Ăn uống tại quán và chuyện chống dịch thời thích ứng

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng bàn luận với phóng viên VOV về nội dung này.

 

Tuần qua, câu chuyện về việc có nhiều người phải đi cả chục cây số để được tận hưởng cảm giác ăn uống tại hàng quán ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Quy định cứng này liệu có phù hợp với chủ trương thích ứng linh hoạt của Chính phủ và giải pháp nào để kiểm soát dịch bệnh đối với những hàng quán ăn uống? PGS.TS Nguyễn Huy Nga (ảnh nhỏ) - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng bàn luận với phóng viên VOV về nội dung này.

Ông có thể chia sẻ quan điểm về câu chuyện tại Hà Nội, có những người đi hàng chục cây số đến quận “vàng” để được ăn uống tại quán?

Ăn uống tại hàng quán - đó là nhu cầu của rất nhiều người dân hiện nay. Tôi hiểu và thông cảm với điều này. Bây giờ, việc ăn uống không phải chỉ để cho no, mà còn để được tận hưởng hoàn cảnh, môi trường ăn uống, nghĩa là được nhìn mọi người ăn uống vui vẻ, tai nghe tiếng ồn ào và mũi ngửi thấy mùi vị thực phẩm, nhất là trong thời gian giãn cách hoặc không được đến nhà hàng. 

Ông đánh giá như thế nào về quy định chỉ được bán mang về ở từng quận như hiện nay?

Quy định này không hợp lý, nhất là trong tình hình chúng ta đang cố gắng bình thường hóa, thích ứng với điều kiện chống dịch mới. Cấm ăn tại chỗ ở quận này thì người ta sang quận khác, và việc này tạo nên dòng người đi lại nhiều, như vậy khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơ.

Như ông vừa nói, quận này cấm bán ăn tại chỗ, quận kia mở là không hợp lý. Vậy có thể hiểu là mở hay cấm thì phải đồng loạt?

Hiện nay, trong điều kiện tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở Hà Nội đã rất cao, mỗi người trung bình tiêm 2 mũi rồi nên việc đi lại, ăn uống không phải nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Ngoại trừ những nhà hàng đóng kín rồi dùng điều hòa, hay quán bar, hàng karaoke, còn những quán ăn bình thường thì nguy cơ lây lan rất thấp.

Cho đến nay, chưa có nghiên cứu dịch tễ nào chứng minh được sự lây lan từ những quán ăn này. Bởi vậy, việc cấm ăn tại chỗ ở những quán hàng bình thường là không hợp lý. Chính quyền phải có cách quản trị hợp lý, sáng tạo để vừa đảm bảo được công tác chống dịch, vừa tạo điều kiện cho người dân có sinh kế, đồng thời thỏa mãn được nhu cầu chính đáng cho nhiều người và Nhà nước có nguồn thuế thu vào.

Vậy ông có khuyến nghị về giải pháp cụ thể nào để có thể quản lý việc bán hàng ăn uống chỗ tại chỗ cho hợp lý, tránh tình trạng nơi mở nơi đóng mỗi khi có địa bàn “chuyển màu”, thưa tiến sĩ?

Dựa trên tình hình dịch tễ, những báo cáo về các ca bệnh, ca tử vong gần đây, tôi thấy nguy cơ tử vong không cao, chỉ khoảng 0,2 - 0,5%, tương đương với các dịch bệnh khác, vì ở Hà Nội tỷ lệ tiêm chủng cao, tử vong chủ yếu ở những người cao tuổi hoặc có bệnh nền.

Do đó, tôi khuyến cáo Hà Nội nên linh hoạt hơn trong việc cho bán hàng ăn tại chỗ. Trong quy định chống dịch đã có hướng dẫn những nơi bán hàng phải thực hiện giãn cách người ngồi trên 2m, tức là bố trí không quá 50% bàn ăn trong quán, và phải yêu cầu khách hàng thực hiện đúng khuyến cáo chống dịch như quét mã vạch, rửa tay bằng cồn, xà phòng hoặc sát trùng. Đặc biệt phải quan tâm đến công tác phòng chống dịch cho nhân viên bán hàng như đeo khẩu trang, test nhanh, xét nghiệm PCR… vì những người này có thể là nguồn lây bệnh cho nhiều người.

Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Y tế cần nghiên cứu lại việc áp dụng phân vùng màu đỏ, xanh, cam trong thời gian qua và đưa ra những quy định linh hoạt hơn để người ta có thể vận dụng được trong tình hình mới, bởi từ đó đến nay đã mấy tháng rồi, tình hình thay đổi nhiều rồi, đặc biệt tỷ lệ tiêm chủng cao nên chúng ta có thể thay đổi và ban hành Bộ tiêu chí mới.

Ở TP Hải Dương, để được bán hàng ăn tại chỗ, UBND TP yêu cầu các cơ sở bán hàng ăn uống trên địa bàn phải tự bỏ kinh phí để xét nghiệm test nhanh hoặc xét nghiệm PCR cho khách hàng tới ăn và có hiệu lực trong vòng 72 giờ. Theo ông, quyết định này có khả thi?

Quy định này vừa không hợp lý vừa không khả thi bởi xét nghiệm PCR phải mất thời gian, có khi phải 1, 2 ngày mới biết kết quả. Thứ hai, việc này cũng rất tốn kém. Một mẫu xét nghiệm PCR phải vài trăm nghìn đồng. Quy định như vậy là ngăn cản, hạn chế việc ăn uống ở quán chứ không phải quy định để phòng chống dịch. Và như vậy, các hàng quán bán hàng ăn uống coi như phải đóng cửa, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người dân.

Ở Bạc Liêu, mấy ngày trước đã có hàng trăm đơn khẩn cầu của người dân với nội dung đã 5, 6 tháng qua không được bán hàng ăn tại chỗ và kinh tế kiệt quệ. Ban Chỉ đạo của tỉnh này đã phải họp để xem xét kiến nghị của người dân về việc cho phép các cửa hàng được bán ăn tại chỗ. Ông nghĩ như thế nào về nguyện vọng của người dân Bạc Liêu?

Nguyện vọng của người dân là chính đáng. Đặc biệt, người trong khu vực miền Nam thường ăn uống ở hàng quán để có điều kiện giao lưu, đáp ứng nhu cầu ẩm thực. Cấm bán hàng tại chỗ trong 6 tháng thì coi như làm mất kế sinh nhai của những người buôn bán hàng hóa, mà chủ yếu là người nghèo, khiến cuộc sống của họ càng khó khăn khi không có nguồn thu nhập. Một vấn đề rất quan trọng nữa là sức khỏe.

Những túi ni lông, hộp xốp dùng đựng thức ăn thường không có nguồn gốc rõ ràng và rất độc hại. Nếu chúng ta dùng nhiều trong 6 tháng thì nguy cơ gây bệnh ung thư, vô sinh, đặc biệt trẻ em bị ảnh hưởng rất lớn, cho nên chúng ta phải cân nhắc hài hòa giữa phòng chống dịch với sức khỏe lâu dài. Không riêng tỉnh Bạc Liêu, mà một số tỉnh khác cũng áp dụng biện pháp không cho ăn tại chỗ mà bán mang về đã 5, 6 tháng nay. Cần phải tạo điều kiện để cho người dân có kế sinh nhai.

Rất may là hiện giờ, Bạc Liêu đã có sự thay đổi, biết lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của dân. Tôi phải nhấn mạnh rằng, TP.HCM từ lúc áp dụng linh hoạt, mở rộng dịch vụ thì ca bệnh và tỷ lệ người nhiễm, ca tử vong giảm. Ngày 8/1, TP.HCM tuyên bố đã trở về vùng xanh, tức là đã an toàn, học sinh đi học trở lại và các hàng ăn đã mở bán bình thường.

Từ ngày 10/1, các quán bar, karaoke tại TP.HCM cũng được mở. Như vậy, chúng ta thấy vấn đề là người lãnh đạo, chính quyền địa phương phải có những nghiên cứu, sáng tạo về cách quản trị và vận dụng linh hoạt, thích ứng với tình hình của dịch chứ không phải là cấm. Bởi vì cấm thì rất dễ nhưng để hài hòa giữa nhu cầu, thu nhập của người dân với yêu cầu phòng chống dịch thì đấy mới là cái tài của người lãnh đạo. 

Cấm thì dễ, hài hòa mới khó, nhưng nếu để xảy ra dịch thì người đứng đầu lại bị quy trách nhiệm. Có những địa phương sợ câu chuyện trách nhiệm nên họ đưa ra những quy định rất cứng, thậm chí siết chặt hơn cả Trung ương.

Chính phủ đã có Nghị quyết 128 cho phép chúng ta có những hoạt động linh hoạt. Vì thế, địa phương mà dè dặt quá hoặc vượt quá những quy định của Chính phủ đều là không hợp lý. Tôi vẫn nhấn mạnh việc lây lan dịch bệnh từ các quán hàng ăn bình thường không phải là nguồn lây lớn mà chủ yếu lây lan dịch bệnh trong gia đình, trong nơi đóng kín, tiếp xúc gần.

Sắp tới Tết Nguyên đán nên gần đây một số địa phương đã có những khuyến nghị kêu gọi người dân hạn chế trở về quê để phòng chống dịch Covid-19. Ông nghĩ như thế nào về việc chúng ta vẫn đẩy cái khó về phía người dân trong công tác phòng chống dịch hiện nay?

Như tôi nói đó là vấn đề quản trị của lãnh đạo, chính quyền. Mỗi năm, người dân có mấy ngày Tết để về quê với cha mẹ, thăm hỏi họ hàng, làng xóm, thắp hương cho tổ tiên, họ còn có tâm linh trong đấy. Bởi vậy, chính quyền địa phương nên tạo điều kiện cho họ về quê.

Để phòng chống dịch thì chính quyền địa phương phải có những hướng dẫn, truyền thông để ngăn chặn, lây lan dịch bệnh và hỗ trợ dân chứ không phải là khuyến khích họ không về. Nếu địa phương tạo điều kiện cho người dân về và đảm bảo được an toàn dịch bệnh thì người dân sẽ càng yêu quê hương và sự đóng góp sau này cho quê hương càng lớn hơn. Thay vì sợ hãi, thì tuyên truyền, hướng dẫn để dân hiểu và tham gia vào phòng chống dịch, thế mới là giải pháp trọn vẹn và như vậy người dân càng có ý thức và thực hiện quy định của chính quyền tốt hơn.

Phòng chống dịch trong giai đoạn thích ứng mới này thì vai trò của người dân và vấn đề xã hội hóa công tác chống dịch là quan trọng. Và người dân được quyết định sức khỏe của mình, thành bại của việc chống dịch là ở người dân.

Xin cảm ơn ông!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận