Những ngày qua, dư luận xôn xao về luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La”. Trước đó đã có không ít kiểu đề tài như vậy được bảo vệ. Báo Tiếng nói Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ Phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) xung quanh những bất cập về chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Thưa ông, việc để lọt những đề tài không thấy được hàm lượng khoa học hay ý nghĩa thực tiễn như luận án “tiến sĩ cầu lông” thì trách nhiệm chính thuộc về ai?
Luật Giáo dục Đại học quy định chỉ hướng nghiên cứu khoa học cơ bản mới được làm lên tiến sĩ, còn hướng ứng dụng chỉ làm đến thạc sĩ. Thế thì đề tài nêu trên rõ ràng là theo hướng ứng dụng, chưa kể còn phi khoa học, vậy tại sao lại duyệt làm đề tài luận án tiến sĩ, dù đã qua các hội đồng duyệt rồi trình lên Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những đề tài không xứng đáng như thế.
Có thể nói, dù phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng để lọt một đề tài dưới tầm như thế không phải chỉ là trách nhiệm của người hướng dẫn mà còn có trách nhiệm của hội đồng bảo vệ, trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều đơn vị, trong đó có Bộ GD-ĐT.
Nói là đề tài đã thực hiện theo quy trình chặt chẽ, có chấm thẩm định lại,… nhưng thực tế là vẫn có sự buông lỏng. Không chỉ luận án “tiến sĩ cầu lông” và trước đó có nhiều đề tài kiểu vậy ở các lĩnh vực khác nữa.
Chính vì thế tôi cho rằng, bất cập đầu tiên vẫn là khâu quản lý Nhà nước. Mới đây lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học trả lời dư luận theo kiểu đẩy hết trách nhiệm cho cơ sở giáo dục là không ổn, trong khi cần phải trả lời rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ ra sao. Họ trả lời báo chí những nguyên tắc rất chung chung, nào là có quy trình chặt chẽ… nhưng cụ thể với đề tài “tiến sĩ cầu lông” thì trách nhiệm của Bộ đến đâu lại không đề cập tới.
Thực trạng này diễn ra khá lâu, nhưng tại sao đến nay vẫn không ngăn chặn được?
Cách đây mấy năm đã xôn xao vụ “lò ấp” tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì giờ lại rộ lên lần nữa. Mặc dù Bộ có nói xử lý nhưng cũng không công khai minh bạch, chỉ nói xử lý chung chung, nói là đúng quy trình… nên cũng chưa có tác dụng răn đe. Thế nhưng khó hiểu là, đầu năm 2021, Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tại tiến sĩ, trong đó đã hạ chuẩn “đầu ra” khá nhiều, thậm chí thấp hơn cả tiêu chuẩn đầu ra của quy chế trước năm 2017 là thời kỳ có nhiều tiêu cực?!
Cụ thể, bỏ yêu cầu công bố quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Trong khi công bố quốc tế là công khai minh bạch kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh, là liêm chính học thuật, đánh giá khách quan bởi khi đăng ký một bài trên tạp chí quốc tế được chấp nhận thì họ phản biện ở rất nhiều quốc gia. Đối với nước ta thì việc đăng bài trên tạp chí quốc tế là một tiêu chí quan trọng để xác định tiến sĩ thật hay rởm. Mặc dù khi ban hành quy chế này, rất nhiều nhà khoa học lên tiếng gay gắt nhưng Bộ vẫn lờ đi không sửa đổi.
Và chính việc “tháo rào” như vậy đã khiến cho các lò tiến sĩ rởm ngày càng nở rộ và những đề tài kiểu như “tiến sĩ cầu lông” ngày càng phổ biến. Có thể nói, việc hạ thấp chuẩn “đầu ra” đã tạo điều kiện cho những người háo danh ở các cơ quan quản lý nhà nước gắn mác tiến sĩ. Những người này sẽ tìm đến những “lò ấp” tiến sĩ để có được cái bằng. Nếu chúng ta đào tạo “tiến sĩ thật” theo các chuẩn mực quốc tế thì sẽ không có chỗ cho nạn háo danh phát triển. Chưa kể ẩn phía sau đó còn là chuyện vận động, nương nhẹ, lobby… lâu nay vẫn tồn tại.
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng phổ cập tiến sĩ và hệ lụy sẽ ra sao?
Luật Giáo dục yêu cầu ban hành chuẩn đầu ra chất lượng trong đào tạo tiến sĩ, tiệm cận theo các chuẩn mực thế giới nhưng Bộ GD-ĐT lại ban hành chuẩn “đầu ra” thấp thì đó chính là lỗi của cơ quan quản lý. Chính từ đó đã dẫn tới lỏng lẻo mọi chuyện, từ lỏng lẻo hội đồng cả nể bỏ qua cho nhau, lỏng lẻo chuyện đạo luận án, chuyện “đi đêm”... Tôi biết, có những trường vừa nâng cấp từ trường nghề lên được mấy năm cũng được phép đào tạo tiến sĩ tràn lan.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam chúng ta đang đào tạo tiến sĩ theo kiểu tại chức, họ vừa phải làm việc, vừa học tiến sĩ, không tập trung thời gian làm nghiên cứu, không hoàn thành đúng thời hạn mà vẫn bảo vệ xuất sắc là điều vô lý. Thậm chí có những vị lãnh đạo đầu ngành vừa làm quản lý, vừa làm luận án tiến sĩ mà vẫn bảo vệ xuất sắc. Ngày xưa tôi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô phải mất 4 năm, trong thời gian đó chúng tôi không làm gì mà chỉ tập trung việc học và nghiên cứu, vậy mà còn có nhiều người không đảm bảo được đúng hạn bảo vệ.
Việc để lọt luận án tiến sĩ gây xôn xao dư luận như thời gian qua khiến người ta lo ngại vấn đề tiêu cực có thể xảy ra. Rồi sau này, nếu những tiến sĩ như vậy có thể được xét chức danh phó giáo sư, giáo sư thì là điều không thể chấp nhận. Chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam sẽ ra sao nếu lực lượng tiến sĩ này sẽ là nòng cốt của giáo dục đại học?.
Vì thế, cơ sở giáo dục có thể dễ dãi trong đào tạo nhưng nếu quản lý Nhà nước mà buông lỏng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Rõ ràng, cái họ đạt được không đúng thực chất thì khi sử dụng danh hiệu đó, học vị đó để tham gia vào giảng dạy, nghiên cứu hay quản lý tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ và gây nhiều hệ lụy xã hội.
Vậy đâu là giải pháp mấu chốt để ngăn chặn tình trạng trên, thưa ông?
Trước tiên phải chấn chỉnh khâu quản lý Nhà nước trong công tác đào tạo tiến sĩ, xóa bỏ bao cấp, không tạo cơ chế “xin - cho” và tăng cường trách nhiệm giám sát. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ GD-ĐT phải ban hành những cơ chế chính sách chính xác, chặt chẽ, ví dụ, cơ sở giáo dục phải đạt những chuẩn như thế nào mới được đào tạo tiến sĩ, có quy định chặt chẽ chuẩn “đầu ra”. Đặc biệt, trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải tăng cường giám sát, không chỉ giám sát từ cơ quan quản lý mà còn có lực lượng giám sát xã hội và phản biện.
Ngoài ra, cần phải có quy định chặt chẽ hơn đối với người hướng dẫn nghiên cứu sinh. Có lần tôi gặp một vị tiến sĩ khoe vừa bảo vệ luận án được 2 năm mà giờ là thầy hướng dẫn tới 4 đề tài cho các nghiên cứu sinh. Nghe vậy tôi giật mình, bởi bản thân chỉ hướng dẫn 2 đề tài một năm đã là cố gắng hết sức rồi.
Thậm chí, có vị tiến sĩ kinh tế còn khoe thành tích hướng dẫn đến 25 đề tài chỉ trong thời gian ngắn. Thực tế có những người thầy hướng dẫn rất tận tâm và trách nhiệm với trò, nhưng cũng có những thầy rất “sòng phẳng” chỉ nhận phong bì là có thể cho qua. Thậm chí, có tình trạng trong hội đồng nếu thầy nào chấm “chặt tay” lần sau sẽ không được mời tham gia hội đồng nữa, bởi hầu hết các nghiên cứu sinh đều chỉ muốn đạt điểm 9, 10 khi bảo vệ luận án.
Vì thế đã đến lúc cần phải có sự chấn chỉnh trong công tác đào tạo tiến sĩ. Từ việc sàng lọc đối tượng học tiến sĩ, phải đưa ra những điều kiện, yêu cầu để đảm bảo đào tạo tiến sĩ đúng mục đích, đúng đối tượng.
Trân trọng cảm ơn ông!