Không để chống dịch đi ngược tinh thần Nghị quyết 128

TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã trao đổi với phóng viên VOV về câu chuyện này.

 

Để kiểm soát dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều địa phương đã ban hành quy định phòng dịch về cách ly, xét nghiệm, nhưng mỗi nơi một kiểu khiến đường về quê dịp Tết của người dân càng nhọc nhằn. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Y tế sớm chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, thậm chí cực đoan, trái với chủ trương chung của Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. 

TS.BS Phạm Quang Thái (ảnh nhỏ), Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã trao đổi với phóng viên VOV về câu chuyện này.
Với thực tế số ca mắc mỗi ngày ở nước ta vẫn ở mức 16.000 - 17.000 ca, và xuất hiện nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, ông dự đoán như thế nào về tình hình dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới?

Thời gian gần đây, chúng ta đồng ý cho việc cách ly tại nhà, tự mua test về để xét nghiệm. Một số trường hợp mắc thì thông báo ngay cho phường, xã để được có hỗ trợ về mặt y tế, nhưng một số khác lại tự điều trị và không thông báo. Như vậy có nghĩa số ca mắc mỗi ngày có thể nhiều hơn số ghi nhận được. Trong bối cảnh những ngày cuối năm, lượng người di chuyển cao, cùng với cách chống dịch như hiện tại thì trong thời gian tới, khi mà có nhiều buổi tất niên, gặp mặt dịp Tết, chắc chắn số lượng ca mắc sẽ tăng hơn nữa và rất có thể dẫn đến bùng phát dịch trong thời gian tới.

Với lý do để đảm bảo đón Tết an toàn, hàng chục địa phương đã đưa ra những quy định khác nhau đối với người về từ vùng dịch, trong đó có địa phương quy định người về từ vùng cam và vùng đỏ thì cách ly tại nhà 7 ngày, các vùng còn lại tự theo dõi sức khỏe 7 ngày. Ở cấp xã có nơi yêu cầu cách ly 14 ngày với người về quê, không phân biệt vùng xanh hay đỏ. Có địa phương lại yêu cầu người về từ tỉnh, thành phố khác phải có xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh trong vòng 24 giờ, có nơi lại quy định test 2 lần trong vòng 3 ngày khi trở về địa phương. Theo ông, những quy định này có phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 128?

Về cơ bản, Nghị quyết 128 đã đi vào cuộc sống, các nơi đã nới lỏng rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có sự không thống nhất giữa các cấp. Cùng một văn bản nhưng mỗi nơi hiểu một kiểu, dẫn đến việc mỗi nơi áp dụng theo một cách. Điều này gây ra sự cản trở, đối phó từ những người chấp hành quy định này. Việc sử dụng xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ hay test nhanh 24 giờ cũng không có ý nghĩa lắm khi sau đó họ đi lại rất thoải mái; đặc biệt, người về quê bị yêu cầu cách ly tại nhà 7 - 14 ngày thì không đúng theo tinh thần của Nghị quyết 128, không đúng với sự phát triển tự nhiên của dịch bệnh, không đúng theo cách mà con virus này hoạt động và sẽ không có giá trị trong phòng chống dịch Covid-19.

Đường về quê dịp Tết của người dân trở nên nhọc nhằn khi mỗi địa phương ban hành một quy định riêng về phòng dịch.
Cũng vì những quy định của địa phương mà hàng nghìn công nhân đã xin nghỉ Tết sớm để về quê, bởi họ tính cách ly y tế xong sẽ kịp đón Tết. Khi công nhân nghỉ sớm như vậy đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp trong lao động sản xuất, phục hồi kinh tế. Vậy những quy định cứng nhắc và cục bộ của nhiều địa phương cần được chấn chỉnh ra sao, thưa ông?

Những địa phương cần thống nhất trong cách ứng xử, đó cũng là một cách hỗ trợ cho chính họ trong quá trình phòng chống dịch. Bởi người dân về quê mà còn phải lo giấy chứng nhận, phải chịu những giám sát của địa phương thì chắc chắn trong quá trình như vậy sẽ nảy sinh một số vấn đề tiêu cực, ví dụ như lấy kết quả xét nghiệm không chuẩn, hay những việc tương tự. Chúng tôi đã gặp những trường hợp người dân né tránh những điểm chốt, né tránh khai báo hoặc khai báo sai sự thật… Tất cả những điều đó sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch chung trong cả nước.

Thế nhưng các địa phương cũng đưa ra lý do nếu không kiểm soát chặt hoặc không có biện pháp gì thì dịch sẽ bùng phát mạnh, trong khi năng lực ứng phó dịch của địa phương còn hạn chế và sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ông nghĩ thế nào về lý do này?

Đúng là có nhiều địa phương cũng chưa an toàn bởi vừa hoàn thành mũi 2 chưa lâu. Hệ thống điều trị cũng là một phần rất quan trọng trong việc chống dịch, bởi bây giờ chúng ta đang ở cấp độ 2,  3 - tức là hạn chế trường hợp nặng và giảm các ca tử vong. Điều này đặc biệt liên quan đến hệ thống y tế của địa phương, nhất là với một số địa phương mà hệ thống điều trị không đạt được như vậy. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn sử dụng những biện pháp như các địa phương vừa đưa ra thì liệu có thực sự đem lại an toàn cho địa phương hay không khi mà chúng ta lỏng với người dân địa phương nhưng làm quá chặt với những người từ bên ngoài về, mà còn chưa biết người nào nguy cơ hơn người nào. Nếu không có sự nhất quán trong khai báo, không đồng thuận từ phía người dân thì chúng ta rất khó trong quá trình chống dịch.

Thưa ông, trước yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế đang gấp rút sửa đổi Hướng dẫn 4800 về thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn, thay vì chú trọng số ca nhiễm thì sẽ chú trọng số ca nặng và tử vong. Theo ông, sự điều chỉnh này có phù hợp với tình hình hiện tại hay không?

Với số lượng ca nhiễm rất lớn trong thời gian vừa rồi, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh miền Nam nhưng những trường hợp tăng nặng, nguy kịch không cao so với giai đoạn trước. Như vậy có nghĩa thay vì quá chú trọng đến số ca bệnh, chúng ta sẽ phải tính toán đến khả năng chịu tải của hệ thống y tế. Thế nhưng ngay cả trong giới chuyên gia khi bàn về việc có đếm ca bệnh nữa hay không thì bây giờ vẫn chưa ngã ngũ. 

Hiện nay, tỷ lệ tăng nặng so với số ca nhiễm thì vẫn là một con số khiến chúng ta lo ngại. Việc đánh giá lại khả năng chịu tải của hệ thống y tế địa phương cũng rất quan trọng, và đây cũng là lý do tại sao không thể bắt tất cả các tỉnh cùng làm theo một hướng, bởi mỗi tỉnh có một đặc thù riêng. Và thích ứng linh hoạt không đơn giản chỉ là những con số mà thể hiện ở chỗ liên tục rà soát, liên tục điều chỉnh để phù hợp với thực tế và diễn biến của dịch.

Nhiều y bác sĩ cho rằng, chỉ có giảm số ca bệnh mắc mới hằng ngày thì mới giảm được số ca nặng và tử vong. Trong khi đó, chúng ta thực hiện thích ứng thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong dịp cận Tết và Tết lại rất cao. Vậy có điều gì mâu thuẫn trong câu chuyện này hay không, thưa ông?

Vaccine chỉ có thể giúp giảm tình trạng nặng và tử vong theo một tỷ lệ chứ không phải giảm tuyệt đối, có nghĩa khi các trường hợp nhiễm nhiều lên thì những trường hợp nặng và tử vong cũng sẽ nhiều lên. Đặc biệt, nếu địa phương nào vẫn còn trường hợp người già, người mắc bệnh nền chưa được tiêm trong giai đoạn vừa rồi thì đấy chính là những người sẽ gặp nguy hiểm khi dịch càn qua. Và đấy là lý do trong thời gian tới, chúng ta phải tăng cường hoàn thiện cho đủ mũi tiêm, đảm bảo rằng mọi người trong cộng đồng đều phải được bảo vệ, bởi còn khoảng 2 tuần nữa thôi là tới Tết, sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trong thời gian này. Khi hoàn thiện đủ mũi tiêm, lúc đó chúng ta mới có cơ hội giảm số ca mắc, ca nặng và tử vong.

Theo ông, việc tiêm bổ sung mũi thứ ba cho các đối tượng nguy cơ để giảm chuyển nặng, giảm tử vong có phải là mấu chốt để chúng ta sống chung một cách an toàn với Covid-19 trong giai đoạn sắp tới hay không?

Đây đúng là điều mấu chốt bởi kể cả với chủng mới Omicron thì những miễn dịch có ở giai đoạn trước do vaccine đem lại, đặc biệt là khi phối hợp các vaccine vẫn có giá trị để bảo vệ ngay cả với chủng mới. Khi dịch bệnh dễ dàng lây lan như vậy mà chúng ta không có vũ khí thì không có cách nào sống chung được. Và để sống chung được, chúng ta phải làm đầy đủ, làm tốt các việc kể cả tiêm chủng, kể cả vấn đề kiện toàn hệ thống y tế cơ sở, hỗ trợ điều trị cho bệnh viện, hỗ trợ điều trị từ xa ở nhà để giảm những trường hợp nặng, những ca nguy cơ tử vong. Khi ấy, chúng ta mới thực sự sống chung với Covid-19. 

Xin cảm ơn ông!
 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận