Cách nào ngăn chặn quấy rối và xâm hại tình dục?

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội bàn luận về vấn đề này với phóng viên VOV.

 

Vụ việc nữ sinh viên tố cáo một trưởng khoa của trường đại học xâm hại, bạo lực tình dục trong thời gian dài, gây sốc dư luận chưa kịp lắng xuống thì mới đây, một nữ nhà báo, nhà thơ tố cáo bị đồng nghiệp quấy rối, xâm hại cách đây hơn 20 năm. Những vụ việc này ít nhiều cho thấy quấy rối và xâm hại tình dục là hành vi cần được nhận diện và loại bỏ. Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường(ảnh nhỏ), Đoàn Luật sư Hà Nội bàn luận về vấn đề này với phóng viên VOV.

Trước đây, nạn quấy rối tình dục (QRTD), xâm hại tình dục (XHTD) thường diễn ra ở những nơi hẻo lánh, vùng nông thôn, nạn nhân thường là trẻ em thì nay có xu hướng xảy ra ở cả khu vực thành thị, môi trường công sở, học đường - những nơi mà trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật tương đối tốt. Ông phân tích như thế nào về thực trạng này?

Qua những vụ việc QRTD và XHTD gần đây cho thấy hành vi này có thể diễn ra trong bất kỳ môi trường nào và với bất cứ ai. Nhiều người bị QRTD, XHTD đã không nói ra bởi ngại đụng chạm, ngại nói những vấn đề tế nhị, nhạy cảm, cho rằng nói ra thì xấu hổ hoặc có thể ảnh hưởng đến uy tín, tương lai.

Chính vì vậy, nhiều đối tượng QRTD đã có cơ hội thực hiện hành vi QRTD kéo dài. Nếu không ai lên tiếng, không tuyên truyền, phổ biến pháp luật, không phát hiện được và xử lý kịp thời thì tình trạng như vậy sẽ còn tiếp tục diễn ra.

Hành vi QRTD diễn ra ở rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, môi trường, đối tượng khác nhau, nhưng sự việc khó bị phát hiện bởi hành vi đó thường diễn ra một cách kín đáo, bí mật giữa đối tượng thực hiện hành vi và nạn nhân. Nếu nạn nhân không nói ra thì gia đình và cơ quan chức năng không thể biết để có phương án đấu tranh. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ pháp luật, từ việc tuyên truyền phổ biến, xử lý hành vi vi phạm, từ kỹ năng sống, cách thức phòng vệ.

Hiện nay pháp luật quy định rất nhiều loại chế tài hành chính, hình sự cũng như quy định về hành vi thế nào là QRTD. Thế nhưng trong các văn bản pháp luật chỉ thấy trong lĩnh vực lao động là có nhắc đến khái niệm QRTD. Khi sửa đổi Nghị định 167 và đến Nghị định 144 (năm 2021) thì chúng ta cũng mới nhắc đến khái niệm QRTD và nâng mức phạt. Trước đây, theo Nghị định 167, mức phạt đối với hành vi QRTD từ 100.000 - 300.000 đồng. Đến nay, Nghị định 144 đã nâng mức phạt lên 5 - 8 triệu đồng. Đối với hành vi QRTD trong lĩnh vực lao động thì mức phạt cao hơn, từ 15 - 30 triệu đồng theo quy định tại Nghi định số 12.

Để nhận diện và xử lý hành vi QRTD, về mặt pháp lý, chúng ta phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật để đưa ra những khái niệm, mức chế tài cụ thể đối với từng hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra.

Với những vụ việc QRTD vừa rồi, ngoài các ý kiến chia sẻ, đồng cảm với nạn nhân, cũng có không ít ý kiến chỉ trích, thậm chí miệt thị người đâm đơn tố cáo rằng không có lửa thì sao có khói, sao không kháng cự ngay từ đầu... Chính vì thế, các nạn nhân tiếp theo sẽ càng không muốn lên tiếng, và các thủ phạm sẽ càng có điều kiện thuận lợi thực hiện hành vi vi phạm. Ông có bình luận thế nào về điều này, thưa Tiến sĩ?

Dư luận xã hội thì luôn có nhiều chiều, nhưng nếu chúng ta đánh giá về dư luận nói chung thì phải đánh giá ở số đông. Thứ hai là ở mức độ nhận thức, khả năng tiếp cận thông tin, góc nhìn khác nhau thì người ta sẽ có quan niệm khác nhau. Thời gian gần đây, ngoài việc nạn nhân dũng cảm lên tiếng, gia đình động viên để đưa vụ việc ra ánh sáng pháp lý thì dư luận xã hội cũng rất quan trọng.

Vụ dâm ô với cháu bé trong thang máy ở Đà Nẵng, người thực hiện hành vi là người từng làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật, rất hiểu biết pháp luật, có chức vụ, quyền hạn, nhưng vụ việc đó dư luận lên tiếng đấu tranh rất quyết liệt, cơ quan tiến hành tố tụng kiên quyết xử lý, khởi tố. Nạn nhân là trẻ em thì sự bức xúc của dư luận xã hội sẽ cao hơn. Nếu nạn nhân là phụ nữ hay thanh niên thì dư luận xã hội đâu đó sẽ có ý bỡn cợt, khiêu khích, không đồng cảm, không thông cảm.

Thế nhưng số ấy không nhiều, đa số vẫn là lên án hành vi XHTD. 

Có ý kiến cho rằng, khi xảy ra QRTD thì ngoài việc mỗi người nên có ý thức, có tự vệ để hạn chế sự việc xảy ra, thì vấn đề nữa là không nên nêu tên nạn nhân trên truyền thông. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ý kiến này rất xác đáng. Theo quy định của pháp luật, người tố cáo được quyền bảo vệ thông tin của họ. Và thông tin của họ nếu lên truyền thông thì có thể được mã hóa, viết tắt hoặc đổi tên. Trường hợp đang có vụ việc tố cáo XHTD cách đây 22 năm, công khai tên tuổi là do nạn nhân tự nguyện đưa tên mình ra, sẵn sàng chấp nhận lời “nói ra nói vào” bởi mục đích của họ là đấu tranh với nạn XHTD nói chung, tránh để xảy ra vụ việc tiếp theo.

Về góc độ pháp lý, để xử lý hành chính, hình sự đối với hành vi XHTD phải có chứng cứ và cơ quan chức năng xử lý phải chứng minh được vi phạm. Khái niệm QRTD rất rộng, chúng ta hiểu QRTD là hành vi có tính chất tình dục, ảnh hưởng đến nhân phẩm của người khác và hành vi đấy không được nạn nhân chấp nhận. Hành vi ấy có thể là lời nói, cử chỉ, đụng chạm cho đến hành vi nguy hiểm hơn là dâm ô, hiếp dâm, cưỡng dâm. Tùy từng tính chất, hành vi, hậu quả cụ thể, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hay truy cứu hình sự. Tuy nhiên, việc chứng minh vi phạm là câu chuyện vô cùng khó khăn. 

Hành vi quấy rối tình dục có thể diễn ra ở mọi ngành nghề, lĩnh vực, môi trường, đối tượng khác nhau.

Nếu nạn nhân đến trình báo sự việc với cơ quan chức năng ngay lập tức khi bị hiếp dâm hay XHTD, thì việc vào cuộc kịp thời, thu thập chứng cứ, dấu vết để xử lý rất dễ dàng. Nhưng thường tâm lý chung của nạn nhân là không muốn nói ra, cảm thấy xấu hổ, bị sốc và phải mất vài ngày tĩnh tâm trở lại, sau đó mới chia sẻ với người thân và người thân lại tìm đến đối tượng vi phạm để đôi co, thỏa thuận bồi thường hoặc tự giải quyết với nhau, sau khi không giải quyết được mới đưa ra cơ quan pháp luật, lúc đấy nạn nhân đã tắm rửa rồi, không còn dấu vết gì nên cơ quan pháp luật sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi điều tra.

Nạn nhân của QRTD, XHTD chịu thiệt đơn thiệt kép. Ban đầu bị xâm hại. Và khi nạn nhân lên tiếng thì chịu thêm những nỗi đau khác nữa, một là phải nhắc lại vụ việc ám ảnh cả cuộc đời họ; hai là sự kỳ thị, cái nhìn lệch lạc của một bộ phận dư luận xã hội. Để tạo ra được tiếng nói mạnh mẽ và đồng thuận hơn trong việc đấu tranh chống nạn QRTD, XHTD, điều quan trọng có lẽ là sự thay đổi quan niệm, góc nhìn của mỗi người đối với vụ việc. Ông có nghĩ như vậy?

Tôi nghĩ đúng như vậy. Khi nạn nhân lên tiếng, họ rất cần sự ủng hộ của những người thân, sự đồng cảm, chia sẻ của dư luận xã hội và sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Nhiều người do ảnh hưởng của yếu tố văn hóa, lịch sử, tâm lý xã hội nên có cái nhìn lệch lạc về việc QRTD, XHTD cũng như có định kiến đối với nạn nhân.

Để thay đổi được điều đó, chúng ta phải thực hiện rất nhiều giải pháp, từ giải pháp về chính sách pháp luật, tức là hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ danh dự nhân phẩm công dân, trong đó có những hành vi liên quan đến XHTD, QRTD, chúng ta phải đưa ra những khái niệm đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và xác định ở từng mức chế tài cụ thể, thậm chí có thể áp dụng nghiêm khắc đối với hành vi XHTD.

Thứ hai là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách cụ thể để mọi người nhận thức được thế nào là hành vi QRTD, XHTD, bạo lực tình dục, tấn công tình dục, thế nào là các hành vi đến mức xử lý hình sự. Khi nhận diện được đâu là QRTD, nạn nhân mới biết được quyền của mình được pháp luật bảo vệ đến đâu. Và khi nhiều người nhận thức được là đấy là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, người ta sẽ đồng cảm, thông cảm, chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ để đấu tranh với tình trạng đó.

Cũng cần phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng. Trong việc thu thập chứng cứ, nạn nhân cũng cần có hiểu biết, có kỹ năng cũng như được sự hỗ trợ, hướng dẫn từ cơ quan chức năng để thu thập, chuẩn bị các chứng cứ đấu tranh với hành vi vi phạm.

Trên thực tế, có nhiều tình huống XHTD như thế này: Hai người từng yêu nhau, nhưng khi chia tay rồi thì đối phương lại thực hiện hành vi XHTD. Chính vì từng yêu nhau khiến nạn nhân càng khó đấu tranh hơn. Ông có cho rằng loại hình XHTD này rất tinh vi và cần phải nhận diện mới đấu tranh được hay không?

Những chuyện như vậy xảy ra tương đối phổ biến trong đời sống xã hội. Hai người yêu nhau, thậm chí có quan hệ tình dục với nhau, khi một người thấy không phù hợp nữa, muốn chia tay thì người còn lại đã sử dụng những thông tin, hình ảnh, clip, thậm chí những phương thức, thủ đoạn vì họ biết quá rõ nạn nhân như thế nào để cưỡng ép nạn nhân tiếp tục phải quan hệ tình dục. Rất nhiều đối tượng đã bị xử lý. Tuy nhiên, câu chuyện này có mấy vấn đề.

Thứ nhất, do hai bên từng có quan hệ tình cảm nên nhiều khi nạn nhân nghĩ bây giờ nói ra thì không ai tin. Thứ hai, việc thu thập chứng cứ để đấu tranh cũng không đơn giản. Thứ ba, tâm lý của người tiến hành tố tụng khi xử lý những hành vi XHTD mà giữa nạn nhân và đối tượng vi phạm không có quan hệ thân thiết, không quen biết nhau thì sẽ xử lý rất quyết liệt, nhưng nếu giữa nạn nhân và đối tượng vi phạm có tình cảm yêu đương thì ranh giới giữa đồng thuận hay không đồng thuận là câu chuyện hết sức khó khăn và cơ quan tố tụng sẽ phải rất thận trọng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ để chứng minh vi phạm. 

Xin cảm ơn ông!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận