Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai: Do đâu?

Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cùng phóng viên VOV bàn luận về câu chuyện này.

 

Những ngày đầu năm 2022, “lò chống tham nhũng” lại rực lửa với liên tiếp những vụ khởi tố chấn động dư luận, trong đó, nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Không chỉ gây thất thoát tài sản Nhà nước, những sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai còn làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân nào? Tiến sĩ Đinh Văn Minh (ảnh nhỏ), Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cùng phóng viên VOV bàn luận về câu chuyện này.

Đã có hàng loạt vụ việc tiêu cực tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực đất đai. Theo tiến sĩ, nguyên nhân do đâu?

Có nhiều nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Thứ nhất, thể chế còn có những lỗ hổng, bất cập khiến người ta có thể lợi dụng để tham nhũng. Thứ hai, trong quá trình thực hiện, chúng ta đã triển khai không đúng theo các quy định của pháp luật. Thứ ba, hệ thống kiểm tra giám sát cũng có vấn đề. Chúng ta giám sát tầng tầng lớp lớp ở rất nhiều cơ quan tổ chức nhưng hiệu quả chưa cao. Thứ tư - một nguyên nhân rất quan trọng là con người, về đạo đức, tư tưởng, lối sống… Dù pháp luật tốt đến đâu nhưng nếu con người “hỏng” thì những vi phạm nói chung và vi phạm về đất đai nói riêng cũng sẽ vẫn diễn ra. Các cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát nhiều nhưng có khi không có tính phát hiện cao, do cách làm việc hoặc do chính cơ quan kiểm tra giám sát cũng bị mờ mắt bởi chuyện tiền bạc nên bỏ qua những sai phạm.

Vì sao các vụ án tham nhũng về đất đai thường chỉ bị phát hiện sau khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành và điều này sẽ gây khó khăn ra sao trong việc xử lý, thưa ông?

Trước hết bởi các vụ việc tham nhũng đất đai rất lớn và những người vi phạm đều là người đứng đầu chính quyền, đứng đầu cơ quan Đảng ở địa phương, cho nên trình tự tổ chức rất chặt chẽ, thậm chí người ta có thể vô hiệu hóa các quy định pháp luật, và quy trình vi phạm kéo dài, rồi chuyện ăn chia, móc nối giữa các cấp, các cơ quan với nhau rất chặt chẽ nên rất khó phát hiện. Thậm chí khi phát hiện các dấu hiệu rồi, nhưng vào cuộc xử lý vẫn vô cùng khó khăn. Chưa kể từ phía các cơ quan Đảng, Nhà nước và người dân đều có những điều chưa thích hợp về cả cơ chế giám sát, quá trình thực hiện và nhất là nguyên nhân từ con người - bị mờ mắt bởi những viên đạn bọc đường nên có phát hiện ra sai phạm cũng bỏ qua hoặc xử lý nhẹ. Đấy là những nguyên nhân khiến hầu hết những vụ việc phải vài năm mới phát hiện được.

Những vụ án tham nhũng đất đai, phải chăng do người dân không thể thực hiện được quyền giám sát của mình mà pháp luật đã quy định cho nên khó phát hiện ngay tham nhũng?

Một trong những nguyên nhân quan trọng chính là việc các cơ quan tự tung tự tác mà thiếu sự kiểm soát rất quan trọng từ phía người dân. Sự công khai minh bạch có tác dụng rất lớn trong việc đấu tranh chống các hành vi tham nhũng. Chúng ta hiện đang cố gắng đưa ra các quy định về vấn đề minh bạch, đặc biệt là minh bạch trong lĩnh vực đất đai.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện thì rất nhiều nơi, nhiều chỗ không thực hiện nghiêm túc các vấn đề về công khai, minh bạch. Người dân thiếu thông tin thì không thể có ý kiến được. Để dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra thì trước hết dân phải có thông tin, phải được tiếp cận các nguồn thông tin và thông qua đó, các cơ quan Nhà nước phải giải trình về những điều còn chưa minh bạch, chưa rõ ràng. Đó là một trong những vấn đề quan trọng mà hiện nay chúng ta đang phải tập trung xử lý.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng tham nhũng liên quan đến đất đai đang là một thách thức mà nguyên nhân chủ yếu nằm ở tình trạng độc quyền và cửa quyền ra quyết định của nhà quản lý trong bối cảnh thiếu minh bạch thông tin và thiếu trách nhiệm giải trình. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Với cơ chế hiện nay, quyền hạn của cơ quan quản lý rất lớn và có tình trạng độc quyền, cửa quyền kể cả về mặt thông tin, về vấn đề ra quyết định, và chưa thực hiện đúng trách nhiệm giải trình. Đây là chúng ta mới đang nói về các vụ án, vụ việc tham nhũng lớn, còn hiện nay tham nhũng vặt cũng rất nhiều. Trong quá trình người dân thực hiện các quyền của mình liên quan đến đất đai cũng bị gây không ít khó dễ về thủ tục. Nhiều khi pháp luật quy định rất thông thoáng nhưng ở dưới thì các văn bản hướng dẫn thi hành và người thực hiện lại gây khó dễ. Không phải tự nhiên chúng ta phải có cả một chỉ thị để chống tham nhũng vặt. 

Các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực đất đai thường chỉ bị phát hiện khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành.

Việc gây khó dễ trong quá trình thủ tục, đặc biệt là những thủ tục về đất đai, sổ đỏ, chuyển nhượng, thuế... diễn ra thường xuyên và một trong những nguyên nhân là do sự cửa quyền, độc quyền, và do cả các quy định, do sự thiếu kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc, xử lý, đặc biệt là vấn đề con người, những cán bộ công chức cố tình gây khó dễ để sách nhiễu, nhận hối lộ.

Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, kết quả thu hồi đất đai bị tham nhũng chỉ đạt 14,29% so với yêu cầu. Đây có thể nói là một tỷ lệ rất thấp. Việc đạt tỷ lệ thấp trong thu hồi đất đai tham nhũng ở cả biện pháp hành chính và biện pháp hình sự cho thấy nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai là rất lớn, thưa ông?

Tỷ lệ chưa đến 15% thu hồi được là rất thấp, trong khi giá trị của đất đai rất lớn, vậy nên số tiền bạc, tài sản Nhà nước thất thoát không nhỏ. Vấn đề là tại sao lại như vậy? Bởi vì quá trình vi phạm diễn ra rất lâu dài, không được xử lý ngay, rồi có sự chuyển nhượng và trải qua nhiều thời kỳ, qua nhiều chủ có quyền sử dụng cho nên vấn đề thu hồi rất khó.

Chúng ta nói đơn giản là đất đai vi phạm bị thu hồi nhưng nhiều khi sai phạm đó kéo dài rồi, người sai phạm cuối cùng (người đang sử dụng đất) có khi là F4, F5 rồi, nhiều khi người ta mua bán rất ngay tình, thậm chí được các cơ quan Nhà nước chứng nhận hợp pháp nhưng thực ra hợp pháp đấy lại xuất phát từ bất hợp pháp.

Đấy là một trong những nguyên nhân khiến không phải cứ sai phạm là thu hồi được. Hiện nay chúng ta phải có những chỉ đạo để rà soát lại câu chuyện sai phạm, đặc biệt là liên quan đến dự án, cái nào có thể thu hồi được, cái nào chưa thu hồi được. Chúng ta bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng phải tính đến lợi ích của những người liên quan. Đó là vấn đề rất phức tạp.

Có một thực tế là nhiều người được giao quản lý đất đã tự ý thu hồi đất, cấp đất, giao đất và bán đất. Tình trạng này diễn ra phổ biến, tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước. Có nhiều ý kiến cho rằng còn lỗ hổng trong kiểm soát quyền lực. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ở đây có những quy định bất hợp lý, chưa rõ ràng. Hiện nay chúng ta đang tổng kết về Luật Đất đai, về Nghị quyết 19-NQ/TW về đất đai thì thấy có những vấn đề đến nay vẫn còn tranh tối tranh sáng. Ví dụ như chúng ta hay nói về câu chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi: Cơ quan Nhà nước vừa là đại diện cho chủ sở hữu toàn dân vừa đại diện cho quyền quản lý đất đai. Rồi câu chuyện hiện nay chúng ta không phân biệt được đâu là đất công, đâu là đất tư.

Trên thực tế, Việt Nam không có đất tư, tất cả là đất công bởi đất đai là quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện quyền sở hữu, nhưng đất công sử dụng vào mục đích công và đất công sử dụng vào mục đích tư, mục đích kinh doanh thì rất khác nhau. Vì chúng ta không phân biệt được rõ ràng nên sinh ra các bất cập, lỗ hổng và rất khó kiểm soát.

Theo ông, những bất cập này cần có sự điều chỉnh như thế nào?

Nguyên nhân nào sẽ có giải pháp đó. Trước hết, chúng ta phải bàn bạc, nghiên cứu thật kỹ trong quá trình nghiên cứu để sửa đổi Luật Đất đai, làm rõ, tách bạch các khái niệm, các phạm vi về đất công sử dụng cho mục đích công và đất công sử dụng vào mục đích tư. Từ đó liên quan đến câu chuyện giao đất, thu hồi đất, đền bù đất… Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy, vừa đá bóng vừa thổi còi tất sẽ xung đột về lợi ích, dẫn đến vấn đề khép kín, mà khi khép kín thì sẽ xảy ra chuyện lợi dụng, khi đó sẽ rất khó phát hiện. Muốn giải quyết các vụ việc cụ thể, vấn đề gốc gác thì chúng ta phải tách bạch các khái niệm.

Vậy chúng ta có nên lập ra hội đồng định giá đất các cấp và có sự tham gia của các cơ quan Nhà nước có liên quan để giúp kiểm soát quyền lực cũng như công khai minh bạch thông tin và dễ phát hiện tham nhũng không, thưa ông?

Tôi nghĩ cần lập hội đồng định giá đất nhưng sự tham gia của các cơ quan hoặc là khu vực ngoài Nhà nước thì phải tính toán. Chúng ta phải minh định ra, cái nào là chuyên môn của hội đồng định giá, rồi sự tham gia của Nhà nước cũng cần kiểm soát. Nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng sinh thêm một cơ chế, cũng vẫn người đấy ở các cấp móc nối với nhau mà cuối cùng vẫn không kiểm soát được.

Để đảm bảo có kết quả thì Hội đồng định giá đất thứ nhất phải có chuyên môn, không thể chỉ là công chức được chỉ định mà phải là những người thạo về đất cát, về giá cả. Thứ hai, hội đồng đó phải bảo đảm được tính độc lập, không bị tác động bởi các ý kiến từ bên ngoài. Thứ ba, chúng ta phải kiểm soát được tính khách quan, chính xác trong hoạt động của hội đồng này.

Trong thời gian qua, có rất nhiều cán bộ bị xử lý vì vi phạm về đất đai cho rằng do cơ chế, chính sách về đất đai dẫn họ vào con đường phạm tội. Ông có cho rằng cần phải sửa đổi Luật Đất đai để bịt các lỗ hổng đó?

Rõ ràng chúng ta cần xem lại các cơ chế chính sách, các quy định về Luật Đất đai. Hiện nay chúng ta thấy có rất nhiều sơ hở, từ vấn đề về bản chất khái niệm cho đến sự minh định giữa đất công và đất tư, các thiết chế để kiểm soát, sự công khai minh bạch để bảo đảm cho người dân có quyền giám sát, trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước, câu chuyện về vạch ra vai trò của đại diện quyền sở hữu với cơ quan quản lý, vấn đề liên quan đến chuyên môn như định giá đất, vấn đề liên quan đến thể chế.
Xin cảm ơn ông!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận