liệu này thì sẽ có một hình ảnh rất tốt đối với môi trường kinh doanh, đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Thời gian qua, nhiều DN đã làm khá tốt việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang hoàn thiện các thể chế về chuyển đổi số và nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển kinh tế số để hỗ trợ doanh nghiệp. Từ thực tế của Thừa Thiên Huế cho thấy điều gì, thưa bà?

Từ thực tế của Thừa Thiên Huế chúng ta nhìn thấy từ DN cho đến chính quyền đều đang chuyển mình rất mạnh trong chuyển đổi số. Tôi cho rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu. DN và địa phương muốn phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc chuyển đổi nhanh sang chính quyền điện tử, số hóa các dữ liệu và phát triển kinh tế số thì cũng là cần thiết.

Tương tự như vậy, DN muốn trụ vững và phát triển cũng đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ và phải tìm kiếm qua các nền tảng điện tử. Đây là một xu thế mà hiện nay bên cạnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi cũng đang nhìn thấy có ở địa phương khác, đặc biệt là một số các tỉnh, thành phố lớn. 

Dưới góc độ nghiên cứu của bà thì đâu là giải pháp căn cơ giúp cho cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới để có thể thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19?

Tôi đưa ra 5 giải pháp, trong đó một số giải pháp trùng với giải pháp của ĐB Đồng Ngọc Ba. Điều đầu tiên tôi cho rằng chúng ta tiếp tục phải có cải cách về điều kiện kinh doanh - tức là những điều kiện không hợp pháp sẽ hoàn toàn bị bãi bỏ, đồng thời cũng cần tiếp tục bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết và can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Trong điều kiện kinh doanh cũng cần áp dụng nguyên tắc về quản lý rủi ro và có thể chuyển sang hậu kiểm thay vì cho tiền kiểm như hiện nay. Theo đó, thay vì cơ quan quản lý cấp phép thì có thể cho phép DN được hoạt động khi họ đáp ứng được yêu cầu và cơ quan Nhà nước thực hiện hậu kiểm.

Một số địa phương thì không được đưa ra yêu cầu về điều kiện kinh doanh. Và điều kiện kinh doanh trong một số văn bản hành chính để kiểm soát dịch bệnh thì có thể xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai, chúng ta cũng cần có giải pháp khả thi, cụ thể để khắc phục những bất cập chồng chéo trong mâu thuẫn về đầu tư đất đai xây dựng.

Thứ ba là thực hiện những giải pháp về quản lý, về kiểm tra chuyên ngành. Thứ tư là giải pháp về số hóa, đồng bộ và kết nối liên thông dữ liệu và thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Nhóm cuối cùng không thể thiếu là tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi các hoạt động pháp luật dưới địa phương, để giữa văn bản và chính sách không còn có khoảng cách.

Xin cảm ơn bà!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận